Máy phát hiện gian lận thi cử đặc biệt ở Đại học Tây Nguyên

14/01/2018 07:40
Đan Quỳnh
(GDVN) - Máy phát hiện gian lận thi cử ra đời đã làm cho các sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên phải chăm chỉ học bài hơn.

Chế máy phát hiện gian lận thi cử chỉ khoảng 4 triệu đồng

Ý tưởng sáng chế máy bắt đầu từ Phòng Thanh tra - Pháp chế của Trường Đại học Tây Nguyên yêu cầu Phòng Vật lý thiết kế máy dò tai nghe siêu nhỏ và tai nghe từ trường phản ứng của sinh viên. Những loại tai nghe này chỉ nhỏ bằng hạt đậu để nhét lỗ tai và có thể qua mặt được giám thị coi thi.

Từ yêu cầu của Phó giáo sư Trần Trung Dũng, Hiệu Phó nhà trường, thầy Tôn Thất Trường Nam, cán bộ bộ môn Vật lý, khoa Tự nhiên và công nghệ đã tiến hành công tác nghiên cứu. Do nắm bắt các nguyên lý về vật lý nên việc chế tạo máy phát hiện gian lận thi cử không quá khó.

Sau hơn gần 2 tháng, thầy Nam cùng nhóm cộng sự cho ra đời máy phát hiện gian lận thi cử thế hệ F1 - phiên bản thử nghiệm.

Thầy Tôn Thất Trường Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thầy Tôn Thất Trường Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phiên bản này được sử dụng trong nhà trường để phát hiện các trường hợp gian lận. Quá trình sử dụng trong trường, thầy Nam tinh chỉnh những thiếu sót của máy để nâng cấp để dần hoàn thiện ở những phiên bản kế tiếp.

Dự kiến, đến tháng 4 và tháng 5 tới, thầy Nam cùng nhóm cộng sự sẽ hoàn thành thiết bị và làm báo cáo đề tài để đưa vào sử dụng chính thức ở kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018.

Điều mà mọi người sẽ rất ngạc nhiên và bất ngờ khi biết giá thành để sản xuất ra máy phát hiện gian lận thi cử chỉ khoảng gần 4 triệu đồng. Thầy Nam cùng nhóm cộng sự đi “săn lùng” các linh kiện thường gặp để mang về chế tạo cho máy.

Nguyên lý hoạt động dựa trên ứng dụng của mạch và là một giải pháp kỹ thuật để tìm kiếm các thiết bị thu phát sóng. Máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử có một ăng-ten để đo dao động của điện từ trường ở trong không khí.

Khi máy hoạt động có thể thu những dao động này. Tất cả các tai nghe “siêu nhỏ” đều có một nguyên lý chung là tạo từ trường, một sóng điện từ lớn để tạo ra dao động âm thanh trong tai. Những tai nghe luôn có màng loa và màng loa dao động sẽ tạo ra sóng từ trường.

Máy phát hiện gian lận thi cử sẽ thu những sóng từ trường này và phát hiện ra chính xác những sinh viên nào đang sử dụng các thiết bị có tai nghe.

Thầy Nam luôn tự nhận bản thân chỉ là dân “tay ngang” dạy Vật lý thuần túy. Việc phát minh ra máy gian lận thi cử không phải là vấn đề “cao siêu” như nhiều người nghĩ.

Trong quá trình chế tạo ra máy, thầy Nam vẫn gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất là tìm ra được dao động của âm thanh trong môi trường có tiếng nhiễu rất cao. Máy phát hiện gian lận thi cử được thiết kế bằng các mạch loại bỏ tiếng nhiễu và áp dụng các ăng-ten để bắt được sóng từ trường từ tai nghe… siêu nhỏ.

Thầy Tôn Thất Trường Nam chia sẻ, được Phó giáo sư Trần Trung Dũng giao nhiệm vụ chế tạo thiết bị phát hiện các tai nghe để gian lận thi cử của sinh viên, nhóm nghiên cứu nhận luôn và không chút e ngại. Tâm lý giao việc là lao ngay vào nghiên cứu, thầy Nam cùng nhóm cộng sự bước qua từng trở ngại để đi đến thành công ban đầu.

Dùng công nghệ cao để… chống công nghệ cao

Máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử không quá lớn và nguồn cấp điện từ pin lithium dễ tìm trên thị trường. Khi cầm máy ở ngoài phòng thi, người sử dụng máy sẽ bắt được tín hiệu trên thiết bị và đèn báo phát hiện tín hiệu sẽ sáng lên.

Hệ thống đèn báo tín hiệu có 10 bóng, tương đương với 10 mức. Ở vị trí càng gần thiết bị tai nghe của các sinh viên sử dụng để gian lận thi cử, các bóng đèn sẽ sáng lên theo số bóng tương ứng.

Đèn sẽ sáng cả 10 bóng khi ở gần tai nghe “siêu nhỏ” và chỉ sáng 1 bóng khi vừa bắt được tín hiệu của thiết bị thu sóng. Khoảng cách máy có thể phát hiện thiết bị gian lận thi cử gần 10 mét.

Lúc này, người sử dụng máy đeo tai nghe để dò về hướng âm thanh phát ra to và rõ hơn. Giám thị hành lang sẽ nhận biết được sinh viên sử dụng thiết bị cao, đi vào trong phòng và đến đúng nơi phát hiện ra đúng sinh viên đang dùng thiết bị gian lận thi cử.

Máy phát hiện gian lận thi cử. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Máy phát hiện gian lận thi cử. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau quá trình nghiên cứu, máy có bốn phiên bản và phiên bản hoàn thiện nhất kích cỡ 30x20 cm. Máy lớn nhất có kích thước 40x40.

Thầy Nam phân tích, mục đích chế tạo ra máy của Ban Giám hiệu Trường Đại học Tây Nguyên muốn sinh viên biết trường có máy phát hiện ra thiết bị gian lận thi cử để chăm học bài, đẩy lùi tâm lý lười học.

Máy phát hiện gian lận thi cử đời F1 được đưa vào sử dụng thử nghiệm khá to và mang đi dọc khắp các hành lang cũng với mục đích để cho sinh viên thấy nhà trường đang sử dụng máy.

Các sinh viên đã phải chùn bước trước hành vi gian lận của mình qua kỳ thi hết môn học. Thầy Nam và nhóm cộng sự khẳng định có thể chế tạo ra các phiên bản mới với kích cỡ nhỏ hơn để dùng trong nhà trường. Nhưng điều cốt lõi, Ban Giám hiệu nhà trường muốn dùng máy lớn để răn đe và cảnh báo các sinh viên phải chăm chỉ học bài.

Hiện tại, thầy Nam đã tự thiết kế cho mình một máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử chỉ to hơn điện thoại di động nhưng chưa xong nên chưa tiện công bố.

Nhiều sinh viên “lười học” bị buộc phải chăm học trở lại đã “biết ơn” nhà trường và trở nên siêng năng hơn. Những sinh viên chăm học rất phấn khích và ủng hộ Trường Đại học Tây Nguyên phải đưa nhiều máy hơn nữa vào sử dụng để tạo sự công bằng giữa các sinh viên với nhau.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đạt câu hỏi: “Liệu có sinh viên nào “ghét” thầy Nam và nhóm cộng sự chế tạo ra máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử hay không?”. Thầy Nam chỉ cười xòa và khẳng định việc chế tạo ra máy nhằm mục đích mang lại sự công bằng cho tất cả các sinh viên.

Thầy Nam khẳng định, đây là thiết bị mang tính sáng chế và sở hữu tập thể, không phải của cá nhân. 

Thầy Tôn Thất Trường Nam, sinh năm 1988, trong gia đình có 2 người con. Hai anh em đều làm lĩnh vực liên quan đến vật lý. Anh trai của thầy Nam đang dạy Vật lý tại một Trường phổ thông trung học. Bố của thầy Nam cũng làm việc liên quan đến chuyên ngành vật lý.
Đan Quỳnh