Làm sao để các trường cao đẳng Y, Dược tự chủ tài chính?

08/11/2018 11:58
Hưng Long
(GDVN) - Lãnh đạo các trường cao đẳng Y, Dược đưa ra ý kiến đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tự chủ tài chính trong các trường.

Ngày 08/11, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ đã tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng Y, Dược”.

Đến dự tọa đàm có Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội;

Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – Phó ban Tổ chức và phát triển hiệp hội; Thạc sĩ Phạm Ngọc Bằng – Chuyên viên Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế;

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối các trường cao đẳng Y, Dược cùng 60 đại biểu đến từ khoảng 30 trường thuộc khối các trường cao đẳng Y, Dược trên toàn quốc.

Buổi tọa đàm “Đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng Y, Dược”. (Ảnh: H.L)
Buổi tọa đàm “Đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng Y, Dược”. (Ảnh: H.L)

Xung quanh vấn đề này, buổi tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến về đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tự chủ tài chính trong các trường.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong mô hình viện – trường.

Thạc sĩ Thủy đánh giá, để mô hình viện – trường hoạt động có hiệu quả thì cần phải có cơ chế rõ ràng, phải xây dựng mô hình hoạt động cụ thể và cần có sự phối hợp, điều hành nhịp nhàng giữa viện với trường.

Bác sĩ Bùi Trần Ngọc - Chuyên khoa II của Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên đưa ra mô hình phòng khám đa khoa “một phương thức chuẩn bị cho hoạt động tự chủ tài chính của các trường cao đẳng Y tế”.

Làm sao để các trường cao đẳng Y, Dược tự chủ tài chính? ảnh 2

Đã đến lúc bỏ hoàn toàn bao cấp cho đại học 

Bác sĩ Ngọc phân tích, phòng khám trường ra đời là một nhu cầu bức thiết trong bối cảnh giáo dục y tế và xã hội hiện tại.

“Nó là xu thế tất yếu và phù hợp với việc thay đổi và phù hợp với việc thay đổi phương thức để tiến đến tự chủ tài chính của các trường”, bác sĩ Ngọc nói.

Bác sĩ Bùi Trần Ngọc đúc kết vấn đề, bất kỳ hình thức, phương thức hoạt động nào là tùy theo bối cảnh và tùy từng trường. Tuy nhiên, phải phù hợp tạo ra sức cạnh tranh và hiệu quả để tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Dịu - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đề xuất, cần phải ban hành hướng dẫn chi tiết Luật Giáo dục nghề nghiệp về thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Khi nhà trường thành lập trung tâm sản xuất, kinh doanh, trung tâm này phải thuộc cơ cấu tổ chức của nhà trường. Các trung tâm chịu sự quản lý, điều hành của Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng.

Trung tâm không có tư cách pháp nhân độc lập để tránh trường hợp nhà trường và trung tâm tách rời.

Bà Dịu kiến nghị, nhà trường và trung tâm hoạt động độc lập gây khó khăn cho việc phối kết hợp đào tạo và hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí không thể gắn kết thành một khối thống nhất như mô hình Trường Đại học Dược.

Tiến sĩ Hà Quang Lợi – Cố vấn của Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ đã tự chủ từ những năm 90 của thế kỷ trước, là trường tự chủ về tài chính, tổ chức, nhân sự, học thuật đầu tiên trên cả nước.

Trường có 2 công ty dược, 2 xí nghiệp dược, có trường mầm non, có phòng khám đa khoa. Quy mô của trường có 10.000 sinh viên và giảng viên là 2.200 người.

Tiến sĩ Lợi cho biết, muốn tự chủ được phải cổ phần hóa vì đã tự chủ rồi thì vướng mắc rất nhiều. Khi tự chủ là tự đặt ra phương thức hoạt động, không liên quan đến doanh nghiệp cũng như không cần nhà nước hỗ trợ và tự chủ toàn diện.

Hưng Long