Học trò Hải Phòng kể chuyện chạy nước rút thi Quốc gia

15/06/2018 08:15
LÃ TIẾN
(GDVN) - Còn 10 ngày nữa kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 bắt đầu, các thí sinh đang “chạy nước rút” để sẵn sàng vượt “vũ môn”.

Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

Hơn 2 tháng qua, lịch học của em Bùi Thị Huyền, học sinh lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (huyện An Lão, Hải Phòng) dày đặc cả tuần, có ngày em học 3 ca.

“Ngày nào em cũng đi học từ sáng tới tối. Buổi sáng, em đến trường ôn tập từ 7 giờ đến 10 giờ 30 phút. Buổi chiều, em đi học thêm các môn để xét điểm vào đại học. Khi trở về nhà tắm rửa, giặt quần áo thì đã tối muộn”, Huyền chia sẻ.

Theo Huyền, ăn cơm tối xong, em lại tiếp tục “cày” đêm với đống bài tập và đề thi thử. Huyền luôn cảm thấy hồi hộp, lo lắng bởi đây là kỳ thi rất quan trọng, đánh dấu bước ngoặt đối với tương lai của mình.

Học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) ôn thi tốt nghiệp
Học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) ôn thi tốt nghiệp

Cũng ôn thi theo cách “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, em Đào Thị Quyên (học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng) có những bữa sáng, bữa trưa gấp gáp.

Quyên cho biết: “Một ngày ôn tập của em thường kéo dài hơn 10 tiếng. Các môn học liên tiếp nhau từ ở trường đến các lớp ôn luyện. Ngoài ra, em còn tự học và làm bài tập ở nhà.

Em cũng thường xuyên vào các trang ôn thi trực tuyến để tham khảo các dạng đề. Thay vì thức khuya, em thường dậy sớm để học bài”.

Câu chuyện ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Huyền và Quyên đang là thực trạng chung của nhiều thí sinh trước kỳ thi.

Sau khi chương trình học chính khóa kết thúc, các trường đều chuyển sang ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia. Do áp lực phải thi đỗ đại học nên ngoài thời gian ôn luyện tại trường, nhiều học sinh vẫn tìm tới các lò luyện thi cấp tốc.

Sắp thi quốc gia, thí sinh cần lưu ý những điều gì?

Em Lê Thị Thương, học sinh lớp 12A, Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết: “Để đạt kết quả cao trong kỳ thi quốc gia sắp tới, ngoài thời gian ôn tập theo chương trình do nhà trường tổ chức, nhiều bạn trong lớp em đăng ký ôn luyện thêm tại trung tâm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù không còn sôi động như mấy năm trước, nhưng các “lò luyện thi” vẫn tồn tại dưới hình thức là trung tâm luyện thi, trung tâm gia sư.

Hiện nay, một số “lò luyện thi” ở trung tâm thành phố Hải Phòng vẫn có đông các thí sinh đến đăng ký học.

Những người trực tiếp dạy là các thầy cô giáo có kinh nghiệm luyện thi đại học lâu năm từ các Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Thái Phiên…

Không tạo thêm áp lực

Lịch ôn luyện dày đặc trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đã gây áp lực cho không ít học sinh.

Những ngày ôn thi nối tiếp nhau cùng với sự quan tâm lo lắng, kỳ vọng từ gia đình, thầy cô làm cho học sinh cuối cấp thêm nhiều áp lực.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quan tâm, lo lắng thái quá và kỳ vọng quá mức sẽ làm các em thêm nhiều căng thẳng.

Học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) ôn thi môn Toán tại trường.
Học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) ôn thi môn Toán tại trường.

Các bậc phụ huynh nên nhẹ nhàng động viên, tránh nhắc nhiều đến việc học hành, thi cử để các em không có cảm giác nặng nề, mệt mỏi.

Theo chị Phạm Thị Linh (ở Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng, có con học trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), năm cuối cấp thấy con học hành vất vả, chúng tôi thương và rất lo cho cháu.

Nhưng vì không muốn tạo áp lực cho con nên không giục con học bài, không bắt con làm các bài tập khó mà chỉ nhắn nhủ con rằng kết quả thi quan trọng nhưng sức khỏe cũng quan trọng không kém.

Bên cạnh đó, chị Linh thường lên mạng hoặc hỏi những bà mẹ cũng có con sắp thi để tìm hiểu về thực phẩm chức năng, cách chế biến những món ăn bổ dưỡng tốt cho trí não, thường xuyên nấu những món con thích. Khi con thức khuya học bài, chị cũng thức cùng con để chăm chút.

Gần kỳ thi, nếp sinh hoạt của cả nhà anh Phương (ở Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) có nhiều thay đổi để phù hợp với thời gian biểu của con gái.

Hoa được ưu tiên không phải làm việc nhà, tất cả mọi người trong gia đình đều muốn em dành thời gian học. Anh Phương và vợ luôn biết động viên con cố gắng bố trí giờ giấc học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tránh quá sức.

Thầy giáo dạy cách giành điểm cao môn Sinh trong kỳ thi quốc gia

Em Hoa cho biết, dù nhiều lúc căng thẳng, mệt mỏi nhưng thấy sự quan tâm, lo lắng, luôn dõi theo của cha mẹ, em lại có thêm động lực học tập, nghiêm túc ôn thi để không phụ mong mỏi của cả nhà.

Không ít học sinh có học lực kém nhưng gia đình lại đặt quá nhiều kỳ vọng nên bị gây áp lực.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, áp lực về điểm số cộng với lịch ôn luyện dày đặc dễ làm học sinh cuối cấp bị stress.

Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… đều là những biểu hiện của suy nhược thần kinh.

Nếu tình trạng này kéo dài, phụ huynh cần đưa con đến gặp các bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.

Các em cần phân chia thời gian ôn tập hợp lý, giảm học thêm, tăng cường tập thể dục thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ.

LÃ TIẾN