Hãy coi mỗi trẻ tự kỷ là một tiểu thế giới

14/05/2014 06:02
Vũ Nga – Thu Ngà
(GDVN)- Hòa nhập có phải là đặt trẻ vào môi trường học cùng các trẻ em khác? Mỗi trẻ em một tiểu thế giới, làm sao để thấy tiềm năng riêng?

Buổi tọa đàm giới thiệu phương pháp mới trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển tiềm năng diễn ra trong những ngày qua tại Trung tâm Kai art (Hà Nội) do Ban Hành động vì Sự Phát triển Hòa nhập phối hợp với Trung tâm Kinh tế và Phát triển Cộng đồng và nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ phối hợp tổ chức đã đem đến cho nhiều gia đình, nhiều phụ huynh bài học về chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Cuộc tọa đàm này cũng nằm trong khuôn khổ cuộc triển lãm "Câu chuyện của Nem - giới thiệu những tác phẩm do Nem - tên thật là Hà Đình Chí sáng tác" với thông điệp "Mỗi trẻ em - Một tiểu thế giới". 
Mềm dẻo, nhẹ nhàng với trẻ tự kỷ

Tại buổi tọa đàm, dưới góc nhìn đa chiều của các nhà giáo dục, Thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà cho biết, mỗi trẻ em đều có những điểm khác biệt, có sở thích riêng và cá tính riêng, không thể tìm thấy hai trẻ giống nhau hoàn toàn nên việc áp dụng cùng một phương pháp giáo dục cho tất cả mọi trẻ là điều không khoa học. 

"Câu chuyện của Nem" khiến nhiều người xúc động. Ảnh Tuổi trẻ.
"Câu chuyện của Nem" khiến nhiều người xúc động. Ảnh Tuổi trẻ.
Cũng theo Thạc sĩ Hà, dù là trẻ bình thường hay trẻ tự kỷ đều có cách nhìn nhận thế giới của riêng mình. Có trẻ thường tiếp cận với thế giới bằng ngôn ngữ, có trẻ lại chỉ giao tiếp với bên ngoài qua kênh thị giác, hay thính giác…Việc của người lớn là nên tôn trọng những quan tâm của trẻ.

Quan điểm tôn trọng suy nghĩ, sở thích của trẻ tự kỷ được các diễn giả rất ủng hộ và đưa ra nhiều lý do thuyết phục cho quan điểm này.

Theo diễn giả Phó Đức Tùng, không nên áp đặt trẻ vào một thước đo cứng nhắc, thay vì tìm cách ép trẻ vào một khuôn nhất định, hãy để trẻ thỏa mãn với sự sáng tạo của chính mình.

“Để trẻ tự kỷ được bộc lộ cá tính và dần bước ra khỏi vỏ bọc che lấp bản thân, các bậc phụ huynh không những quan tâm tới thái độ, suy nghĩ của trẻ mà còn phải hòa mình vào thế giới của trẻ, chơi và hành động cùng trẻ để từ đó có những phương pháp giáo dục thích hợp” diễn giả Tùng cho hay. 

Thạc sĩ Chương trình giáo dục đặc biệt, Đại học Oregon (Hoa Kỳ) Nguyễn Thị Nha Trang đưa ra nhận định về quan điểm “Following the child's lead - nương vào con, hòa theo con” chính là cụm từ để chỉ phương pháp tiếp cận hiệu quả đối với trẻ tự kỷ. 

Theo Thạc sĩ Trang, đối với trẻ tự kỷ, những tiềm năng chỉ được phát hiện khi chúng ta đi sâu vào “tiểu thế giới” bên trong, ẩn nấp sau những hành động khó hiểu, kì cục hay thái độ thờ ơ, lãnh đạm, sự ngại giao tiếp với môi trường xung quanh. 

Ở trẻ phát triển một cách bình thường, hoàn toàn không cần tới các can thiệp bên ngoài, vẫn có thể nhận ra tiềm năng vì nó bộc lộ một cách tự nhiên và như một bản năng nhất định.
Phương pháp giáo dục hoà nhập được đề ra giúp chúng ta hiểu rõ những khác biệt của trẻ tự kỷ, đánh thức những tiềm năng riêng cho các em sống vui vẻ và hạnh phúc như tất cả mọi trẻ khác.
Trẻ tự kỷ cũng có nhu cầu giao tiếp

Các nhà chuyên môn đều nhận định, do có những đặc điểm và hành động khác so với biểu hiện bình thường nên ở độ tuổi đi học, trẻ tự kỷ thường không thể hòa nhập được với những bạn đồng trang lứa. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, hướng dẫn của các cô trong việc tạo môi trường thuận lợi cho trẻ có điều kiện phát triển khả năng.

Các diễn giả tại buổi nói chuyện về phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ. Ảnh Vũ Hoa - Thu Ngà.
Các diễn giả tại buổi nói chuyện về phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ. Ảnh Vũ Hoa - Thu Ngà.
Diễn giả Nguyễn Lan Phương – thành viên trong Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong hành trình đồng hành cùng em.

Theo bà Phương, trong câu chuyện cả Nem rất khó để hòa nhập với bên ngoài. Nhưng từ một điểm nhỏ là Nem có hứng thú đặc biệt với việc vẽ bảng chữ cái ABC, tuy không thể điều tiết, kiểm soát được vận động của tay và thường xuyên tạo thành những nét vẽ nguệch ngoạc không xác định, nhưng với sự trợ giúp thầy cô và bố mẹ, em đã dần có những bức tranh bằng cả nét chì và tô màu vô cùng ấn tượng, nhận được nhiều lời khen ngợi từ các họa sĩ.

Vị diễn giả này cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng cho những bậc làm cha mẹ có con bị tự kỷ thêm lạc quan, vững vàng trong hành trình bước vào “tiểu thế giới” của con, dẫn con ra hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Diễn giả Đức Tùng một lần nữa khẳng định lại quan điểm giáo dục trẻ tự kỷ theo phương pháp của mình là: Đừng nghĩ bất kỳ đứa trẻ nào không có nhu cầu giao tiếp hay không có khả năng giao tiếp. Và hãy bằng cách này hay cách khác, trẻ cũng vẫn sẽ tạo ra những kênh giao tiếp riêng của mình mà đôi khi người lớn chúng ta không để ý tới điều đó. 

“Hãy cứ để trẻ hòa mình vào thế giới bên ngoài theo con đường riêng của chúng” vị diễn giả này cho hay.

Tại buổi nói chuyện về phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ, bà Nguyễn Hồng Oanh, Trưởng Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập khẳng định: “Hòa nhập không có nghĩa là “xếp chỗ” cho trẻ khuyết tật trong trường lớp phổ thông và không phải tất cả mọi trẻ đều đạt trình độ như nhau trong mục tiêu giáo dục. Giáo dục hòa nhập đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết để mọi học sinh phát triển hết khả năng của mình”.
Vũ Nga – Thu Ngà