Lãnh đạo phòng giáo dục kêu khó do thay đổi phân cấp quản lý

28/10/2017 07:16
Tấn Tài
(GDVN) - Các trường chuyển về trực thuộc Ủy ban nhân quận/huyện quản lý đã gây ra nhiều hệ lụy, thay đổi, khiến nhiều chức năng của phòng giáo dục bị rối rắm.

Tại hội nghị “giao ban thủ trưởng các đơn vị, trường học lần thứ nhất, năm học 2017-2018” do sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 26/10, nhiều lãnh đạo phòng giáo dục đã nêu ra nhiều vướng mắc, bất cập trong điều hành.

Nhiều hệ lụy từ thông tư 11

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, quá trình điều hành, quản lý gặp nhiều khó khăn xuất phát từ thông tư liên tịch số 11/2015 giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về phân cấp quản lý đối với lĩnh vực giáo dục.

Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục quận/huyện còn không biết việc phân công giáo viên tại các trường (bậc từ mầm non đến trung học cơ sở) do bất cập từ việc phân cấp quản lý giáo dục. Ảnh: TT
Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục quận/huyện còn không biết việc phân công giáo viên tại các trường (bậc từ mầm non đến trung học cơ sở) do bất cập từ việc phân cấp quản lý giáo dục. Ảnh: TT

Trên cơ sở phân cấp như vậy, chiếu theo thông tư 11 thì mỗi quận/huyện lại xây dựng một quy định khác nhau.

Đối với quận Hải Châu thì ra đời quyết định 710 tháng 2/2017. Quyết định này yêu cầu các trường phải thay đổi con dấu.

“Con dấu trước đây là Phòng giáo dục đào tạo, còn phía dưới là tên trường. Còn bây giờ phải đổi lại là Ủy ban nhân dân quận/huyện, và tên trường ở dưới.

Chính từ việc thay đổi con dấu dẫn này đã dẫn đến hàng loạt thay đổi trong công tác quản lý”, bà Hà nói.

Lãnh đạo phòng giáo dục kêu khó do thay đổi phân cấp quản lý ảnh 2

Giám đốc Sở không có quyền phán xử, bất lực nhìn giáo viên bị đẩy ra đường

Theo đó, các trường (từ mầm non đến bậc trung học cơ sở) thuộc Ủy ban nhân dân quận/huyện quản lý và có vai trò ngang như các phòng, ban của Ủy ban.

Hệ quả dẫn đến việc phân cấp quản lý về mặt con người có thay đổi, thi đua khen thưởng, xử phạt, tài chính... cũng thay đổi theo.

Về mặt con người (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục) là do phòng Nội vụ quyết định nhưng chưa phân rõ quyết định những nội dung gì.

Phòng Nội vụ có quyền thẩm định về số lượng để giao về cho phòng giáo dục hoặc các trường hay quản lý toàn bộ?

“Trong buổi làm việc với Cục nhà giáo vừa rồi, nhiều ý kiến cũng đã phản ánh cụ thể vấn đề này.

Chính vì phụ trách về con người như vậy (phòng Nội vụ) nên đơn thư phản ánh không gửi cho phòng giáo dục nữa.

Nhiều người cứ nghĩ là phòng giáo dục không quản lý giáo viên mà chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Mà chuyên môn là ai làm, là con người chứ đâu phải cái giấy, cái tờ... Vậy khi anh tuyển dụng (giáo viên) không ổn thì trách nhiệm có phải thuộc về phòng giáo dục hay không?”, bà Hà đặt vấn đề.

Riêng mặt chuyên môn thì công tác bán trú ở trường tiểu học có thuộc trách nhiệm quản lý phòng giáo dục không?

Bà Hà khẳng định là không. Chỉ có bán trú của mầm non mới thuộc về phòng giáo dục nhưng bán trú bậc tiểu học không nằm trong chuyên môn.

“Nguyên tắc là trong tiểu học không có chức năng nuôi (không nuôi bán trú). Khi có sự cố xảy ra trong công tác bán trú thì ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này? Đó cũng là một vấn đề”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù chỉ được giao làm công tác chuyên môn nhưng khi xảy ra “sự cố” như: dạy thêm trái phép, chất lượng giáo viên kém… thì phòng giáo dục là đơn vị “đứng mũi chịu sào”.

Bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng giáo dục không biết

Cùng với đó là việc chia lại công đoàn. Các công đoàn trường lại sinh hoạt chung với các công ty, doanh nghiệp nhưng do chuyên môn khác nhau nên việc sinh hoạt cũng rất khó khăn.

Lãnh đạo phòng giáo dục kêu khó do thay đổi phân cấp quản lý ảnh 3

Chờ Bộ quá lâu, Đà Nẵng dừng cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay

Tại một số quận/huyện, thi đua của các trường lại đưa về phòng Nội vụ khiến cho công tác thi đua – khen thưởng chậm.

“Về tài chính thì thông tư 11 ghi rất rõ: phòng giáo dục vẫn là đơn vị lập dự toán. Nhưng đó chỉ là về mặt hình thức.

Còn do quan điểm các trường trực thuộc Ủy ban nhân dân quận/huyện nên họ quản lý hết mặt tài chính.

Nhưng khi “đụng” đến bán trú hay dạy thêm, học thêm ngoài giờ lại cho là trách nhiệm của phòng giáo dục”, bà Hà thông tin.

Có quận huyện, phó trưởng phòng giáo dục mới được bổ nhiệm hay giáo viên được tuyển về các trường mà trưởng phòng giáo dục cũng không hề hay biết.

Lý do là theo điểm d, điều 8, chương 2, Thông tư 11/2015 thì việc bổ nhiệm phó trưởng phòng giáo dục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện quyết định. [1].

Không chỉ gây bất cập cho cấp phòng, ngay cả sở giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng “kêu trời” vì những rối rắm, bất cấp do việc phân cấp quản lý giáo dục gây ra.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 hồi tháng 8 vừa qua, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng,

làm giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo mà không biết lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương mới được bổ nhiệm.

Thế mà khi có việc gì ở địa phương thì kêu giám đốc sở ra truy !?

Và ngoài các trường trung học phổ thông thì Sở cũng không thể “với” đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Bởi các cấp học này do địa phương quản lý.

Tài liệu tham khảo:[1] http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban

Tấn Tài