Lá thư rớt nước mắt của một sinh viên tài năng

25/05/2012 06:04
(GDVN) - Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của bố, khóe mắt đỏ hoe của mẹ, lòng chúng tôi lại thấy chát đắng, nghẹn ngào…
Ba tháng trước ngày du học, tôi nhận được thông báo dừng cấp học bổng …
Sau hơn một năm làm hồ sơ, hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị ngoại ngữ để đi du học, sau những ngày dài đợi chờ kết quả xét tuyển của trường bên Pháp, cái ngày tôi nhận được niềm vui, cũng là ngày nỗi buồn ập đến. Vui vì đã nhận được mail tiếp nhận của trường, còn buồn là tôi không còn được cấp học bổng nữa. Nếu muốn tiếp tục giấc mơ du học, tôi đành phải chuyển sang đăng kí một học bổng khác, chấp nhận lựa chọn một nước khác mà bản thân chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi không phải là trường hợp duy nhất mà bạn bè tôi, hơn 30 con người cũng bàng hoàng, hụt hẫng và thất vọng như vậy. Một nỗi thất vọng tràn trề!

Đó là những ngày chân ướt chân ráo vào đại học, ở Sài Gòn mấy tháng, chưa quen với cuộc sống xa nhà, chúng tôi lại bắt đầu một hành trình mới, một hành trình vượt gần 2000 cây số ra Hà Nội để tham gia khóa bồi dưỡng ngoại ngữ. Để lại sau lưng giảng đường còn dang dở, một lần nữa chúng tôi ra đi, đến một môi trường mới với bao khó khăn đang chờ.
Chúng tôi, mỗi người có một giấc mơ riêng: có người mơ sau này trở thành bác sĩ để khám chữa bệnh cho mọi người; có người mơ thiết kế những công trình thế kỉ; lại có người mơ ước làm luật gia - người sẽ mang lại công lí cho Việt Nam trong các vụ tranh chấp quốc tế và cũng có người mơ làm kinh tế, tạo nên những thương hiệu ngang tầm thế giới. Mấy chục con người, từ khắp mọi miền tổ quốc, cùng gặp nhau tại thủ đô, cùng đặt viên gạch đầu tiên cho ước mơ du học bằng những bài học ngoại ngữ mới.

Được đi nước ngoài, chúng tôi mong muốn tìm được một môi trường học thật tốt. Mà sự thật là những ngôi trường có danh tiếng trên thế giới thì luôn yêu cầu cao, do đó chúng tôi tự nhắc mình phải nỗ lực thật nhiều. Hơn nữa, gia đình, người thân và bạn bè đang kì vọng rất nhiều vào chúng tôi. Ai cũng mừng cho chúng tôi vì đã trúng tuyển Học bổng Nhà nước, là những trường hợp hiếm hoi được nhận sự ưu tiên giúp đỡ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Còn bản thân chúng tôi, vừa mừng lại vừa lo. Lo vì mình đang gánh vác trên vai trọng trách lớn lao, người sẽ mang hình ảnh của đất nước Việt Nam, của lớp thanh niên – tri thức thời đại mới bước ra thế giới. Cho nên, dẫu có bao nhiêu khó khăn chúng tôi cũng không cho phép mình dừng bước.

Chúng tôi dần dần vượt qua khóa bồi dưỡng ngoại ngữ, rồi kì thi lấy chứng chỉ tốt đẹp. Hồ sơ gửi đến các trường đại học nước ngoài đã được hoàn thiện, chuyển đi và sắp đến ngày có kết quả. Hồi hộp, lo lắng, rồi vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc như ngày xưa mình nhận giấy báo đại học vậy. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được là bao!

Nằm ngoài 2000 chỉ tiêu nên chúng tôi gần như không còn cơ hội được cấp học bổng tại nước đã đăng kí nữa. Hoặc nếu muốn du học, thì phải chuyển qua học bổng hiệp định mà chính phủ Việt Nam kí với chính phủ các nước khác. Vậy là chúng tôi sẽ phải lựa chọn một điểm đến mới và làm lại tất cả từ con số không. Thực sự, trong gần hai năm qua, chúng tôi chưa nghĩ mình sẽ đến một nước nào khác với nguyện vọng ban đầu. Bây giờ còn vài ngày nữa là tới thời hạn 1/6 mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra, chúng tôi vẫn chưa biết nên chọn nước nào trong số Nga, Cuba, Maroc… để hoàn tất hồ sơ đăng kí mới và nếu được chấp nhận thì từ nay đến ngày nhập học, chỉ còn 3 tháng để chuẩn bị tất cả.

Buồn bã, rối bời, lo lắng, nhụt chí là những cảm giác hiện tại của chúng tôi. Đôi khi bản thân lại có suy nghĩ: “Hay mình ở lại Việt Nam, quay lại Sài Gòn để tiếp tục những gì còn dang dở? Nếu có điều kiện thì đi tự túc, nếu không thì cứ chuyên tâm mà học ở nhà cho xong!”. Có lẽ, chúng tôi đã mơ ước quá xa, quá nhiều rồi!

Gần 2 năm qua, bố mẹ đã phải vất vả tích góp cho chúng tôi học hành, đặt trọn niềm tin, hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Giờ đây, trước sự thay đổi quá đột ngột, bố mẹ vẫn bình tĩnh động viên, an ủi, vẫn tiếp tục đồng hành dù chúng tôi chọn lựa thế nào đi nữa. Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của bố, khóe mắt đỏ hoe của mẹ, lòng chúng tôi lại thấy chát đắng, nghẹn ngào. Rồi người thân, hàng xóm, bạn bè thăm hỏi: “Bao giờ đi nước ngoài?” – Chúng tôi ngậm ngùi, chẳng biết trả lời ra sao.

Một cánh cửa đã đóng lại, chúng tôi sẽ phải chọn những cánh cửa khác để bước tiếp con đường mới. Năm nay, 20 tuổi quên đi cái buồn chán này để bắt đầu lại, sống cho tốt với những năm tháng tuổi trẻ phía trước. Đã dặn lòng vậy mà sao mỗi khi nghĩ đến, chúng tôi vẫn còn chạnh lòng và mù mờ về tương lai của chính mình!