Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình

11/06/2018 07:37
Vũ Phương
(GDVN) - Bà Bùi Thị Kim Thúy nói trường không sai, cách tính tiền lương 2 buổi do hội đồng tự xây dựng và cách trả lời quanh co, tiền hậu bất nhất nhằm đẩy trách nhiệm.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh “Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô giáo, phụ huynh trên địa bàn Thủ đô và dư luận cả nước.

Nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tố nhà trường áp đặt một công thức không theo tinh thần chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhằm mục đích bớt xén tiền đứng lớp 2 buổi/ngày của giáo viên trong 10 năm liền.

Thay vì đơn giá trên 50.000 đồng/tiết, nhiều năm qua nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám chỉ được nhận 34.000 đồng/tiết.

Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình ảnh 1Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp

Số tiền mà nhiều giáo viên tính trên tháng bị thiếu không phải là ít, bình quân mỗi giáo viên được thêm trên dưới 1 triệu đồng/tháng tiền lên lớp 2 buổi/ngày khi tính theo đơn giá mới.

10 năm qua số tiền giáo viên bị thiệt là rất lớn.

Đáng nói, không chỉ tiền dạy 2 buổi/ngày bị tính đơn giá thấp, một số giáo viên chủ nhiệm trường này cũng tố nhiều năm qua không được nhà trường trả chế độ lương dạy thêm giờ theo Thông tư 28 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư liên tịch số 07 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính.

Một giáo viên chủ nhiệm bức xúc cho biết: “Theo Thông tư số 08 và Thông tư liên tịch số 07, giáo viên chủ nhiệm được giảm trừ 3 tiết/tuần.

Trong khi đó định mức của giáo viên tiểu học là 23 tiết.

Sau khi được giảm trừ giáo viên chủ nhiệm chỉ còn định mức là 20 tiết để hưởng lương ngân sách.

Nhiều năm qua tôi và nhiều giáo viên chủ nhiệm trong trường luôn hoàn thành và vượt số tiết dạy quy định, nhưng không được nhận chế độ dạy thêm giờ theo các quy định hiện hành.

Trong khi đó,  một trường tiểu học khác trên địa bàn giáo viên được nhận lương dạy thêm giờ khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Tôi và một số giáo viên có đến hỏi hiệu trưởng nhà trường về chế độ này, nhưng hiệu trưởng nói chúng tôi dạy thiếu tiết chứ làm gì có thừa.

Chúng tôi đem thời khóa biểu ra đếm số tiết bằng tay thì rõ ràng số tiết giáo viên dạy thừa nhiều tiết.

Thời khóa biểu của giáo viên chủ nhiệm lên đến 36 tiết/tuần đối với lớp 1,2,3 và 37 tiết với lớp 4,5.

Hơn nữa, không thể nói giáo viên dậy không đủ định mức bởi sĩ số một lớp trên 50 học sinh, còn quy định 1 lớp không quá 35 học sinh. Với số học sinh 1 lớp từ 50-55 học sinh, giáo viên luôn dạy quá tải.  

Quá rõ ràng, hiệu trưởng nói sẽ trả lương thêm giờ bằng quỹ lương 2 buổi/ngày.

Nhưng chúng tôi không đồng ý vì Quyết định số 51 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ rõ không được sử dụng khoản thu 2 buổi vào mục đích khác.

Chúng tôi đề nghị hiệu trưởng trả lời rõ ràng về khoản lương thêm giờ này, nhưng hiệu trưởng lờ đi”.

Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám gây bức xúc cho nhiều giáo viên khi nhiều năm liền tiền lên lớp, tiền lương dạy thêm giờ bị bớt xén, ăn chặn. Ảnh: V.P
Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám gây bức xúc cho nhiều giáo viên khi nhiều năm liền tiền lên lớp, tiền lương dạy thêm giờ bị bớt xén, ăn chặn. Ảnh: V.P

Để xác minh rất nhiều nội dung giáo viên phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau nhiều lần liên hệ đã có buổi làm việc với bà Bùi Thị Kim Thúy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Trong buổi làm việc với phóng viên, bà Bùi Thị Kim Thúy liên tục khẳng định “Trường không sai gì. Công văn của quận cũng xác minh trường không sai. Chúng tôi làm đúng công văn hướng dẫn”.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có hay không việc bớt xén lương 2 buổi của giáo viên bởi đơn giá cũ và đơn giá tính lại mức chênh lệch rất lớn?.

Hơn nữa, đơn giá 1 tiết phải biến động khi sĩ số lớp thay đổi, nhưng điều lạ là nhiều năm qua giáo viên chỉ được nhận một đơn giá 34.000 đồng/tiết.

Bà Bùi Thị Kim Thúy một mực cho rằng: “Tôi đã báo cáo lên Ủy ban nhân dân quận và quận cũng có công văn, kết luận không sai. Phóng viên cần tìm hiểu thông tin gì cứ lên phòng giáo dục và Ủy ban nhân dân quận”.  

Giải thích về công thức “loằng ngoằng và khó hiểu” trong việc tính đơn giá dẫn đến sai gây thiệt thòi cho giáo viên, bà Thúy lý giải: “Tất cả hội đồng nhà trường thông qua. Quy chế chi tiêu nội bộ của trường được cả giáo viên thông qua, bởi vậy giáo viên phải chấp hành.

Công thức tính do hội đồng trường tự xây dựng và thống nhất trên các văn bản hướng dẫn”.

Trước khi làm việc, bà Bùi Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng nhà trường gọi điện cho ai đó nhằm thách thức, ngăn cản phóng viên. Ảnh: Vũ Phương
Trước khi làm việc, bà Bùi Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng nhà trường gọi điện cho ai đó nhằm thách thức, ngăn cản phóng viên. Ảnh: Vũ Phương

Bà Bùi Thị Kim Thúy một mực khẳng định việc chi lương 2 buổi cho giáo viên trong trường là đúng, phóng viên đề nghị bà Bùi Thị Kim Thúy công khai tài chính một tháng gần nhất.

Thay vì chứng minh bằng con số thực tế số tiền chi cho giáo viên hoàn toàn hết số tiền 60% thu được từ tiền học 2 buổi và việc này có công khai để giao viên biết hay không thì bà Bùi Thị Kim Thúy lại quanh co: “Hàng tháng giáo viên nhận lương đã là công khai rồi.

Cái này phòng tài chính quận có số liệu, tôi chịu trách nhiệm trước phòng tài chính quận.

Việc nộp ra kho bạc cũng là công khai rồi.

Còn chứng từ nhà trường không thể cung cấp, công khai là công khai trong nội bộ nhà trường. Phóng viên cứ lên phòng tài chính”.

Đúng như một số giáo viên phản ánh, Tổng phụ trách, nhân viên thư viện, nhân viên thủ quỹ nhà trường được bà Bùi Thị Kim Thúy ưu ái xếp vào nhóm giáo viên trực tiếp lên lớp hưởng 60%.

Bà Bùi Thị Kim Thúy khẳng định: “Đúng. Đó là thông qua quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Tôi thực hiện theo hướng dẫn của phòng tài chính quận. Đã có quy chế thì mọi người phải thực hiện theo quy chế”.  

Trong quá trình làm việc với phóng viên, bà Bùi Thị Kim Thúy luôn khẳng định không sai, làm theo quy chế của trường.

Nhưng khi phóng viên đưa ra kết luận số 116 của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình về việc sử dụng khoản thu 2 buổi/ngày đã chỉ rõ trường xác định sai đối tượng, sai đơn giá tiết dạy 2 buổi/ngày trong các tháng 11/2017 và 12/2017.

Bảng thu nhập tháng 8/2017 của Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám lên đến gần 27 triệu đồng/tháng, còn một số giáo viên đứng lớp chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Điều này gây bất công cho giáo viên, nhân viên trong trường. Ảnh: V.P
Bảng thu nhập tháng 8/2017 của Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám lên đến gần 27 triệu đồng/tháng, còn một số giáo viên đứng lớp chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Điều này gây bất công cho giáo viên, nhân viên trong trường. Ảnh: V.P

Bà Thúy cho biết: “Tôi không thừa nhận gì cả. Ủy ban nhân dân quận kết luận như thế nào tôi làm như thế.

Đúng, tháng 11, tháng 12 Ủy ban nhân dân quận xác định cả hội đồng trường xác định sai đối tượng, sai đơn giá.

Tôi không sai, tôi chỉ đại diện cho một tập thể.

Quận yêu cầu tổ chức xác định lại đối tượng, trường đã xác định lại đối tượng đã có biên bản và  thực hiện từ tháng 1/2018”.

Đáng nói, trên cương vị là hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, nhưng bà Bùi Thị Kim Thúy lại đổ lỗi cho hội đồng nhà trường và trả lời một cách quanh co nhằm né trách nhiệm.  

Về việc giáo viên chủ nhiệm không được hưởng lương dạy thêm giờ khi dậy vượt định mức số tiết theo quy định. Bà Bùi Thị Kim Thúy khẳng định: “Giáo viên các lớp 1,2,3 chỉ dạy 18 tiết/tuần còn lớp 4,5 là 20 tiết.

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm được giảm trừ 3 tiết/tuần còn định mức 20 tiết/tuần thì giáo viên lớp 1,2,3 cũng chưa đủ định mức theo quy định. Về vấn đề này giáo viên đã không có ý kiến gì”.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên được Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho nghe điện thoại của một người tự xưng tên là Mạnh, Vụ trưởng nào đó đã lớn tiếng thách thức, ngăn cản phóng viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật Báo chí. Ông Mạnh quy chụp phóng viên vi phạm luật báo chí, đang làm ảnh hưởng đến nhà trường.

Về việc một giáo viên chủ nhiệm nghỉ cả năm học (2011-2012) vẫn nhận lương và phụ cấp đứng lớp gây bất công, bức xúc cho giáo viên, bà Thúy thừa nhận: “Giáo viên này vừa rồi (2018) đã xin trả lại tiền ngân sách. Việc này tôi không biết vì giáo viên không báo cáo”.

Để làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, phóng viên đã gặp trực tiếp ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đề nghị làm việc.

Tuy nhiên, sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin, phóng viên nhận được vẫn là sự im lặng một cách khó hiểu và thiếu trách nhiệm.

Với cách trả lời né tránh, đổ trách nhiệm của hiệu trưởng thì không ít người cho rằng, giáo viên còn bị bớt xén, ăn chặn thì học sinh có được học trong môi trường giáo dục tốt nhất hay không?.

Số tiền 10 năm của hơn 30 giáo viên bị ăn chặn cần thanh tra ngành giáo dục vào cuộc làm rõ, số tiền lớn trên đang ở đâu, đi vào túi ai, và ai phải chịu trách nhiệm để trả lời dư luận. 

Thực tế, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cũng từng bị một số phụ huynh phản ánh vào bữa ăn trưa ngày 12/9/2017, học sinh lớp 3D trường Hoàng Hoa Thám đang tập trung ăn trưa thì tại đĩa ăn của 2 học sinh phát hiện nhiều giòi. Nhiều học sinh đã lập tức bỏ ăn vì ghê sợ…

Nhà trường thừa nhận có vụ việc trên nhưng giải thích là không phải do nguồn thực phẩm có vấn đề mà là công đoạn rửa bát không sạch sẽ, 2 đĩa bị dính vào nhau và để qua ngày thứ 7, Chủ nhật nên phát sinh ra giòi.

Vũ Phương