Hiệu phó ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ gây xôn xao ngành giáo dục quận 4

21/05/2016 07:23
Phương Linh
(GDVN) - Một Hiệu phó của trường Tăng Bạt Hổ A kiêm là người ra đề thi học kỳ Lịch sử trung học cơ sở cho quận 4, khiến phụ huynh thắc mắc về tính bảo mật của đề thi.

Ban biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được phản ánh của một phụ huynh hiện có con đang theo học cấp trung học cơ sở tại quận 4, TP.Hồ Chí Minh phản ánh về những vấn đề tồn tại, nghi ngờ về 2 đề thi học kỳ 2 môn Lịch sử khối 6, 8 của quận 4 vừa qua.

Hiệu phó ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ ở quận 4

Trong kỳ thi học kỳ 2 môn Lịch sử lớp 6 vừa được tổ chức tại quận 4 vừa qua, theo phản ánh của phụ huynh, đề thi có 4 câu hỏi về nội dung Lý Bí – tên nước là Vạn Xuân, kinh tế - văn hóa của Chăm pa từ thế ký II đến X, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành thắng lợi và TP.Hồ Chí Minh có bao nhiêu quận huyện.

Khi học sinh đã thi xong, thì phụ huynh này bất ngờ phát hiện trong cuốn sách Lịch sử lớp 6 của một học sinh trường Tăng Bạt Hổ A cũng có phần lớn câu hỏi và đáp án trùng với nội dung của đề thi này.

Cụ thể, căn cứ theo những gì được ghi bằng nét bút của học sinh trên quyển sách, học sinh cũng ghi phần trả lời của nội dung: TP.Hồ Chí Minh có bao nhiêu quận huyện, vì sao Lý Bí đặt tên nước là Vạn Xuân, vì sao khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành thắng lợi, ý nghĩa của khởi nghĩa Hai Bà Trưng và di tích của Chăm pa.

Căn cứ vào những gì mà đề thi Lịch sử lớp 6 đặt ra cho học sinh, phần ghi chép này lại của một học sinh trùng phần lớn các câu hỏi của đề thi.

Đề thi học kỳ Lịch sử lớp 6 của quận 4 vừa được tổ chức xong (Ảnh: P.L)
Đề thi học kỳ Lịch sử lớp 6 của quận 4 vừa được tổ chức xong (Ảnh: P.L)

Trong đó, câu 1 trùng phần suy nghĩ gì về việc đặt tên nước là Vạn Xuân, câu 2 thì trùng phần di tích của vương quốc cổ Chăm pa còn tồn tại  đến ngày nay, câu 3 trùng phần vì sao cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành thắng lợi và câu 4 trùng toàn bộ nội dung TP.Hồ Chí Minh có bao nhiêu quận huyện, quận 4 tiếp giáp quận huyện nào.

Theo phản ánh của vị phụ huynh này, người ra đề thi môn Lịch sử lớp 6 học kỳ 2 cho học sinh quận 4 gồm nhiều người, trong đó có một thành viên hiện đang là Hiệu phó của trường Tăng Bạt Hổ A.

Như vậy, xâu chuỗi lại các thông tin nói trên không thể khiến cho phụ huynh thắc mắc: Vì sao Hiệu phó của một trường lại được kiêm luôn là người ra đề thi cho cả quận?

Phải chăng tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, làm sao tránh được tình trạng học sinh trường đó không được ôn đúng nội dung trọng tâm của đề thi trước.

Phần câu hỏi trả lời mà học sinh ghi trên sách giáo khoa giống y như đề thi của quận (Ảnh: P.L)
Phần câu hỏi trả lời mà học sinh ghi trên sách giáo khoa giống y như đề thi của quận (Ảnh: P.L)

Ngoài ra, vị phụ huynh nói trên cũng phản ánh việc đề thi Lịch sử lớp 8 có câu hỏi số 1 về Hiệp ước Nhâm Tuất không ghi ngày tháng năm, nhưng đáp án lại có ghi.

Vậy thì học sinh nếu trong phần trả lời thiếu ngày tháng năm có bị trừ điểm không, vì đề thi và đáp án không thống nhất.

Câu hỏi số 2 của đề thi này cũng yêu cầu học sinh thuật lại một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong trào Cần Vương, đáp án chỉ nêu khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896), nhưng thực tế sách giáo khoa có đến 3 cuộc khởi nghĩa là Hương Khê, Ba Đình, Bãi Sậy.

Vậy thì nếu học sinh nêu đáp án của mình nằm trong 2 cuộc khởi nghĩa kia thì có được hưởng điểm hay không, vì nội dung này có trong sách giáo khoa, mà đáp án không có.

Rút kinh nghiệm việc ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’.

Trước những thông tin mà phụ huynh nêu ra, chiều ngày 19/5, tại phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4, bà Cao Thị Tuyết Mai – Phó Trưởng phòng đã làm việc với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bà Cao Thị Tuyết Mai thừa nhận, cùng với 1 thành viên khác thì Hiệu phó trường Tăng Bạt Hổ A cũng là thành viên ra đề thi Lịch sử cho quận 4 đợt học kỳ 2 này.

Việc này, theo bà Mai cũng có cái khó là do biên chế của phòng giáo dục quá ít, chỉ từ 20 – 22 người, thì không thể có đủ chuyên viên của các bộ môn được. Chính vì thế, phòng giáo dục phải có một lực lượng thầy cô giáo nòng cốt ở các bộ môn là người của trường học.

Trước câu hỏi có hay không việc lộ đề trước cho học sinh học, bà Cao Thị Tuyết Mai đã bác thông tin này, và nói rằng, việc thi cử phòng giáo dục có thành lập hội đồng ra đề hẳn hoi, có quy định trách nhiệm của từng thành viên, quy định rất rõ việc bảo mật và nếu có tiêu cực sẽ xử lý nghiêm.

Dù nói rằng không biết những gì học sinh viết trên sách là trước hay sau kỳ thi, nhưng bà Mai cũng thừa nhận rằng ‘tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi’ như vậy sẽ dễ gây hiểu lầm cho phụ huynh, sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lần thi tới.

Còn việc phản ánh của phụ huynh liên quan đến Hiệp ước Nhâm Tuất, câu hỏi không ngày tháng nhưng đáp án không có, bà Mai nhấn mạnh: Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến điểm số của học sinh.

Việc có hay không ghi ngày tháng năm sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng bài làm của các em, có cũng được và không có cũng không sao.

Còn đối với câu hỏi về một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong trào Cần Vương, dù thực tế có 3 cuộc khởi nghĩa, mà đáp án chỉ ghi cuộc khởi nghĩa Hương Khê, bà Mai cho biết, 2 cuộc khởi nghĩa còn lại nằm trong phần giảm tải mà Bộ Giáo dục quy định, không cần phải giảng dạy và học.

Phương Linh