Kêu gọi "đừng thương người", có bất nhẫn quá không?

04/01/2015 06:46
CÔNG TÂM
(GDVN) - Nếu đưa được hết những người ăn xin vào các Trung tâm Bảo trợ Xã hội, thì đâu phải bất nhẫn mà kêu gọi người dân không giúp đỡ, cho tiền họ ở ngoài phố?.

Tôi tình cờ đọc bài báo “TP.HCM kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin” trên báo Tuổi Trẻ Online. Hơi hoang mang, tôi vào mạng Google để tìm kiếm thông tin liên quan đến sự kiện này thì thấy nhiều báo mạng khác cũng đưa tin tương tự. Đọc bài báo mà tôi cứ có cảm giác có một điều gì đó rất khó diễn tả trong lòng mình. Hình như là một nỗi buồn, một nỗi xót xa…

Đọc đến phần ý kiến bạn đọc (comment), tôi thấy nhiều, rất nhiều người nêu ý kiến ủng hộ, tán thành với chủ trương “không cho tiền người ăn xin” của thành phố. Nhiều ý kiến cam kết “chấp hành nghiêm chỉnh”, “nhiệt liệt ủng hộ” chủ trương này!

Một số ý kiến còn đi xa hơn, cho rằng nhân đà này thành phố nên cấm luôn “nạn” bán vé số, đánh giày, bán hàng rong… Theo những ý kiến này thì nếu làm “luôn một thể” như vậy thì bộ mặt thành phố sẽ văn minh hơn, mỹ quan đô thị sẽ tốt hơn(?!)

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều” (Ảnh: Lê Quang Thi)

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều” (Ảnh: Lê Quang Thi)

Thú thật là tôi không cùng quan điểm như vậy. Nhưng vì thấy rất nhiều ý kiến ủng hộ nên tôi lưỡng lự “không dám” comment. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi: “Thôi mình im lặng thì hơn. Một ý kiến khác quan điểm với đám đông phỏng được ích gì. Không chừng còn bị “ném đá” nữa.”

Thế nhưng sau thoáng lưỡng lự đó, tôi đi đến một quyết định: sẽ viết một bài báo để chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người.

Tôi nghĩ rằng, nếu TP HCM mà không có người lang thang ăn xin thì tốt quá! Nếu thành phố đảm bảo đưa hết những ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội, tạo cho họ một cuộc sống ổn định thì tốt quá!

Lúc ấy, thành phố không cần kêu gọi thì người dân có muốn cho người ăn xin cũng đâu có đối tượng để cho. Như vậy lời kêu gọi là không cần thiết.

Còn nếu thành phố chưa thể đưa hết người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội, thì có nghĩa là còn một bộ phận người ăn xin vẫn còn lang thang “ngoài đời”. 

Giả định là nếu mọi người dân “chấp hành nghiêm chỉnh” chủ trương của thành phố, thì những người ăn xin sẽ làm sao để sống qua ngày?

Như vậy, lời kêu gọi là không hợp lý, lại càng không hợp tình.

Cứ cho là trong số những người lang thang ăn xin đó có những đối tượng giả dạng để trục lợi, thế còn những người thật sự có hoàn cảnh thương tâm, những thân phận thật sự cùng khổ, những kiếp đời thật sự bất hạnh… thì sao?

Theo tôi, nếu việc đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội là một việc nên làm, thì việc kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin là một chủ trương có phần vội vàng, thiếu cân nhắc.

Đồng nghiệp của tôi - một thầy giáo dạy Văn - cho rằng chủ trương này “thiếu tính nhân văn”.

 “Không thể kêu gọi đừng thương người!” - anh nói.

Xin mượn lời của diễn giả Huỳnh Minh Thuận để kết thúc bài viết này: “Có rất nhiều trường hợp thật sự khó khăn đáng được giúp đỡ. Nếu gặp trường hợp nào chúng ta cũng tránh xa thì khác nào trở nên vô cảm, điều đáng sợ nhất của xã hội hiện đại mà Việt Nam cũng đang mắc phải.

Mặt khác, việc cho tiền hay không cho tiền người ăn xin là quyền cá nhân của mỗi người và mỗi người tự chịu trách nhiệm với việc làm ấy”.

Bài viết là của một thầy giáo gửi tới Tòa soạn, thể hiện quan điểm, góc nhìn của cá nhân thầy. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả và mong nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp với vấn đề này. 

CÔNG TÂM