Họ đã lờ chúng tôi đi, những người hàng ngày lên lớp!

16/08/2017 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Để công cuộc đổi mới và chấn hưng giáo dục thành công thì đội ngũ giáo viên chiếm một vị thế vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất.

LTS: Ông cha ta từ xưa đã có câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư - một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy", điều đó nhằm khẳng định vị thế, vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục và không ai có thể phủ nhận được.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay vị thế của người giáo viên dường như đang bị xem nhẹ, họ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về mọi mặt của đời sống nhưng lại luôn phải gánh chịu những búa rìu khắt khe từ phía dư luận. Vậy ở đây đã có sự công bằng đối với các giáo viên?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Để công cuộc đổi mới và chấn hưng giáo dục thành công thì đội ngũ giáo viên chiếm một vị thế vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. 

Thế nhưng, người giáo viên lại luôn bị xem nhẹ, họ chỉ là công cụ để thực thi những kế sách từ trên áp xuống. Đã thế, khi thành công thì nhiều người “tranh phần” nhưng thất bại mọi tội lỗi các thầy cô đều phải gánh chịu. Vậy đã thật sự công bằng với chúng tôi chưa?

Trong tình hiện nay, vai trò của người giáo viên còn được nâng cao (Ảnh minh họa:giaoduc.net.vn)
Trong tình hiện nay, vai trò của người giáo viên còn được nâng cao (Ảnh minh họa:giaoduc.net.vn)

Khi giáo viên chưa được quan tâm đúng mức

Để thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, nhà nước đã chi hàng nghìn tỉ đồng cho việc thay sách và đổi mới phương pháp dạy học, nhưng lại không dành cho giáo viên một khoản kinh phí nào để nâng cao đời sống cho họ. 

Công việc áp lực cao, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, chuyện thi 3 môn 9 điểm cũng đỗ trường cao đẳng sư phạm, 12.5 điểm đã đỗ đại học sư phạm là một bằng chứng hùng hồn nhất cho việc ngành sư phạm đã bị nhiều người tài, người giỏi quay lưng.

Việc các trường sư phạm vẫn cố công tuyển thí sinh với mức điểm “chạm đáy” đã chứng tỏ họ coi vai trò của người giáo viên trong công cuộc đổi mới rất nhạt nhòa và không mang tính quyết định. 

Phần nữa, cũng chỉ vì cái lợi trước mắt, muốn có thí sinh để đào tạo mà họ quên đi cái lợi dài lâu cho cả cộng đồng. Những người thầy, người cô trong tương lai mà thi đại học dưới điểm sàn thì ở bậc học phổ thông chỉ là học sinh yếu, trung bình. Họ sẽ dạy ai, dạy cái gì khi chính bản thân mình còn chưa nắm vững kiến thức cơ bản?

Người giáo viên phải hứng chịu mọi búa rìu xã hội

Học sinh có vấn đề về nhận thức nên học yếu, học trước quên sau nhưng vì thành tích của nhà trường mà không ít em vẫn được lên lớp. Hay mô hình dạy học, phương pháp triển khai áp đặt nên chất lượng học sinh chưa cao… và câu nói mà thầy cô thường được nghe nhiều nhất là “giáo viên dạy chưa đến nơi đến chốn”. 

Học sinh hư, quậy phá, đánh nhau cũng tại thầy cô chưa quan tâm các em đúng mức, chưa gần gũi để tìm hiểu và sẻ chia, nhưng trong khi chính những phụ huynh của các em này còn phán “chúng tôi cũng bất lực rồi cô ơi!”.

Họ đã lờ chúng tôi đi, những người hàng ngày lên lớp! ảnh 2

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Hay gần đây nhất là mô hình trường học mới VNEN được triển khai mấy năm trở lại đây nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận. Nhiều tỉnh thành đã cương quyết dừng chương trình vì không hiệu quả. 

Thay vì tìm ra nguyên nhân để khắc phục thì nhiều cán bộ quản lý, người phụ trách mô hình lại chĩa mũi nhọn sang giáo viên theo kiểu quy chụp. Mới đây nhất, trong bài phỏng vấn trên Báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Tự Ân - nguyên chuyên gia trưởng dự án VNEN đã hùng hồn tuyên bố: “VNEN bị phản ứng có thể do giáo viên chưa biết dạy”. 

Và tiếp theo đó là khẳng định của Giáo sư Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định: “mô hình VNEN là một bước chuyển cần thiết”. 

Ông Trần Đình Khoa, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói thẳng: “chưa có mô hình nào phân hóa sâu sắc, rõ rệt như VNEN…”.

Sau khi đánh giá về một mô hình dạy học, khi giáo viên chính là người thực thi mà họ lại không được ai hỏi tới? Không được nhận xét và nêu quan điểm của mình? 

Chúng ta chỉ biết phỏng vấn chính những người phụ trách, những người triển khai mô hình ấy thì làm sao có kết quả xác thực được? Đây cũng chính là cách phớt lờ và xem nhẹ vai trò của thầy cô giáo chúng tôi.

Phan Tuyết