“Học sinh xuất sắc” nhiều, có mừng được không?

30/05/2017 06:27
Nhật Duy
(GDVN) - Ở bất cứ ngành nào gian dối cũng để lại những điều tai hại cho xã hội nhưng đối với ngành giáo dục còn nguy hiểm hơn nhiều.

LTS: Bày tỏ nỗi băn khoăn khi hiện nay, học sinh bậc tiểu học dành danh hiệu "Học sinh xuất sắc" ngày càng nhiều, tác giả Nhật Duy đặt nghi vấn đề tính thực chất của những danh hiệu này.

Bởi thực tế, học sinh tiểu học sau khi lên trung học cơ sở lại không tiếp tục phát huy được "phong độ học tập" như trước đó.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày này, trên các trang facebook cá nhân của mỗi người luôn được chứng kiến những ông bố, bà mẹ có con học tiểu học đăng tải những hình ảnh phần thưởng, giấy khen của con mình với dòng chữ to tướng “Học sinh xuất sắc”. 

Thấy con cái của bạn bè, người thân đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” trong học tập mà cũng vui lây. Thế nhưng, giữa cái thời thật ảo khó lường này cũng không biết đâu là thực, đâu là hư…

Có một sự thật là mấy năm gần đây khi cấp tiểu học áp dụng Thông tư 30 rồi đến Thông tư 22 đã xuất hiện rất nhiều điểm 9,10 trong các kì thi cuối kì, cuối năm. 

Vì thế, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều em “Học sinh xuất sắc” trong các nhà trường. 

Thế nhưng, sự thật là chất lượng học tập của một bộ phận học sinh rất sa sút. Khi các em bước vào cấp 2 thì việc đầu tiên là các nhà trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm và có một điều rất buồn là chất lượng đầu cấp vô cùng thấp. 

Rồi đến thi học kì I, thi cuối năm chất lượng cũng không khả quan hơn là mấy.

Điều dễ nhận thấy trong những năm gần đây là chất lượng thật của nhiều em tiểu học khi bước vào cấp trung học cơ sở thấp vô cùng. 

Nhiều em chưa đọc thông, viết thạo, chưa làm được các bài toán đơn giản. 

Thế nhưng, không hiểu sao trong hồ sơ các em lại được các trường chuyển lên rất đẹp. Nhiều em toàn điểm 10 trong các môn phải thi, còn các môn không thi thì phần nhiều được xếp ở mức “hoàn thành tốt môn học”.

Ngày càng có nhiều học sinh xuất sắc ở bậc tiểu học. (Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn).
Ngày càng có nhiều học sinh xuất sắc ở bậc tiểu học. (Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn).

Ở cấp tiểu học, cho dù các em học nhiều môn nhưng hai môn học vẫn được xem là chính là Toán và Tiếng Việt, khi lên đến lớp 3 các em có thêm môn Tiếng Anh, các môn học này được coi trọng nhiều nhất.

Số tiết học của các môn học này cũng được phân bổ cao hơn các môn khác. 

Các môn học này cũng được bố trí tương đối bài bản, như môn Tiếng Việt có rất nhiều phân môn: Viết chính tả, luyện từ và câu, đọc to, đọc thầm…

Vậy mà khi lên cấp 2 thì môn Văn lại là môn các em học yếu nhất. Nhiều em được thầy cô gọi đọc bài thì đọc ấp úng từng từ. Khi viết thì lỗi chính tả trong bài văn nhiều vô kể. 

Ngoài ra, môn Toán và Tiếng Anh cũng là những môn học mà các em có số điểm tương đối thấp sau mỗi năm học. Vậy mà, không hiểu sao các em toàn được điểm 9, 10?

Hiện nay, khi mà ngành giáo dục chỉ đạo không cho thi đầu vào lớp 6 mà xét bằng kết quả học tập ở cấp tiểu học nên giáo viên, nhất là giáo viên lớp 5 có phần cho điểm rất thoáng.

“Học sinh xuất sắc” nhiều, có mừng được không? ảnh 2

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò

(GDVN) - Hiện nay, các trường đang tiến hành công việc xếp loại, nhận xét học sinh nhưng trong quá trình thực hiện Thông tư 22 đã nảy sinh nhiều bất cập.

Phải chăng các nhà trường đã tính đến chuyện đầu vào lớp 6 cho các em? Bởi ngoài các trường ở nông thôn không căng khi vào đầu cấp nhưng xét đầu vào ở một số trường ở thành phố, thị xã tương đối khó. 

Vì thế, nói như Phó Giáo sư Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh: 

“Mỗi năm, Trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. 

Điều đó khiến hội đồng tuyển sinh nhà trường ngạc nhiên và bối rối bởi lẽ hồ sơ nào điểm cũng "đẹp", cũng "xuất sắc", cũng “hoàn hảo”; không hề thấy điểm kém mà toàn điểm tuyệt đối”.

Có lẽ, vì tính cạnh tranh cao nên việc cho các em điểm cao ở lớp 5 để tạo lợi thế cho các em khi nộp hồ sơ vào các trường trung học cơ sở.

Chưa thấy bao giờ chữ “xuất sắc” lại được dùng nhiều cho học sinh tiểu học như bây giờ. Nếu, các em thực sự “xuất sắc” thì không nói làm gì. 

Thế nhưng, vì nhiều trường chạy theo thành tích và ấn định số lượng khen thưởng cho mỗi lớp nên nhiều học sinh chưa xứng đáng cũng được giáo viên chủ nhiệm gán mác “xuất sắc” thì thật là một điều tại họa. 

Việc đánh giá như vậy không chỉ gây khó khăn cho một số trường cấp trung học khó khăn trong việc phân loại hồ sơ mà còn gây nên sự ngộ nhận cho các em học sinh và phụ huynh. 

Nhiều phụ huynh thấy con mình ở cấp tiểu học đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” nhưng khi lên đến cấp trung học cơ sở không được khen thưởng lại tỏ vẻ nghi ngờ giáo viên cấp 2 dạy chưa tốt.   

Ngày còn đi học, chúng tôi mong mỏi mắt chưa được điểm 7-8 của môn Văn, thế mà giờ đây học sinh tiểu học thi toàn thấy điểm 9, điểm 10. 

Ngày đó, cả lớp chỉ được vài học sinh tiên tiến đã thấy mừng lắm. Những học sinh đi thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh mà điểm cũng mới chỉ đụng “trần” qui định. 

Ngày nay, khi tổng kết năm học, học sinh loạn điểm giỏi nên trong lớp tìm một học sinh trung bình sẽ khó hơn nhiều tìm học sinh có học lực khá giỏi!

Ở bất cứ ngành nào gian dối cũng để lại những điều tai hại cho xã hội nhưng đối với ngành giáo dục còn nguy hiểm hơn nhiều. Bởi, thầy cô đang đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai. 

Một khi chúng ta đánh giá thật sẽ giúp cho các em tự nhìn nhận mình một cách chính xác để phấn đấu cho học tập. Đồng thời, không gây nên chất lượng ảo cho những giáo viên dạy ở các lớp cao hơn. 

Thiết nghĩ, ngành giáo dục phải nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này. Nếu không, chất lượng giáo dục chỉ dừng lại ở số lượng và đạt được những bản báo cáo “đẹp” sau mỗi năm học mà thôi.

Nhật Duy