Lưu tâm trở lại những vấn đề giáo dục

20/01/2014 07:25
Lê Viết Khuyến
(GDVN) - “Hiện nay cũng như trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thoả mãn tối đa các mục tiêu dân trí”.

Ngoài “hàn lâm” còn phải có “công nghệ”

Kinh nghiệm thế giới cho thấy muốn đẩy mạnh kinh tế của một quốc gia không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý...  mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ; nói  khác đi là còn cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. 

Bởi vậy, trong khu vực giáo dục đại học nếu chỉ chú ý phát triển phân hệ giáo dục hàn lâm (Academic/ University Education) chú trọng cung cấp kiến thức lý luận cho người học  như ở Việt nam hiện nay thì chưa đủ, nhất là khi đã triển khai các công nghệ cao. 

Một đặc điểm hết sức quan trọng của giáo dục sau trung học tại các quốc gia " Con rồng Châu Á" là bên cạnh phân hệ giáo dục hàn lâm  (chứ không phải phân hệ giáo dục đại học nghiên cứu như nhiều người vẫn gọi) còn có phân hệ giáo dục công nghệ (Technological Education), cho phép các trường công nghệ nhấn mạnh kỹ năng thực hành và khía cạnh huấn luyện của giáo dục công nghệ, và cũng cho phép các trường uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách nhanh chóng hơn. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai phân hệ này sẽ rất khác biệt về cấu trúc nội dung chương trình đào tạo cũng như về tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chi phí đào tạo...Nhờ có được cả 2 loại nhân lực ở trình độ đại học như vậy nên các nước này đã rút ngắn được tiến trình công nghiệp hoá của mình, lẽ ra phải diễn ra trong hàng thế kỷ, song trên thực tế chỉ cần vài ba thập kỷ.

Thực hiện triệt để phân luồng sau THCS

Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước đã định rõ sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước ta phải được hoàn thành trước năm 2020. Do đó, Giáo dục và Đào tạo Việt nam không thể lặp lại những bước đi cổ truyền mà phải mạnh dạn tìm ra những cách đi hoàn toàn mới. Kinh nghiệm chuẩn bị nguồn nhân lực của nhiều quốc gia trong khu vực và thực tiễn Việt Nam những năm vừa qua cũng như sự chỉ đạo từ Nghị quyết Trung ương 8 vừa mới đây có thể giúp ta sớm xác định cho mình cách đi thích hợp.

Chiến lược giáo dục của Việt Nam cần được định ra qua một số bước theo nguyên tắc: Giáo dục đi trước một bước (mặc dù phải chấp nhận nguồn lực hạn hẹp) để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư). Nhờ vậy ngân sách Nhà nước mới tăng kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục…

Với các bước đi như vậy nên không thể có một lời giải đúng đắn duy nhất  mà chỉ có một loạt những lời giải tối ưu cho từng thời gian khác nhau đối với bài toán quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của Việt nam.

Hiện nay cũng như trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thoả mãn tối đa các mục tiêu dân trí. Do đó cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và Đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm  các trình độ đào tạo đại học, cao đẳng,trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề) cho sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện thế giới đang hướng tới một nền kinh tế tri thức.

Ngành giáo dục và đào tạo trong những năm tới cũng không nên chạy theo hướng tập trung đầu tư bằng mọi giá để hy vọng sớm có được một số cơ sở giáo dục đại học tinh hoa đạt thứ hạng quốc tế. Điều này rất khó thực hiện và cho dù nếu có thực hiện được thì cũng không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào cho chất lượng của đội ngũ nhân lực đất nước.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp Nhà nước phải có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống, đặc biệt đối với khu vực trường trực thuộc Trung ương (nhận ngân sách giáo dục Nhà nước), trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo. Thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, kiên quyết xoá bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành trong hệ thống như Nghị quyết Trung ương 8 vừa chỉ ra.

Trong khu vực giáo dục đại học, bên cạnh phân hệ giáo dục hàn lâm đã có cần nhanh chóng xây dựng bổ sung phân hệ  giáo dục công nghệ. Thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau THCS và nâng cấp các trường THCN-DN mạnh, kết gắn với các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở nghiên cứu khoa học ứng dụng để sớm hình thành một hệ thống trường công nghệ mới (đào tạo ở các trình độ trung học nghề, cao đẳng, cử nhân và sau đại học, kể cả đào tạo giáo viên dạy nghề), đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ đa dạng cho sự nghiệp CNH, HĐH. Cơ sở vật chất của loại hình trường này rất tốn kém, do đó Nhà  nước cần ưu tiên vay vốn từ nước ngoài để triển khai công việc đó.

Phải gắn mục tiêu giáo dục công nghệ với các mục tiêu CNH, HĐH đất nước, với trình độ công nghệ ở từng giai đoạn, từng lĩnh vực ngành nghề cụ  thể, kết hợp hợp lý giữa các ngành nghề kỹ thuật cao, mũi nhọn với các ngành nghề truyền thống...  để tạo ra một cơ cấu  nhân lực hợp lý, lành nghề; hạn chế đào tạo tuỳ tiện gây lãng phí và làm gia tăng đội quân thất nghiệp, tình trạng chảy máu chất xám (từ Việt nam ra nước ngoài; từ các địa phương về thành phố), cũng như sự thiếu ổn định về chính trị....

Trong lĩnh vực quản lý giáo dục cần kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho“ thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm xã hội thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế „ hội đồng trường đích thực“. Cần có chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia giám sát các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các chuẩn mực ( trong đó có các chuẩn mực chất lượng ) được Nhà nước quy định. Các chế tài từ phía Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, để bảo đảm tính khách quan, chỉ được đưa ra trên cơ sở các kết quả kiểm định và kiểm toán của các tổ chức này. 

Thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, cơ chế chính sách phù hợp... như đã nêu tại Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở GDĐH không vì lợi nhuận, ban hành quy chế trường đại học tư không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở GDĐH loại này.

Tất cả những ý tưởng nêu trên đã được đề cập đến trong quan điểm chỉ đạo của ngành nhiều năm trước đây, từ Hội nghị đại học hè 1993, nhưng những năm tiếp sau dường như đã bị quên lãng đi. Cho đến nay,  Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định mục tiêu đến năm 2020 phải đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thiết nghĩ những ý tưởng đó rất đáng được lưu tâm trở lại./.

Lê Viết Khuyến