Lạm quyền sẽ khiến môi trường kinh doanh méo mó

14/07/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, việc lạm quyền, làm lợi cho doanh nghiệp thân cán bộ nhà nước sẽ khiến môi trường kinh doanh méo mó, tăng nguy cơ tham nhũng.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho thấy, khi càng giữ trọng trách cao trong cơ quan quản lý nhà nước mà cán bộ không rạch ròi chuyện công và chuyện tư sẽ dẫn đến vi phạm.

Hệ lụy của việc lạm quyền, làm lợi cho doanh nghiệp thân cán bộ nhà nước không chỉ khiến làm môi trường kinh doanh méo mó, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng. Nguy hiểm hơn còn đưa đến dư luận xấu và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. 

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đều mắc những vi phạm, khuyết điểm - ảnh nguồn Tạp chí Công Thương và Tuổi trẻ.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đều mắc những vi phạm, khuyết điểm - ảnh nguồn Tạp chí Công Thương và Tuổi trẻ.

Cần chế tài nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện tượng cán bộ lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành, địa phương có người thân, người nhà làm doanh nghiệp không phải hiếm. Dù ít hay nhiều doanh nghiệp là người nhà của cán bộ lãnh đạo cũng có thể sẽ nhận được những ưu tiên nhất định.

Những ưu ái dành cho doanh nghiệp sẽ song hành với vị trí của cán bộ lãnh đạo. Cứ như vậy những ưu ái dần trở thành đặc quyền riêng và cuối cùng vượt ra khỏi chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định của pháp luật.

Theo ông Hải, hệ lụy của vấn đề cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước lạm quyền làm lợi cho doanh nghiệp người nhà rất nguy hiểm, cần chú ý ở ba vấn đề:

Thứ nhất làm môi trường kinh doanh méo mó. Môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên khi một địa phương có sự ưu tiên, ưu ái riêng cho một doanh nghiệp nhất lại là doanh nghiệp người thân của ông bí thư A, bà chủ tịch B sẽ giảm tính cạnh tranh. 

Khi không có cạnh tranh, kinh tế không thể phát triển thậm chí đi xuống, cuối cùng làm mất niềm tin của doanh nghiệp, không thu hút được đầu tư. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - ảnh Báo Đời sống và pháp luật
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - ảnh Báo Đời sống và pháp luật

Thứ hai, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng. Một khi địa phương, bộ ngành nào đó có sự ưu tiên dành riêng cho doanh nghiệp người thân cán bộ nhà nước sẽ buộc các doanh nghiệp khác nếu muốn cạnh tranh thì phải “đi đêm” với cán bộ. Cuối cùng đẩy tình trạng tham nhũng gia tăng.

Thứ ba, ảnh hưởng chất lượng dự án, công trình. Vấn đề lạm quyền, làm lợi cho doanh nghiệp người thân cán bộ nhà nước thể hiện rõ nhất ở việc cho trúng thầu các dự án đầu tư ở địa phương.

Khi doanh nghiệp người nhà của lãnh đạo địa phương trúng thầu kéo theo nguy cơ chất lượng dự án có thể không đảm bảo, bởi quá trình thi công dự án việc tiến hành giám sát, thanh tra kiểm tra thực hiện không sát sao do ngại va chạm với lãnh đạo cấp trên.

“Tóm lại vấn đề lạm quyền làm lợi cho doanh nghiệp thân cán bộ nhà nước sẽ gây lãng phí tài sản nhà nước, làm cho doanh nghiệp chân chính không phát triển được”, ông Hải nhấn mạnh.

Để giải bài toán lạm quyền làm lợi doanh nghiệp người thân cán bộ nhà nước, ông Hải cho rằng, chúng ta phải học theo chuẩn mực thế giới, phải thực hiện công khai, minh bạch các thông tin.

“Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước phải minh bạch, chủ động minh bạch thông tin hoạt động kinh doanh của người thân, của các thành viên trong gia đình nếu có để cơ quan quản lý giám sát”, ông Hải cho biết.

Lạm quyền sẽ khiến môi trường kinh doanh méo mó ảnh 3

Giải bài toán lạm quyền, làm lợi cho doanh nghiệp thân cán bộ nhà nước

Theo ông Hải hiện trong Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng hay điều lệ Đảng đều nhấn mạnh đảng viên, cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước phải chí công vô tư, làm việc vì lợi ích quốc gia không phải vì lợi ích cá nhân…

Tuy nhiên, quy định chung như vậy khó có sức răn đe nhất là khi ý thức tự giác của cán bộ không cao, do đó cần có chế tài xử lý. 

“Phải có chế tài xử lý trường hợp cán bộ tạo điều kiện, ưu tiên cho doanh nghiệp người thân trái pháp luật, nhẹ thì mất chức vụ nặng phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hải cho biết.

Cấm người nhà lãnh đạo làm doanh nghiệp?

Cũng liên quan đến việc cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước lạm quyền tạo điều kiện, ưu ái doanh nghiệp người thân trao đổi với phóng viên chuyên gia chính sách công, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, khi có quyền lực rất dễ thao túng để làm lợi cho mình, ranh giới giữa công và tư, giữa cái chung và cái riêng rất mong manh.

Lấy dẫn chứng, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho biết, trong sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có thể thấy với cương vị lãnh đạo ở tỉnh bà Thanh cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng (doanh nghiệp của chồng bà Thanh) kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng.

Chưa nói đến vấn đề bà Thanh vi phạm quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhưng qua đó thấy được quyền lực và sự nguy hiểm nếu quyền lực ấy bị thao túng để làm lợi cho bản thân.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, khi có quyền lực rất dễ thao túng để làm lợi cho mình - ảnh: H.Lực
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, khi có quyền lực rất dễ thao túng để làm lợi cho mình - ảnh: H.Lực

Theo Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, quan niệm xưa “một người làm quan – cả họ được nhờ” theo nghĩa đã làm lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ít nhiều cũng giúp gì đó cho người thân, gia đình. 

Mặt khác với tư duy nhiệm kỳ theo kiểu hôm nay ở địa phương, mai lên trung ương hay có khi khóa này làm khóa sau nghỉ dẫn đến ranh giới chung và riêng càng mỏng manh. Người ta có thể nhân danh việc công để tư lợi riêng.

“Ranh giới Quản lý nhà nước về hành chính và quản lý kinh doanh nhập nhèm. Khi đó tình máu mủ ruột thịt gắn kết cùng việc thiếu quy định chế tài xử lý dẫn đến cán bộ cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng tạo điều kiện, ưu tiên doanh nghiệp người thân”, ông Thọ cho biết.

Để tránh hiện tượng này Phó Giáo sư Thọ cho rằng cần thực hiện cải cách, theo nghĩa phải minh bạch về tài chính của cán bộ, người nhà cán bộ cũng như công việc, thu nhập.

Thậm chí cần có quy định nếu anh là cán bộ lãnh đạo thì vợ con không được sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực mà anh quản lý hoặc có thể tác động nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp người thân.

“Câu chuyện cuối cùng vẫn phải có sự giám sát quyền lực, minh bạch thể chế luật pháp để tránh lạm quyền”, ông Thọ cho biết.

Mai Anh