Hội đồng đại học phải có thực quyền, được quyết định mọi chính sách

03/02/2017 07:33
TS.Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Đó là một trong 6 khuyến nghị của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến dành cho các trường đại học đa lĩnh vực ở nước ta...

LTS: Ở nước ta các đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 tuy nhiên đã hơn 20 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh”. 

Vậy làm sao để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam?

Nếu như bài viết trước TS.Lê Viết Khuyến đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình hoạt động của các đại học đa lĩnh vực thì trong bài viết này tác giả nêu đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng nền giáo dục vững mạnh hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Một là, trong các luật về giáo dục đều khẳng định có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College). Tên gọi đại học chỉ dành cho các đại học đa lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT hiện nay, danh hiệu “đại học” mới chỉ được đặt cho 5 cơ sở, trong đó có 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng, trong khi còn hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học khác (như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt…) mặc dù mang tính chất đa lĩnh vực rất rõ ràng nhưng lại không được mang danh hiệu này.

Đây là điều vô lý và không công bằng. Đề nghị Nhà nước quy định cụ thể  các tiêu chí của loại hình “đại học” và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học” (University).

Sáu kiến nghị “cứu cánh” đại học đa lĩnh vực (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Sáu kiến nghị “cứu cánh” đại học đa lĩnh vực (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Một bất hợp lý khác nữa là khi dịch ra tiếng Anh tất cả các trường đại học đều tự nhận là University trong khi ở nhiều nước, việc sử dụng tên gọi tiếng Anh (University, College, Academy/Institute) lại được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Việt Nam cũng nên có thói quen quản lý như vậy để tránh hiểu nhầm về đẳng cấp của các trường đại học.

Hai là, Nhà nước hiện đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học. Theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực (University) phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất.

Tuy nhiên ở Việt Nam cho tới nay cả 5 đại học đa lĩnh vực đều không có tên trong danh sách 16 trường đại học tự chủ của Việt Nam. Đây là điều quá vô lý, đề nghị Nhà nước sớm trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học này.

Ba là, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường đại học nói chung, phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (tháng 11 năm 2005).

Hội đồng đại học phải có thực quyền, được quyết định mọi chính sách ảnh 2

Các trường chịu trách nhiệm trước nhà nước về tự trị đại học

(GDVN) - Trong những thập niên vừa qua, các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới chịu nhiều áp lực phải cải tổ, mà cao điểm là khuynh hướng phát triển tự trị đại học.

Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa đi được  ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.

Bốn là, Quyền tự chủ của trường đại học không thể trao cho một cá nhân (Giám đốc đại học) mà phải trao cho một Hội đồng đại học, có các thành viên chủ yếu là những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ từ tập thể đại học).

Hội đồng đại học phải là một hội đồng quyền lực thật sự, quyết định mọi chính sách của đại học, có quyền chọn lựa giám đốc đại học và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của đại học.

Điều đáng tiếc là mặc dù các luật về giáo dục và Điều lệ trường đại học đã có quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đại học nhưng trên thực tế, Hội đồng đại học không phải đã được thành lập ở tất cả các đại học đa lĩnh vực và nếu có thì chúng chỉ giữ vai trò rất yếu thế trong các đại học này và thường bị Giám đốc đại học xem như một tổ chức tư vấn cho mình.

Năm là, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực.

Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong hoạt động đào tạo.

Bộ GD&ĐT cần rút quan điểm sai lầm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập.

Ngoài ra, trong quy chế này phải thể hiện rõ ràng chức năng của các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực: Hội đồng đại học - xây dựng chính sách, Giám đốc đại học - đề xuất chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách, Hiệu trưởng  trường thành viên - triển khai chính sách, Trưởng khoa - thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ, giảng viên - triển khai thực hiện chương trình.

Sáu là, vấn đề 3 hay 4 cấp quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực cần được nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào các điều kiện sau :

- Chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo. Nếu theo cơ chế khoán gọn quản lý đào tạo tới cấp khoa (như mô hình universitet của Liên xô cũ) thì không cần thành lập các đơn vị quản lý theo từng lĩnh vực ngành đào tạo, tức là sẽ không có các trường thành viên (College/Facullty/School);

Còn nếu muốn huy động được sức mạnh tổng hợp để toàn đại học tham gia hoạt động đào tạo thì phải lập ra các trường thành viên.

- Thực hiện đào tạo đại học theo diện rộng hay theo diện hẹp. Đơn vị bộ môn (kafedra/division) chỉ cần lập nếu chủ trương đào tạo diện hẹp.

TS.Lê Viết Khuyến