Làm sao để phân biệt dạy thêm tiêu cực và dạy thêm tử tế?

03/10/2016 06:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Ai có thể kiểm tra, thẩm định được giáo viên vi phạm dạy thêm bởi mọi thủ tục mở lớp đến chiêu sinh học trò đều rất “đúng quy trình” như đã quy định.

LTS: Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã có những hành động quyết liệt nhằm hạn chế dạy thêm, học thêm; tuy nhiên bàn về vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết lại đặt ra vấn đề cần phải phân biệt rõ ràng hơn như thế nào là dạy thêm tiêu cực và thế nào là tích cực.

Việc phân biệt rạch ròi giữa hai loại dạy thêm này sẽ làm tăng thêm tính công khai, minh bạch và hiệu quả thực hiện luật, góp phần hạn chế tiêu cực trong giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trước lệnh cấm dạy thêm quyết liệt của thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều nổ ra.

Người cho rằng, việc dạy thêm không có gì xấu, không đáng bị lên án và không ai có quyền cấm khi phụ huynh tình nguyện cho con đi học và giáo viên dùng kiến thức của mình để truyền thụ giúp học sinh học tốt hơn.

Một lớp dạy thêm bên ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: tuoitre.vn).
Một lớp dạy thêm bên ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: tuoitre.vn).

Nhiều ý kiến lại đồng tình cần dẹp bỏ tình trạng dạy thêm bởi nhiều thầy cô vì đồng tiền đã bắt ép học trò phải đi học.

Mới đây, trong một cuộc nói chuyện với phụ huynh học sinh trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã bày tỏ:

Dạy thêm, học thêm từ xưa đã có nhưng trong sáng và không phải vì tiền. Dạy thêm, học thêm không xấu, nhưng hiện nay bị méo mó đi nhiều.

Cần chấn chỉnh, xử lý tình trạng dạy thêm, học thêm có xu hướng tiêu cực như gián tiếp ép học sinh phải học thêm, đưa chương trình lẽ ra phải dạy trên lớp vào dạy thêm, trù úm học sinh không học thêm".

Vậy làm sao có thể phân biệt được dạy thêm lành mạnh và dạy thêm tiêu cực?

Điều này tưởng đơn giản nhưng cũng không dễ chút nào bởi có giáo viên nào lại thừa nhận mình dùng “chiêu trò” buộc học sinh phải tới lớp học thêm?

Làm sao để phân biệt dạy thêm tiêu cực và dạy thêm tử tế? ảnh 2

Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao?

Ai có thể kiểm tra, thẩm định được giáo viên đã vi phạm dạy thêm bởi mọi thủ tục mở lớp dạy thêm đến chiêu sinh học trò đều rất “đúng quy trình” như đã quy định.

Giáo viên dạy thêm đã được cấp phép của Hiệu trưởng, của Phòng giáo dục. Học sinh thì có đơn xin học thêm do chính phụ huynh kí theo mẫu của giáo viên gợi ý phát cho từng em trong lớp.

Về thủ tục đầy đủ, hợp lý; về nội dung ai có thể kiểm tra giáo viên dạy gì trong lớp? Là kiến thức mới hay kiến thức ôn tập, kiến thức ấy có phải đã bị cắt xén trong chương trình chính khóa để đem về dạy hay không? Những học sinh theo học lớp học thêm có phải là học sinh của giáo viên đang dạy trên trường?

Rồi việc thầy cô “trù úm” trò nếu có cũng chẳng mấy gia đình đủ dũng cảm kiện thưa khi con mình đang học chính thầy cô ấy.

Có chăng cũng chỉ là đơn nặc danh do phụ huynh quá bức xúc, mà đơn thư nặc danh lại chẳng có hiệu lực, chẳng có ai giải quyết, vậy rốt cuộc cũng không có vấn đề gì!

Nếu theo Thông tư 17 về việc dạy thêm học thêm thì giáo viên không được dạy chính học sinh của mình trên lớp.

Trong thực tế, không nhiều thầy cô làm được điều này, cả một vùng, số giáo viên này chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi thu hút được các em học thêm không phải dễ.

Còn đại đa phần các giáo viên hướng đến dạy thêm chính các học sinh mình đang dạy hàng ngày. Để đối phó với sự kiểm tra bất ngờ, không ít giáo viên ghi danh sách học sinh học thêm là tên “ma”, thực chất là tên học sinh lớp khác và ngược lại những thầy cô lớp khác lại ghi tên học sinh của lớp này…

Làm sao để phân biệt dạy thêm tiêu cực và dạy thêm tử tế? ảnh 3

Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học

Làm thế để đề phòng chứ mấy ai đi kiểm tra mà gọi tên từng em? Họ kiểm tra chủ yếu xem có đủ giấy tờ để mở lớp là xong rồi.

Bởi thế, giữa hàng trăm thầy cô giáo đang dạy thêm ở vùng ấy, căn cứ vào đâu để biết được ai dạy thêm lành mạnh để được cho phép dạy? Ai dạy thêm tiêu cực để buộc phải ngưng?

Chẳng có biện pháp nào hiệu quả hơn là ra lệnh cấm dạy thêm như việc thành phố đã và đang làm. Hy vọng với tính quyết đoán này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nơi nói không với việc dạy thêm và học thêm!

Phan Tuyết