Làm Ban giám hiệu đúng nghĩa thì chẳng sướng đâu

17/10/2018 08:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Người ta biết đâu là Ban giám hiệu không đặt nặng chữ “lương” mà đặt nặng chữ “tâm” lên đầu. Còn đâu là người hoàn toàn ngược lại.

LTS: Bàn về sự sướng khổ của Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra sự khác biệt giữa những người ở cùng vị trí nhưng khác nhau ở việc đặt nặng chữ "lương" hay chữ "tâm" lên đầu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Là giáo viên nên chúng tôi cũng muốn chia sẻ với nỗi niềm của tác giả Hữu Sơn (cũng là một thầy giáo, một Phó hiệu trưởng nhà trường) về nỗi vất vả của Ban giám hiệu nhà trường.

Thầy Sơn đã đặt câu hỏi "Làm ban giám hiệu liệu có sướng như giáo viên nghĩ không?" .

Câu trả lời đương nhiên là không sướng (với Ban giám hiệu có tâm) nhưng sẽ là rất sướng với những Ban giám hiệu lấy quyền chèn ép người, lấy quyền để thu chi vô tội vạ và vơ vét của công về xây tổ ấm cho riêng mình.

Làm Ban giám hiệu đúng nghĩa thì chẳng sướng đâu. Ảnh minh họa: http://haiphong.edu.vn
Làm Ban giám hiệu đúng nghĩa thì chẳng sướng đâu. Ảnh minh họa: http://haiphong.edu.vn

Không thấy sướng, bỏ của chạy chức làm gì?

Trong nhiều lần nói chuyện với một số người bạn cũng là đồng nghiệp ngoài quê, tôi được biết “để có được chân làm phó một trường học thì số tiền bỏ ra khoảng vài trăm triệu. Chân làm trưởng lại nhiều hơn thế nữa”.

Lời bạn tôi cũng chỉ là lời nói vô căn cứ vì chính bạn cũng chẳng có bằng chứng gì cả. Nhưng tôi vẫn tin rằng bạn mình đã nói đúng. Bởi đã không ít lần, tôi chứng kiến những hiệu trưởng mầm non, tiểu học ở nhà lầu, đi xe hơi sang chảnh, quanh năm du lịch đó đây.

Cũng đã đôi lần tôi thắc mắc hỏi bạn “họ lấy tiền đâu mà tiêu xài dữ thế? Trường học thì có gì để ăn?”. Bạn cười vang chê tôi là “đồ tẩm, tẩm thế thảo nào dù mày có giỏi giang đến đâu thì cả đời cũng chỉ là giáo viên quèn thôi ngốc ạ”.

Sau này tôi biết được, những người đã dùng tiền để chạy chức thì chính họ cũng buộc những người cấp dưới mua bình yên bằng tiền.

Có đồng nghiệp tôi kể, một năm có bao nhiêu ngày lễ, ngày kỉ niệm nhà sếp thì cấm được quên. Vào những ngày ấy, giáo viên phải tới nhà thăm hỏi bằng phong bì. Người này đi, người kia không đi cũng sẽ trở thành tâm điểm được sếp hỏi thăm.

Tiền mừng từ đồng nghiệp, còn bao thứ tiền bất minh khác như tiền hoa hồng bán sách vở, huê hổng đồ ăn bán trú, tiền thu chi quỹ hội phụ huynh…

Chẳng nói đâu xa, như Hiệu trưởng Trường Mầm Non Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) nếu chỉ sống bằng lương hiệu trưởng thì lấy đâu ra tiền để xây nhà, xây trường tư thục, mở phòng spa gần cả tỉ đồng?

Làm Ban giám hiệu đúng nghĩa thì chẳng sướng đâu ảnh 2Thầy cô "mắng" lãnh đạo nhiều rồi, có biết Hiệu trưởng mong đợi gì ở mình không?

Và không ít hiệu trưởng ở nhà lầu, đi xe hơi mà gia đình chẳng hề buôn bán, hay kinh doanh thứ gì.

Ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng luôn “tiền hô hậu ủng”.

Chỉ cần gợi ý nhẹ nhàng khá nhiều người tháp tùng vây quanh, ai cũng mong được làm đẹp lòng họ.

Vì sao giáo viên lại phải thế? Vì không thế, cũng không thể sống bình yên khi suốt ngày sẽ bị làm khó, sẽ bị hăm “đì đến sói trán”.

Ban giám hiệu kiểu này đương nhiên không thích người được việc mà hay phản kháng. Họ chỉ thích những giáo viên nhẫn nhịn phục tùng, họ chỉ cần quan tâm giáo viên ấy đối với mình thế nào? Cung phụng mình ra sao là đủ.

Những Ban giám hiệu kiểu này thật là sướng quá đi chứ!

Ban giám hiệu có tâm thì vô cùng mệt

Ban giám hiệu mà làm đúng chức trách mà thu nhập chỉ trông chờ vào số tiền lương ít ỏi hàng tháng thì quả là vô cùng mệt mỏi và áp lực.

Cô bạn tôi lên chức Phó hiệu trưởng mới được học kỳ đã làm đơn xin từ chức. Lý do vì bạn nói “mệt không thể tưởng tượng nổi. Đã thế, áp lực lại bủa vây”.

Không phải bạn không đủ năng lực để làm mà bạn vô cùng khó xử trong các mối quan hệ đan xen. Nếu nhẹ nhàng, du di cho giáo viên sẽ bị chính cấp trên khiển trách.

Nếu được lòng cấp trên, giáo viên cũng “oán thấu trời”. Nhưng nếu làm đúng trách nhiệm của mình mà không biết “lách” cũng chẳng hề yên ổn.

Một hiệu trưởng của tôi từng tâm sự “Ban giám hiệu luôn là người tới trường sớm nhất, và bao giờ cũng là người trở về nhà muộn nhất. Ngày nghỉ, ngày lễ, thầy cô được nghỉ ngơi nhưng Ban giám hiệu chúng tôi vẫn bộn bề lo toan biết bao công việc".

Hiệu trưởng như thế nào thì được thầy cô yêu mến?

Việc nhiều, trách nhiệm lớn nhưng thu nhập cũng chỉ hơn giáo viên vài phần trăm trách nhiệm.

Những Ban giám hiệu thế này, quả là thật sự khổ.

Thế mới có Ban giám hiệu mà tôi quen tới đây cũng xin về hưu sớm (trước 6 năm).

Lý do cũng chỉ vì áp lực công việc quá nhiều mà tiền lương ít ỏi cũng chẳng thể bù đắp nổi.

Không nói ra nhưng chúng tôi biết, những thầy cô giáo này dù là lãnh đạo một trường nhưng cũng chỉ sống đúng bằng đồng lương của mình.

Thế nên, cuộc sống đã vô cùng khó khăn, cộng với áp lực công việc nên về hưu sớm cũng là một cách giải thoát mình khỏi những ức chế bủa vây.

Tác giả Hữu Sơn nói rằng “Tôi có cảm giác như một số giáo viên bây giờ hay có cái nhìn định kiến, thiếu thiện cảm về đạo đức, ứng xử, vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường” là hoàn toàn sai rồi.

Giáo viên người ta nhận thức rất rạch ròi. Bởi người ta biết đâu là Ban giám hiệu không đặt nặng chữ “lương” mà đặt nặng chữ “tâm” lên đầu. Còn đâu là người hoàn toàn ngược lại.

Với những Ban giám hiệu đặt nặng chữ “lương” thì giáo viên dành cho họ cái nhìn định kiến, thiếu thiện cảm về đạo đức là đương nhiên rồi.

Phan Tuyết