Làm Hiệu trưởng thì phải biết nói không với tiếp thị

06/01/2017 13:38
Trần Văn Tám
(GDVN) - Việc tiếp thị sản phẩm trong trường học không chỉ gây phiền toái cho nhà trường mà thậm chí có không ít thầy cô bị lừa bởi những chiêu tiếp thị như thế.

LTS: Trước tình trạng biến trường học thành nơi buôn bán khiến các thầy cô cũng như học sinh ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và học tập.

Thậm chí, có không ít thầy cô bị lừa bởi những chiêu tiếp thị trong trường học. 

Trước vấn đề này, thầy giáo Trần Văn Tám đã đưa ra ý kiến quan điểm về vấn đề này với tư cách một Hiệu trưởng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tôi tin chắc một điều tất cả các trường học trên cả nước ít nhiều các vị hiệu trưởng đã từng tiếp nhân viên tiếp thị khi thì họ đến chào bán sách tham khảo, lúc thì bán tăm, bán bút bi, vé xem ca nhạc, treo bảng quảng cáo, tour đi tham quan du lịch cho giáo viên hay học sinh. 

Tôi không nằm ngoại lệ đó cũng từng tiếp nhân viên tiếp thị đến trường giới thiệu mời chào mua sách tham khảo để bán cho học sinh, và tôi được nhân viên tiếp thị hứa trích 15% hoa hồng với số sách bán được.

Tôi lấy lý do hiện tại bây giờ học sinh học 2 buổi/ngày, nội dung sách giáo khoa mặc dù đã được giảm tải bớt nhưng so với các em học còn quá nhiều, học sinh học không xuể nên không có thời gian đọc tham khảo sách nên tôi từ chối khéo không mua.

Việc các công ty đến tiếp thị sản phẩm tại trường học gây phản cảm và phiền phức cho giáo viên cũng như học sinh. (Ảnh giáo viên cung cấp trên Tuoitre.vn)
Việc các công ty đến tiếp thị sản phẩm tại trường học gây phản cảm và phiền phức cho giáo viên cũng như học sinh. (Ảnh giáo viên cung cấp trên Tuoitre.vn)

Ngoài ra, tôi cũng từng tiếp đại diện của “Hội người mù” của tỉnh này, thành phố nọ đến mời mua tăm ủng hộ gây quỹ cho hội, làm học bổng cho con người mù trong hội.

Sản phẩm này là tự tay người trong hội làm ra mong bán cải thiện thêm cuộc sống, dĩ nhiên khi giới thiệu như thế họ còn trưng ra cho tôi thấy giấy giới thiệu của cơ quan, cùng quyển sổ giấy ca rô.

Quyển số đó ghi các mục như số tiền ủng hộ cho hội, số lượng mua tăm mua của thủ trưởng các cơ quan, hiệu trưởng các trường học có kèm chữ ký lãnh đạo, đóng thêm dấu đỏ của cơ quan để tăng thêm sự tin tưởng cho mọi người và để minh chứng việc làm của họ hoàn toàn là có thật.

Có lần khi thì tôi tiếp đại diện của “Hội nạn nhân chất độc màu da cam” nào đó đến chào xin bán bút bi cho giáo viên và học sinh.

Tôi từ chối rằng không có nhu cầu vì học sinh tiểu học chỉ viết bút mực không viết bút bi, anh này cứ năn nỉ, ỉ ôi chịu không được.

Làm Hiệu trưởng thì phải biết nói không với tiếp thị ảnh 2

Nhà trường là nơi dạy chữ, dạy người, đâu phải cái chợ mà hàng hóa xô bồ

Vì tôi mất quá nhiều thời gian nên đồng ý bỏ tiền túi ra chỉ mua chục cây bút phục vụ cho văn phòng, trả tiền xong cho anh, anh bước ra cửa nói vọng vào cho tôi nghe:

Năn nỉ cả tiếng đồng hồ mỏi cả miệng mà mua có 10 cây viết, người gì đâu mà keo kiệt, bỏ tiền quỹ nhà trường ra mua mà không dám, người khó chịu gì đâu?”.

Có khi là đại diện của “Hội Cựu chiến binh” đến liên hệ bán vé xem ca nhạc để gây quỹ nhân dịp lễ lộc hay mừng năm mới, mừng xuân.

Còn một điều tiếp thị nhiều nhất, phiền hà và mất thời gian, bực mình nhất phải kể và nói đến nhân viên tiếp thị các tour du lịch dành cho giáo viên và học sinh.

Thời điểm họ chào mời quanh năm suốt tháng, khi nhà trường bắt đầu vào năm học mới đã tiếp thị chứ không phải chờ đến Tết hay gần hè.

Mỗi một ngày trực bình quân tiếp 5-7 cuộc điện thoại chào mời của các Công ty du lịch đi nơi này tham quan, chỗ nọ du lịch, giá cả hấp dẫn, khuyến mãi hậu hỉnh, mình từ chối khéo để cúp máy thì thôi.

Còn nếu ấp úng chưa kịp trả lời hay nói để suy nghĩ thêm báo lại trả lời sau thì nhân viên bắt đầu “ca bài ca con cá” giọng điệu ngọt ngào để mình xiêu lòng mới thôi.

Không những các nhân viên này không chỉ gọi đến số máy điện thoại bàn của cơ quan liên hệ mà họ còn có cả số điện thoại di động và địa chỉ mail riêng của các lãnh đạo nhà trường. Họ luôn tranh thủ chào mời mọi lúc mọi nơi.

Cá biệt có lần trường tôi có tiếp anh cộng tác viên theo giấy giới thiệu của Đội Phòng cháy chữa cháy thành phố đến tập huấn công tác phòng cháy chửa cháy và giới thiệu tiếp thị bình CO2. 

Làm Hiệu trưởng thì phải biết nói không với tiếp thị ảnh 3

Trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh

Sau khi anh cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên xem phim tư liệu về các vụ cháy điển hình, nhân viên này giới thiệu cách sử dụng bình chữa cháy mini và kêu gọi mọi người đăng ký mua giá 680.000 đồng/1 bình.

Sau một thời gian đội Phòng cháy chữa cháy huyện đến trường kiểm tra phòng cháy chữa cháy, nhà trường có trình bày vừa qua đội ngũ sư phạm đã được tập huấn công tác này và mọi người đã vui vẻ, phấn khởi đăng ký mua bình chữa cháy thì các anh cho biết giáo viên nhà trường đã bị lừa.

Bởi trước hết chỉ có cán bộ chiến sĩ đội Phòng cháy chữa cháy mới có chức năng tập huấn, thứ hai và giá chính thức của bình chữa cháy loại này có giá 180.000 đồng.

Từ các việc tiếp thị đủ mọi hình thức kể trên đó nói đúng ra chỉ phục vụ chuyện mua bán của thị trường nó chẳng có điều gì liên quan gì đến chuyện trong nhà trường, chuyên dạy của giáo viên và chuyện học của học sinh.

Nếu có chương trình ủng hộ từ thiện thì thầy và trò mở đợt quyên góp tiền, quà và gửi đến địa chỉ nhận cụ thể, rõ ràng.

Còn nếu có điều kiện hay nhu cầu tham quan du lịch thì nhà trường sẽ biết cách liên hệ với Công ty du lịch mình quen biết và tin tưởng nhau. 

Chính vì thế hiệu trưởng nên biết nói “không” khi gặp các tình huống tiếp thị để nhà trường thật sự là môi trường sư phạm, môi trường thân thiện.

Còn không khéo để tình trạng này xảy ra trong nhà trường với lý do này, lý do nọ như là người quen biết từng giúp đỡ nhà trường, giờ họ nhờ chẳng lẽ mình làm ngơ không giúp hay họ đến tiếp thị với đầy đủ giấy giới thiệu của cơ quan, của lãnh đạo cấp trên… thì lúc đó coi chừng kẻo nhà trường biến thành thị trường lúc nào không hay.

Trần Văn Tám