Họ đã trắng trợn, bất chấp như thế, nhân văn mà làm gì!

29/05/2019 06:19
Trần Phương
(GDVN) - Như vậy là những gian lận và những thủ đoạn sửa điểm trắng trợn trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 đang dần dần được cơ quan chức năng bóc gỡ.

Những thông tin công bố gần đây trên báo Tuổi trẻ đã gây sốc dư luận khi trung bình số tiền chạy điểm tại Sơn La được cho là trung bình lên tới 1 tỷ đồng và nhiều thủ đoạn sửa điểm theo “đơn đặt hàng” đã khiến dư luận bàng hoàng.(1)

Những đối tượng nằm trong đường dây gian lận điểm thi năm 2018 tại Sơn La quá trắng trợn. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những thủ đoạn, số tiền chạy điểm tại Hà Giang, Hòa Bình.

Sự trắng trợn của các đối tượng này trước nay đều nằm trong diện nghi vấn của dư luận.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây tranh cãi thời gian qua chính là việc công khai điểm thi và danh tính của các phụ huynh và thí sinh sai phạm ở 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 đã trở thành nỗi đau của giáo dục. (Ảnh minh họa: Nguoiduatin)
Gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 đã trở thành nỗi đau của giáo dục. (Ảnh minh họa: Nguoiduatin)

Đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm của xã hội nên đại diện ngành giáo dục địa phương, chính quyền và các trường đại học còn đắn đo bởi sợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh khi các em đang còn quá trẻ và sự việc này chưa hẳn là các em được biết.

Song, cũng cần phải nhắc lại rằng, tại Hà Giang có tổng cộng 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, ít nhất từ 1 đến cao nhất 8,75 điểm (một môn) đã được công khai.

Trong khi đó, Hòa Bình có 64 thí sinh, Sơn La có 44 thí sinh nhưng tất cả nằm trong bí mật vì được cho là nhân văn khi không công bố.

Cử tri yêu cầu làm rõ ai đưa danh sách thí sinh để nâng sửa điểm thi

Đến nay cũng đã có một số thí sinh sau khi phát hiện có sự can thiệp về điểm đã được trả về địa phương.

Tổng các trường hợp gian lận này lên tới 221 thí sinh năm 2018 và 1 thí sinh năm 2017.

Những con số rất giật mình và trải dài hơn 1 kỳ thi.

Vậy sự nhân văn có còn ý nghĩa nữa không hay nó trở thành sự dung túng cho sai phạm.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Bùi Văn Nhơn, Nguyên giảng viên cao cấp - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết:

“Chúng ta là nhà nước pháp quyền, sai phạm đến đâu cần phải xử lý triệt để đến đó. Không thể nói là nhân văn trong những trường hợp như thế này được.

Mua bán điểm thi trắng trợn đến như thế thì cần phải công khai những kẻ mua bán điểm này để giải quyết dứt điểm vấn đề”.

Cũng theo Giáo sư Nhơn không thể có những quan điểm bảo vệ cho những kẻ vi phạm pháp luật núp bóng trong việc nhân văn được.

Giáo sư Nhơn cho rằng việc này không chỉ xảy ra trong một năm nay mà nó đã có từ các năm khác do đó để giải quyết dứt điểm thì phải làm dứt điểm vụ việc.

“Giáo dục đã đau vì những kẻ như vậy rồi, muốn giải quyết dứt điểm thì cũng phải làm dứt điểm thôi, đằng nào cũng đau rồi”, Giáo sư Nhơn nêu.

Khi nhắc tới con số 222 thí sinh có điểm gian lận có thể kéo theo hơn 200 phụ huynh là đồng phạm nếu họ dùng tiền, dùng quyền lực để gian lận, hoen ố nền giáo dục nước nhà, Giáo sư Nhơn cho rằng số thí sinh, số phụ huynh có thể là lớn nhưng so với hàng triệu thí sinh và  nhân dân cả nước thì con số đó chưa là gì cả.

“Không thể dùng những từ như “nhạy cảm”, “nhân văn” cho những trường hợp này cả. Phải làm mạnh để lấy lại niềm tin của nhân dân”, Giáo sư Nhơn khẳng định.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn cho rằng: "Phải làm mạnh để lấy lại niềm tin của nhân dân”. (Ảnh: Vũ Phương)
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn cho rằng: "Phải làm mạnh để lấy lại niềm tin của nhân dân”. (Ảnh: Vũ Phương)

Cho đến nay, những kẻ phá hoại giáo dục nước nhà đã bị bắt không chỉ làm hoen ố nền giáo dục mà còn là những kẻ cướp cơ hội của người khác khi một số lượng tương đương các thí sinh khác, bị cướp mất cơ hội được vào trường đại học vì có sự can thiệp, gian lận.

Con số 222 thí sinh gian lận thật là một con số chua xót cho ngành giáo dục nước nhà.

Nỗi buồn lớn nhất không chỉ với Giáo dục mà nó còn cả với cộng đồng xã hội đó chính là việc đạo đức xã hội bị băng hoại bởi những kẻ giàu quyền lực, mạnh kim tiền.

Họ đã trắng trợn, bất chấp như thế, nhân văn mà làm gì! ảnh 3Tướng Cương: Ai “bố láo, bố lếu”, công an sẽ sớm làm rõ thôi!

Sự gian trá ấy đang diễn ra công nhiên gieo rắc sự bất công đối với những người có năng lực học hành và các em sẽ có một tương lại khác bằng sự nỗ lực của bản thân.

Sự công bằng, minh bạch trong xã hội không thể có được nếu không trừng trị nghiêm khắc những kẻ dùng đồng tiền làm sai lệch quy chuẩn.

Cái giá trung bình cho sự gian lận lên đến 1 tỷ đồng không chỉ là dấu hỏi lớn về những nguồn tiền từ đâu mà có, đặc biệt đa phần những kẻ chạy điểm đều là những công chức ăn lương từ tiền thuế của dân.

Đằng sau đó là dấu hỏi lớn về đạo đức con người, vì thế không thể nương tay cho những kẻ mua điểm, sửa điểm.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm

Trần Phương