Học trò học chương trình mới có ảnh hưởng đến giờ giấc đi làm của cha mẹ?

15/01/2019 06:06
Thùy Linh
(GDVN) - Ở bậc tiểu học, học sinh học không quá 7 tiết/ ngày. Như vậy theo quy định này thì một ngày sẽ còn thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến phụ huynh.

Một trong những mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông là giảm tải, khắc phục tình trạng nặng về kiến thức, chưa quan tâm nhiều việc rèn kỹ năng ứng dụng, thực hành cho học sinh. 

Thực hiện mục tiêu này, trong chương trình mới có một số môn học mới như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên… hoặc một số hoạt động giáo dục. 

Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông mới không quy định thời lượng cứng hàng tuần như cũ mà chú trọng thêm nội dung "giáo dục địa phương".

Học trò học chương trình mới có ảnh hưởng đến giờ giấc đi làm của cha mẹ? ảnh 1
Ở bậc tiểu học, học sinh học không quá 7 tiết/ ngày. Như vậy theo quy định này thì một ngày sẽ còn thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ. Nếu cho học sinh tan trường sớm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh.  (Ảnh minh họa: Báo Kinh tế đô thị)

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ băn khoăn: “Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, vậy địa phương, nhà trường được chủ động thực hiện ra sao?”

Ông Nguyễn An Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai rất tâm đắc về chương trình giáo dục địa phương, song vị này cũng cho rằng đây là nội dung rất khó.

Trước những băn khoăn này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới nhắc lại một số nội dung đã có trong các quy định.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm.

Ở cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết.

Căn cứ nhu cầu thực tế, các địa phương và nhà trường lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục sao cho phù hợp.

Học trò học chương trình mới có ảnh hưởng đến giờ giấc đi làm của cha mẹ? ảnh 2Mỗi ngày, học trò tiểu học lên lớp không quá 7 tiết

“Ví dụ Hà Nội có thể xây dựng các bài học về văn hóa người Tràng An, văn hóa và pháp luật về giao thông, trật tự vệ sinh đô thị,... 

Thành phố Hồ Chí Minh muốn xây dựng thành phố thông minh thì có thể bổ sung các nội dung xây dựng các bài học về thành phố thông minh, văn hóa của công dân,… 

Các tỉnh Tây Nguyên có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, kinh tế cây công nghiệp bởi đây là vùng đất có lợi thế loại cây này,… 

Các tỉnh Việt Bắc có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng biên giới hữu nghị, an toàn,…”, Giáo sư Thuyết nêu dẫn chứng.

Ngoài ra, Giáo sư Thuyết cho biết thêm đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm học, không quy định thời lượng đến từng tuần và để các trường được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai băn khoăn thêm rằng, với thực tế tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình mới ở bậc tiểu học tức là 1 ngày học sinh học không quá 7 tiết. Như vậy theo quy định này thì một ngày sẽ còn thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ. 

Nếu cho học sinh tan trường sớm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh. Nếu không, thời gian 1 giờ ấy thì các trường sẽ tổ chức các hoạt động như thế nào?.

Giải đáp điều này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay, các nhà trường hoàn toàn được chủ động tổ chức học tập, vui chơi, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho học sinh vào thời gian đó.

“Tuy nhiên, trong lúc chờ phụ huynh đến đón thì không phải là biện pháp bắt buộc. Phụ huynh học sinh có nguyện vọng, nhà trường có điều kiện thì tổ chức. Quy định không quá 7 tiết/ngày nhằm giúp học sinh đỡ căng thẳng, áp lực”, ông Thuyết nói.

Về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý: “Một trong những mục tiêu của việc đổi mới chương trình là giảm tải cho giáo viên và học sinh.

Do đó, đối với những buổi mà đã sắp xếp với mục đích để giãn áp lực, có thời gian cho các cháu được nghỉ ngơi, vui chơi thì đề nghị các trường cố gắng quan tâm đến việc tổ chức sân chơi, bãi tập, các hoạt động giải trí.. chứ không được dùng thời gian trống đó để học thêm”.

Thùy Linh