Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?

22/04/2017 07:59
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Cắt giảm ngân sách là từ khóa ở mọi nơi, mọi chốn, nhưng chúng ta vẫn phải tồn tại và vượt lên, nhằm đảm bảo những giá trị truyền thống và cơ bản vẫn được giữ.

LTS: Nước Mỹ đang đứng trước những thay đổi về chính sách giáo dục, trong có có việc cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục.

Là một nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ bài viết về cách một trường đại học tiêu biểu của Mỹ "sống sót" trong thời kỳ cắt giảm ngân sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cách đây một năm, vào tháng 2/2016, tại một hội nghị toàn liên bang của Mỹ về việc tái xác định lại vai trò và giá trị của giáo dục đại học, một chủ đề nóng được đề cập đến là “Làm sao đại học sống sót khi ngân sách bị cắt giảm?”. 

Ông Hans de Wit (Đại học Boston) cùng một số đồng nghiệp đã trình bày một vài cách tiếp cận trong thời đại mà ông chia sẻ:

Cắt giảm ngân sách là từ khóa ở mọi nơi, mọi chốn, nhưng chúng ta vẫn phải tồn tại, và vượt lên, nhằm đảm bảo những giá trị truyền thống và cơ bản vẫn được giữ gìn.

Điều này đòi hỏi sự sáng tạo từ tất cả các thành phần trong đội ngũ giáo dục”.

Làm sao đại học sống sót khi ngân sách bị cắt giảm? (Ảnh: Inside Highered)
Làm sao đại học sống sót khi ngân sách bị cắt giảm? (Ảnh: Inside Highered)

Câu chuyện về cắt giảm ngân sách và duy trì giá trị của đại học lại vừa được nhắc đến, trong bài viết “Liệu Berkeley có còn là Berkeley?”, khi một trường đại học lớn với uy tín nghiên cứu toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức về ngân sách rất lớn.  

Xin được chia sẻ một số trải nghiệm của Đại học Berkeley, với hy vọng nó có thể đưa ra một vài gợi ý cho các trường đại học Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Nếu nhìn vào bảng cắt giảm ngân sách liên bang và bang từ 2008 – 2016 dưới đây, mọi người có lẽ sẽ hình dung được những vất vả mà đại học Mỹ, trong đó có Berkeley đang phải gánh chịu…

Một câu chuyện không thú vị chút nào khi đề cập đến tiền trong giáo dục đại học!

Mỹ cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục. (Ảnh: Cbpp.org)
Mỹ cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục. (Ảnh: Cbpp.org)

Tiền ngân sách tài trợ cho giáo dục đại học Mỹ ở hầu hết tất cả các bang đều chưa hồi phục lại con số mà các trường đại học có được trước năm 2008. 

Với bảng tổng kết trên, những bang như Arizona, Illinois và Louisiana là các bang bị cắt giảm lớn nhất (lên tới 55,6%, 54% và 39%).  

Vẫn may mắn hơn nhưng riêng với Berkeley, việc thiếu hụt khoảng 150 triệu đô la Mỹ hàng năm, nếu kéo dài tiếp, sẽ là vấn đề lớn.  

Đối mặt với một tương lai bất ổn về tài chính đã buộc Hội đồng trường đưa ra một chiến lược dài hạn cho phát triển Berkeley.

Họ cũng đưa ra những sáng kiến nhằm duy trì và đảm bảo hữu hiệu hoạt động cần thiết, đặc biệt là ngân sách dành cho nghiên cứu dài hạn, nhất là khi chính phủ mới lên vẫn đang tiếp tục cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học ở Mỹ.

Điều đầu tiên, để thực hiện chiến lược dài hạn cho Berkeley trong một tình hình cắt giảm lâu dài về ngân sách, tất cả các thành viên của Berkeley đã được triệu tập cuộc họp mở.  

Từ các giáo sư nghiên cứu, nhân viên phát triển thể thao, hành chính và quản trị nhà trường, sinh viên, tất cả đều tham dự họp bàn về tương lai với “những thông lệ mới” (“new normal”) khi ngân sách đã được xác định bị cắt giảm nghiêm trọng. 

Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?  ảnh 3

“Quốc gia lâm nguy - Yêu cầu cấp bách cải cách giáo dục”, bài học Mỹ năm 1983

Câu hỏi cơ bản được đặt ra để tìm kiếm sáng kiến là “Làm thế nào để duy trì chất lượng và giá trị của Berkeley như một đại học công lập Mỹ, hoạt động mạnh nghiên cứu toàn cầu, khi ngân sách bị cắt giảm?”.

Hay nó được chuyển sang câu hỏi hay hơn nữa “Liệu Berkeley có còn là Berkeley?” [2].

Đích thân Hiệu trưởng Đại học Berkeley, trong thư gửi cho toàn trường, đã nêu ra tình trạng thiếu hụt ngân sách sẽ làm ảnh hưởng đến các chương trình dài hạn của trường và nó không thể giúp tiếp tục giữ vững các thế mạnh làm nên Berkeley như ngày nay. 

Ông kêu gọi thực thi một kế hoạch hoạch định chiến lược mới cho Berkeley, và đi từ “dưới đi lên” (đề xuất từ cấp dưới, người trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu, hoặc từ những người quản lý ngân sách của đại học).

Việc đưa ra các sáng kiến hoạch định chiến lược cho Berkeley được xác định trên mấy nguyên tắc cơ bản sau:

1. Berkeley là một đại học công lập và phục vụ vì “Một cộng đồng tốt” (Public Good);

2. Berkeley là một đại học nghiên cứu toàn cầu với mục tiêu giải quyết các vấn đề của hiện tại và tương lai;

3. Berkeley cam kết với mục tiêu cơ bản của mình, đó là tăng cường trải nghiệm học tập của sinh viên, trong khi vẫn duy trì những khả năng và cơ hội được tiếp cận với học tập chất lượng, cung cấp cơ hội nghiên cứu khoa học, học bổng, đồng thời thực thi những trách nhiệm của mình hướng đến thế kỷ học tập đang đòi hỏi.

Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?  ảnh 4

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ

Tất cả những điều trên đều đòi hỏi việc tiêu tiền và thậm chí, có thể tiêu nhiều tiền hơn nữa?  

Vậy thách thức lớn nhất là làm sao đảm bảo những nguyên tắc trên trong vận hành đại học công như Berkeley trong khi ngân sách bị cắt giảm? 

Một vài gợi ý sau đây đã được đưa ra xin ý kiến của toàn trường:

• Tái cấu trúc cơ cấu học thuật, bao gồm tập trung vào một vài lĩnh vực và thu gọn lại một số lĩnh vực khác, và sát nhập các đơn vị;

• Quản lý chặt chẽ các cấp độ nhân sự và thực hiện việc tuyển dụng nhân sự theo nhu cầu cần thiết, nhất là cho chức danh “giáo sư”;

• Cải thiện việc hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu trong khi tái thiết kế quy trình công việc nhằm đạt được sự “tối ưu” hơn trong vận hành, ví dụ như quy trình đánh giá cấp ngân sách cho nghiên cứu;

• Tăng cường năng lực gây quỹ cho trường;

• Tăng doanh thu hàng năm thông qua sử dụng thương hiệu Berkeley, đất đai và các loại hình hợp đồng li-xăng…

Trong quá trình trải nghiệm hơn 8 năm bị cắt giảm ngân sách, các quan chức quản trị Berkeley đã nhận ra được việc “đã không còn mỡ để cắt” (“no fat to cut”), và buộc phải đòi hỏi những cách thức sáng tạo trong hoạt động quản trị và vận hành đại học.  

Quá trình sáng tạo trong chiến lược “một Berkeley mới” khá đau đớn, nhưng không còn con đường nào khác.

Sinh viên và giáo viên của Berkeley sẽ không thể thoải mái trong môi trường mọi vấn đề đang bị cắt giảm, nhất là khi quá trình cắt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách hỗ trợ tài chính cho giảng dạy và nghiên cứu, học tập của họ.  

Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?  ảnh 5

Giáo dục và ước mơ Bill Gates Việt

Điều thách thức nhất, với Berkeley, là làm sao duy trì được vị thế “Đại học Nghiên cứu xuất sắc” trong tình huống này? 

Và theo nhiều quan điểm, họ tin vào tương lai của Berkeley vẫn sẽ là đại học xuất sắc, bởi nền tảng nghiên cứu mạnh của nhà trường và mô hình chia sẻ quản trị giữa Hội đồng trường và các thành viên trong trường.

Thế là, mô hình “làm nhiều hơn, tiêu pha ít hơn” với tính sáng tạo đa dạng cần được phát huy từ tất cả các cấp độ sẽ được thiết lập trong mọi hoạt động của đại học.  

Nó có thể không làm Berkeley như một Berkeley trước đây, nhưng ít nhất, nó là cách để tiếp tục phát huy “khả năng xuất sắc” của một hệ thống đại học công lâu đời ở Mỹ, với ngân sách ít hơn.

Như một giáo sư của Berkeley chia sẻ, cắt giảm ngân sách và tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy xuất sắc, đó là nhiệm vụ khá thách thức, và buộc đại học được chuyển sang tư duy quản trị theo kiểu “đại học - doanh nghiệp”.  

Nhưng biết nói sao bây giờ, ngoại trừ câu “Chào mừng các bạn đến với thế giới của chúng tôi”, và mặc dù chúng ta đều chưa biết hệ quả của điều này trong tương lai sẽ dẫn đến đâu!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.cbpp.org/research/state-budget-and-tax/funding-down-tuition-up

[2] https://www.insidehighered.com/news/2016/02/11/berkeley-announces-major-strategic-planning-process-address-long-term-budget-issues

Nguyễn Thị Lan Hương