Học sinh trở thành công cụ cho nhiều ngành giành thành tích

07/04/2018 06:43
Mai Hoa
(GDVN) - Học sinh vốn bội thực với những hội thi của ngành giáo dục nay lại phải “đèo bòng” thêm khá nhiều hội thi khác ngoài ngành.

LTS: Phản ánh việc học sinh đang phải tham gia quá nhiều hội thi trong một năm học, cô giáo Mai Hoa tiết lộ lý do thực sự khiến học sinh phải tham gia những hội thi đó.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu tính riêng những hội thi, những hội giao lưu (chính là những hội thi trá hình) trong ngành giáo dục dành cho học sinh hiện nay cũng vượt con số hàng chục hội thi trong một năm.

Thế nhưng áp lực, gánh nặng về thi thố đối với học sinh và giáo viên đâu chỉ dừng ở đấy.

Một số cơ quan ban ngành trực thuộc cũng lợi dụng chức năng quyền hạn của mình để ép xuống trường phải tham gia một số hội thi để báo cáo thành tích.

Học sinh phải tham gia nhiều hội thi. Ảnh mang tính minh hoạ: Nhahatbenthanh.com.vn
Học sinh phải tham gia nhiều hội thi. Ảnh mang tính minh hoạ: Nhahatbenthanh.com.vn

Thế là, học sinh vốn bội thực với những hội thi của ngành nay lại phải “đèo bòng” thêm khá nhiều hội thi khác.

Không chỉ trò bớt thời gian học hành dành thời gian ôn tập để thi mà giáo viên cũng lơ là dạy để tất tả lo cho các em “mang chuông đi đánh xứ người”.

Đã có không ít trường, giáo viên phản đối việc bắt trò tham gia thi thố.

Cũng đã có những hiệu trưởng không bằng lòng với việc này.

Nhưng nói thế nào thì cuối cùng họ cũng đành chấp hành vì “không thế, nhà trường sẽ bị đánh giá không đạt một số tiêu chí, danh hiệu ở cuối năm”.

Điểm mặt, chỉ tên những hội thi ngoài ngành giáo dục

Học sinh trở thành công cụ cho nhiều ngành giành thành tích ảnh 2Chẳng lẽ, học sinh và giáo viên cứ mãi thi và thi…?

Nhà trường hiện nay ngoài sự quản lý trực tiếp của phòng giáo dục, ủy ban nhân dân huyện, thị còn có xã, phường, Hội đồng đội huyện thị.

Vì thế, bất kể nơi nào tổ chức hội thi yêu cầu tham gia thì nhà trường đều phải “răm rắp tuân theo”.

Đầu tiên nói đến xã (phường). Đơn vị này cũng thường hay tổ chức một số hội thi bắt buộc nhà trường tham gia.

Điển hình như hội thi “Tìm hiểu lịch sử địa phương”, “Hội thi văn minh đô thị”, đặc biệt là “Lễ hội lồng đèn” vừa mất khá nhiều thời gian chuẩn bị, vừa tốn một khoản tiền khá lớn để làm lồng đèn nhưng chỉ sau vài tiếng diễu hành là bị ném vào kho hay để dầm mưa dãi nắng ngoài trời.

Dù bất mãn nhưng các trường không thể không tham gia. Bởi, xã (phường) nắm quyền xếp loại đảng viên, chi bộ nhà trường cuối năm…

Nhà trường sẽ ra sao khi đảng viên hoặc chi bộ bị xếp loại chưa đạt?

Ngoài xã (phường) thì Hội đồng đội được xem là nơi “đẻ” ra nhiều hội thi, phong trào nhiều nhất.

Nào là hội thi “Chỉ huy đội giỏi’, “Nét đẹp đội viên”, “Tìm hiểu về Bác Hồ”, “Kể chuyện về các anh hùng”, “Em yêu văn học”, “Em yêu lịch sử’, “Tìm hiểu về An toàn giao thông”, “Văn minh học đường”…rồi các phong trào “kế hoạch nhỏ” nộp giấy vụn, nộp lon bia…

Học sinh trở thành công cụ cho nhiều ngành giành thành tích ảnh 3Những nút thắt trói chặt nhà trường, giáo viên, học sinh với các cuộc thi 

Dù giáo viên, nhà trường bất bình vì chuyện này nhưng cũng phải "cắn răng" thực hiện vì cuối năm Hội đồng đội cũng nắm quyền đánh giá, xếp loại hoạt động đội, xếp loại Tổng phụ trách, xếp loại các phong trào ở nhà trường.

Nếu bị xếp loại yếu hay trung bình thì công tác thi đua của nhà trường đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Giáo viên học sinh trở thành nạn nhân

Tham gia thi nhiều đương nhiên quá tải, dẫn đến việc dạy, việc học sẽ bị sao nhãng... Nhưng không tham gia, nhà trường sẽ bị ảnh hưởng thi đua.

Thế là, vì thi đua, vì thành tích chung mà nhiều trường học buộc phải thực hiện.

Chỉ thương cho các em học sinh đã trở thành công cụ để người lớn đua nhau giành thành tích.

Biết đến bao giờ giáo dục mới hết những chuyện vô lý như thế này?

Mai Hoa