Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng”

24/08/2017 06:49
Thanh An
(GDVN) - Dù các vị Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường có thanh liêm đến cỡ nào cũng không thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ các phần trăm hoa hồng trong mỗi hợp đồng mua bán.

LTS: Bàn về câu chuyện “hoa hồng” giữa nhà trường và các bên cung ứng dịch vụ hiện nay, thầy giáo giả Thanh An có bài viết phản ánh những góc khuất của vấn đề này.

Tác giả cũng cho rằng những phần trăm hoa hồng không hề nhỏ trên đầu các sản phẩm là một khoản lợi tự nhiên mà bất kì Hiệu trưởng hay kế toán nào cũng không thể cưỡng lại được. 

Xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Dù các vị hiệu trưởng và kế toán nhà trường có thanh liêm đến cỡ nào cũng không thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ những phần trăm hoa hồng trong mỗi hợp đồng mua bán hàng năm của đơn vị. 

Ảnh minh họa, nguồn: edek.org.cy.
Ảnh minh họa, nguồn: edek.org.cy.

Thời buổi cạnh tranh, 1 đơn vị mua hàng có hàng chục người chào bán nên nhiều hiệu trưởng cứ “đỏng đảnh” lựa chọn các sản phẩm được chào mời. Và điều dĩ nhiên là cái nào cảm thấy “ưng ý” thì các “thượng đế” mới gật đầu.

Theo quy định hiện nay thì chỉ có mua bảo hiểm y tế của học sinh là phải yêu cầu đúng tuyến, còn lại các mặt hàng khác thì hiệu trưởng và kế toán nhà trường có thể lựa chọn. 

Từ bảo hiểm thân thể cho giáo viên và học sinh, đến chuyện đồng phục, phần mềm điểm điện tử, sửa chữa bàn ghế, trường học, văn phòng phẩm nhà trường, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa VNEN đang được bán theo đường nội bộ…

Trong vô vàn các hợp đồng đã kể ở trên thì chỉ mình bảo hiểm y tế cho học sinh có hoa hồng ít nhất (7%). Nhưng 7% của 491.400 đồng/1 học sinh cũng không phải là một con số nhỏ.

Mỗi học sinh mua bảo hiểm được trích lại mấy chục nghìn và từ con số ấy nhân với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học sinh của các trường lớn cũng ra một món tiền không hề nhỏ. 

Về nguyên tắc, số tiền hoa hồng của bảo hiểm y tế trích lại dành để chăm sóc ban đầu cho bệnh nhân. Nhưng nhiều đơn vị nhà trường chỉ mua vài chai dầu xoa, một ít bông gòn, vài vỉ thuốc nhức đầu, đau bụng thì đáng mấy đồng. 

Nếu học sinh bị bệnh sơ sơ thì cho uống vài viên thuốc giảm đau, nếu các em bị nặng hoặc tai nạn thì được chuyển ngay lên tuyến trên. Bởi các trạm y tế, bệnh viện thường nằm gần các trường học.

Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng” ảnh 2

Hoa hồng bao nhiêu phụ thuộc vào lương tâm người lãnh đạo

Ngoài bảo hiểm y tế bán cho học sinh thì các sản phẩm còn lại được các công ty, các cửa hàng trích hoa hồng dao động trên dưới 10%. 

Ta cứ hình dung hiện nay phần lớn các trường đều có quy định học sinh mặc đồng phục đi học.

Đồng phục đâu phải chỉ có một bộ, nào đồng phục mùa hè, nào đồng phục mùa đông, nào đồng phục thể dục thì ít nhất các em đầu cấp học sẽ phải chi khoảng 4-5 trăm nghìn đồng cho việc mua sắm này. 

Các em không phải học sinh đầu cấp thì ít nhất mỗi năm cũng phải mua 1 sản phẩm đồng phục bởi phần lớn các em còn nhỏ đang phát triển rất nhanh về thể chất nên quần áo của năm này rất khó mặc vào năm sau.

Hơn nữa, các em học sinh thường hiếu động hay chạy nhảy nên quần áo mặc 1 năm thường cũ nhàu. Vì thế, việc mua sắm mới là một điều hiển nhiên.

Ngoài đồng phục của học sinh, thì nhiều Công đoàn nhà trường hàng năm cũng trích từ kinh phí để mua tặng các thầy cô giáo 1-2 bộ quần áo vào dịp đầu năm học và ngày 20/11. 

Khi đã may đồng phục thì điều dĩ nhiên các hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn phải liên hệ các nhà may thân quen.

Đối với phần mềm nhập điểm điện tử hiện nay có nhiều các công ty đến chào mời sản phẩm và nhà trường cũng thay đổi sản phẩm liên tục.

Rất nhiều giáo viên bức xúc nhưng các ý kiến cũng chỉ được hiệu trưởng “ghi nhận” mà thôi. Bởi mỗi phần mềm vào điểm là mỗi cách tiếp cận khác nhau.

Nhiều giáo viên sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo thì họ phải lần mò, hỏi đồng nghiệp chỉ bảo. 

Nhưng, khi quen và biết cách nhập điểm, nhập các lời phê, nhận xét vào phần mềm thì nhà trường lại đổi sản phẩm mới. Nơi chúng tôi công tác, chưa hết một nhiệm kì của hiệu trưởng mà đã đổi sản phẩm đến 3 lần. 

Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng” ảnh 3

“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán

Phải nói rằng sản phẩm phần mềm điện tử này rất thuận lợi cho giáo viên, cán bộ quản lí nhà trường và cả với phụ huynh học sinh.

Khi giáo viên nhập điểm, nhập những vi phạm hoặc thông báo là phụ huynh học sinh sẽ biết ngay.

Vì thế, sản phẩm này có giá dịch vụ dành cho mỗi em học sinh dao động từ 60-80 nghìn đồng.

Và dĩ nhiên, sản phẩm của công ty nào có hoa hồng cao là hiệu trưởng gật đầu.

Khi hiệu trưởng hợp đồng với công ty truyền thông là lúc giáo viên bộ môn và ngay cả phó hiệu trưởng nhà trường cũng lại bắt đầu phải làm quen với sản phẩm mới.

Thường thì cuối năm nhiều trường tổ chức chụp ảnh cho học trò thì hoa hồng cũng chiếm một tỉ trọng lớn trong các nguồn thu cho hiệu trưởng. 

Phần lớn các trường mầm non, tiểu học ở các thành phố đều tổ chức làm ảnh lớp, ảnh “ra trường” cho các em, rồi ảnh để ghép vào giấy khen, ảnh thẻ, các em học sinh cuối cấp đều làm ảnh kỷ yếu…

Những hiệu ảnh muốn chen chân vào trong trường tất nhiên phải là chỗ thân quen và được hiệu trưởng cho phép.

Không chỉ có hoa hồng trong các sản phẩm mà ngay cả tiền giáo viên vay ở các ngân hàng thì hàng quý lãnh đạo nhà trường cũng được hưởng % từ các gói vay.

Các thầy cô giáo ngày nay có đến 90% là khách hàng quen thuộc của của các ngân hàng. Người nào ít thì vài chục triệu, người nào có thâm niên công tác lâu năm thì được vay nhiều nên có người vay đến vài trăm triệu đồng. 

Vì thế, trường nào ít giáo viên thì tổng số vay cũng tới vài ba tỉ đồng, trường nào đông có thể lên đến hàng chục tỉ đồng. 

Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng” ảnh 4

Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên

Những món nợ được kéo triền miên từ năm này sang năm khác, hết thời hạn lại vay lại, thậm chí chưa hết thời hạn nhưng khó khăn quá thì giáo viên đáo hạn. 

Vì thế, khoản hoa hồng dành cho lãnh đạo nhà trường cũng được duy trì từ tháng năm này đến tháng năm khác.

Và cứ thế, mỗi sản phẩm là mỗi loại hoa hồng, tất cả hoa hồng được chiết khấu bằng những phần trăm cụ thể.

Có những sản phẩm được trích hoa hồng theo văn bản pháp quy, nhưng phần lớn là hoa hồng được kí kết bằng những hợp đồng miệng thỏa thuận ngầm với nhau. 

Đặc biệt, có những loại hoa hồng được nằm trong vòng “bí mật” như sửa chữa bàn ghế, sửa chữa trường lớp hàng năm…chỉ biết rằng những người thợ thi công là những người gần gũi, quen thân với hiệu trưởng và được họ “tin tưởng, tín nhiệm” sửa chữa từ năm này qua năm khác.

Một điều mà ai cũng biết rằng nếu hoa hồng dành cho hiệu trưởng và kế toán nhà trường càng cao thì giá thành sản phẩm càng được nâng cao hơn.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ học sinh hoặc ngân sách nhà trường phải tốn kém thêm rất nhiều.

Song đây lại là những khoản hoa hồng "hoàn toàn hợp lý" mà các đoàn thanh tra về cũng rất khó bắt bẻ hoặc tìm ra những sai phạm!

Không phải là tất cả nhưng nhiều địa phương hiện nay có hiện tượng “chạy” để được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo nhà trường.

Và ai cũng biết nếu làm lãnh đạo chỉ hưởng lương nhà nước thì chẳng có ai chạy chọt làm gì và cũng chẳng ai muốn làm. 

Bởi dân gian thường nói: “Có chức, có quyền là có tiền”.

Có những khoản tiền phải tìm nhiều phương kế để hợp thức hóa giấy tờ thì những phần trăm hoa hồng không hề nhỏ trên đầu các sản phẩm là một khoản lợi tự nhiên mà đến!

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

 Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Thanh An