Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

02/04/2016 06:59
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, là kết quả rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân ta.

LTS: Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 đến 30/4/1975) là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bài viết này, Đại tá Đặng Việt Thủy điểm lại một số văn kiện của Đảng chỉ đạo dẫn tới thắng lợi vĩ đại đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đã chứng minh một cách hùng hồn rằng:
 
Trong thời đại ngày nay một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của Đảng, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn.

Lại luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự ủng hộ, đồng tình của nhân loại tiến bộ, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, dân tộc đó có thể giành và giữ vững quyền độc lập thực sự của mình, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động của kẻ thù xâm lược.

Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 1
Đại thắng mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: cand.com.vn)

Để thấy rõ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng vào thời điểm lịch sử này, chúng tôi xin giới thiệu một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

1. Ngày 8/2/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 2328-NQ-NS/TW về việc thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên

Nội dung Nghị quyết nêu rõ:

- Thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt.

Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên có nhiệm vụ:

- Lãnh đạo thống nhất kế hoạch hoạt động của các lực lượng vũ trang ở Trị - Thiên.

- Lãnh đạo phối hợp đấu tranh vũ trang, công tác địch vận với đấu tranh chính trị ở Trị - Thiên.

- Lãnh đạo công tác bảo đảm hậu cần, hậu phương đối với các lực lượng vũ trang hoạt động ở Trị - Thiên.

Chỉ định 11 đồng chí vào Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên, do đồng chí Lê Tự Đồng làm Bí thư. 

Ban Chấp hành gồm có các đồng chí: Lê Tự Đồng, Lê Linh, Nguyễn Hữu An, đồng chí Húng, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Chi, Nguyễn Công Trang, Hoàng Đan, Nguyễn Ngọc Thực, Dương Bá Nuôi và Trần Minh Đức [1].

2. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/TW về việc thành lập Hội đồng Chi viện miền Nam

Nội dung nghị quyết nêu rõ:

1. Thành lập Hội đồng Chi viện miền Nam ở Trung ương.

Hội đồng Chi viện miền Nam ở Trung ương có nhiệm vụ: căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Bộ Chính trị và của Hội đồng Chính phủ; căn cứ vào yêu cầu của chiến trường do Quân ủy Trung ương đề ra mà tính toán, quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp tích cực nhất, có hiệu quả nhất để chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền huy động sức người, sức của thật đầy đủ kịp thời để đáp ứng mọi yêu cầu của miền Nam trong tình hình mới. Cụ thể:

a) Động viên và vận chuyển sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường.

b) Giải quyết các vấn đề về tiếp quản các vùng mới giải phóng ở miền Nam.

c) Chỉ đạo phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện các kế hoạch chi viện miền Nam.

2. Chỉ định các đồng chí có tên sau đây tham gia Hội đồng Chi viện miền Nam: 

- Phạm Văn Đồng: Chủ tịch

- Lê Thanh Nghị: Phó Chủ tịch

- Phan Trọng Tuệ: Ủy viên

- Hoàng Văn Thái: Ủy viên

- Nguyễn Khai:   Ủy viên

- Trần Độ: Ủy viên

- Đặng Thí: Thư ký

- Chế Viết Tấn: Ủy viên

- Vũ Xuân Chiêm: Ủy viên

Hội đồng Chi viện miền Nam làm việc tập thể để quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp quan trọng về chi viện miền Nam.

Hội đồng Chi viện miền Nam cần tận dụng các tổ chức sẵn có của Chính phủ và của quân đội để làm việc.

Cơ quan thường trực, giúp việc Hội đồng Chi viện miền Nam là Ủy ban Thống nhất của Chính phủ [2].

3. Ngày 1/4/1975, vào lúc 14 giờ, Bộ Chính trị gửi điện về xúc tiến gấp kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định, lập Ban chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn


Nguyên văn bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn ký như sau:

"Gửi: Anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn,

Bộ Chính trị đã họp ngày 31 tháng 3 năm 1975 nghe Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình phát triển cuộc Tổng tiến công của ta trong ba tuần qua, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Bộ Chính trị nhất trí nhận định:

1. Tiếp theo thắng lợi lớn của ta ở Khu 9 và giải phóng tỉnh Phước Long ở miền Đông Nam Bộ, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta trên thực tế đã bắt đầu với việc đánh chiếm Tây Nguyên và trong một thời gian rất ngắn ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn.

Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 35% sinh lực địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hơn 40% cơ sở vật chất hậu cần, giải phóng 12 tỉnh đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần 8 triệu.

Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 2

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

(GDVN) - Mùa Xuân 1975 cùng với thắng lợi to lớn của các chiến dịch, thời cơ lớn xuất hiện; toàn quân, toàn dân ta đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đặc biệt trong trận Đà Nẵng, đã thực hiện được kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng do có những nhân tố mới là: nhân dân căm phẫn địch cao độ chỉ chờ cơ hội là vùng dậy; đại bộ phận sĩ quan và binh lính địch mất hẳn tinh thần chiến đấu. 

Quân và dân mặt trận Quảng - Đà đã lập được một chiến công xuất sắc:

Chỉ trong 30 giờ từ khi nổ súng, với lực lượng ít hơn địch, đã kịp thời, táo bạo, tiến công và nổi dậy đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của quân ngụy ở miền Trung.

Qua những chiến thắng nói trên, các lực lượng vũ trang ta đã lớn mạnh vượt bậc: Bộ đội thương vong ít, tinh thần và trình độ chiến đấu được nâng lên rõ rệt; vũ khí, đạn dược tiêu hao không đáng kể; ta lại thu được một khối lượng rất lớn vũ khí, đạn dược của địch. Quân chủ lực, trong một thời gian ngắn, đã tăng lên gấp bội, có sức cơ động khắp các chiến trường.

Trong tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định: Về chiến lược, lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. 

Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu.

2. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm".

Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. 

Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa và những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc.

Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra. Trên từng hướng và trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch; tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi.

Trước mắt - như trước đã định, nay cần làm nhanh hơn - gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn. 

Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 3

Hào hùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đoàn 2

(GDVN) - Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, lực lượng của ta đã rầm rộ tiến vào bao vây chặt sào huyệt cuối cùng của địch.

Đồng thời, nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng Đông và Đông Nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố Sài Gòn. 

Ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy các lực lượng quân sự, chính trị của ta hành động mạnh bạo, khẩn trương, phát triển tiến công và nổi dậy, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, phá banh từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch, nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng ở các khu vực trọng điểm.

3. Muốn thực hiện phương hướng chiến lược nói trên cho kịp thời gian, thì ngay bây giờ, cần vạch kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có tại chiến trường miền Đông. 

Quân ủy Trung ương đã quyết định nhanh chóng chuyển Quân đoàn 3 cùng các binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống; đồng thời đã ra lệnh đưa quân đoàn dự bị vào. 

Nhưng để tranh thủ thời gian, không nên chờ đợi lực lượng tăng cường đến nơi thật đầy đủ, cũng cần tránh điều động quân không hợp lý, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tiến hành chiến dịch.

4. Trong khi Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn làm nhiệm vụ như hiện nay, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này. Khi anh Sáu, anh Tuấn vào đến nơi thì các anh trao đổi ý kiến để thực hiện ngay.

5. Ngoài này, Bộ Chính trị sẽ tập trung lực lượng chỉ đạo và đã có những chỉ thị cần thiết cho toàn quân, cho các chiến trường và các ngành, các cấp để bảo đảm trận quyết chiến lịch sử này giành toàn thắng. 

Tôi gửi đến các anh lời chào quyết thắng" [3]

4. Ngày 9/4/1975, vào lúc 11 giờ, Bộ Chính trị gửi điện về kế hoạch tiến công Sài Gòn

Nguyên văn bức điện do đồng chí Lê Duẩn ký như sau:

"Gửi: Anh Tuấn, anh Sáu, anh Bảy Cường và anh Tư Nguyễn

 Sáng nay, tôi vừa nhận được Điện 21KT, ngày 8 tháng 4 năm 1975 của anh Tuấn.

Sau khi trao đổi ý kiến với anh Văn và các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu, tôi nhận thấy các anh cần chuẩn bị thêm mấy ngày nữa, đợi phần lớn lực lượng của Quân đoàn 3 và Quân đoàn 1 (cả bộ binh và binh khí kỹ thuật) vào đến nơi hãy bắt đầu cuộc tiến công.

Từ nay đến khi cuộc tiến công lớn bắt đầu, cánh phía tây và tây nam do anh Sáu Nam chỉ huy cần đẩy mạnh hoạt động chia cắt đường số 4, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó làm cho chúng thêm rối loạn, hoang mang, khó phán đoán kế hoạch chiến dịch của ta, đồng thời ra lệnh cho các đội biệt động thâm nhập nội thành. Các hướng khác cũng cần có hoạt động thích hợp để tạo điều kiện phối hợp với cuộc tiến công lớn.

Cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng; vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn. 

Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy, không chia làm hai bước. Đó là phương án cơ bản và chắc thắng nhất. 

Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó. Tôi cũng đồng ý dự kiến cần chuẩn bị đối phó với tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian" [4].

5. Ngày 14/4/1975, vào lúc 17 giờ 50 phút, Bộ Chính trị gửi điện về chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh"


Toàn văn bức điện do đồng chí Lê Duẩn ký như sau:

"Gửi: Anh Tám Thành, anh Bảy Cường, anh Tuấn

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương mà các anh đã điện ra. 

Bộ Chính trị nhất trí với các phương hướng, chủ trương ấy. Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi thật to lớn. 

Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Chúc các anh khỏe" [5].

6. Ngày 21/4/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tư số 316-TT/TW về việc điều động cán bộ cho miền Nam trong tình hình mới

Nội dung Thông tư do đồng chí Lê Văn Lương ký như sau:

"Cách mạng miền Nam đang có những biến chuyển mới và cần rất nhiều cán bộ. Một mặt các cấp ủy miền Nam phải tận dụng, phát huy số cán bộ, đảng viên hiện có và phải hết sức thu nạp số công nhân, cán bộ kỹ thuật và viên chức trong bộ máy ngụy quyền trở về với cách mạng. 

Mặt khác, các ngành ở miền Bắc có trách nhiệm giúp đỡ xây dựng, kiện toàn ngành mình ở miền Nam.

Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 4

Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

(GDVN) - Có thể khẳng định, trong cuộc đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng.

Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương, Ban Miền Nam và các ban của Đảng có liên quan bàn bạc với các Bộ, các ngành thực hiện việc điều động này.

a) Mục đích việc điều động là kiện toàn một số cán bộ cần thiết cho bộ máy Trung ương Cục, Khu ủy 5 và các tỉnh, các thành phố miền Nam, nhằm trước hết là tiếp quản tốt các vùng mới giải phóng, sau đó là quản lý, xây dựng, phát triển tốt các vùng đó. 

b) Vì vậy, những cán bộ cần điều động chủ yếu là ở các ngành, vừa có cán bộ quản lý, chỉ đạo, vừa có cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Trong điều kiện có thể, thì cũng bổ sung một ít cán bộ để kiện toàn các cấp ủy đảng miền Nam.

Số lượng cần bao nhiêu, cần điều động những loại cán bộ cụ thể nào, phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, theo yêu cầu của các cấp ủy miền Nam, hoặc do sự xét đoán của các ngành ở Trung ương sau khi đã nghiên cứu nắm chắc tình hình.

c) Cán bộ điều động đi phải là những cán bộ tốt, đáp ứng yêu cầu, tuyệt đối không đưa những cán bộ không tốt, không đáp ứng yêu cầu.

Trước hết chọn các cán bộ quê ở miền Nam (cán bộ ốm ra chữa bệnh đã khoẻ, cán bộ ra học đã xong, cán bộ bị địch bắt trao trả, cán bộ tập kết từ năm 1954...).

Trường hợp thiếu sẽ điều động cán bộ quê ở miền Bắc. Lấy ở bộ máy của các Bộ, các ngành ở Trung ương là chính, khi thiếu mới lấy ở bộ máy của các tỉnh, các thành phố. 

Vì vậy, các tỉnh, các thành phố kết nghĩa với miền Nam không phải làm kế hoạch điều động cán bộ riêng, mà sẽ thống nhất kế hoạch vào các ngành ở Trung ương và chỉ điều động cán bộ khi các ngành ở Trung ương hoặc Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu. Các ngành Trung ương khi điều động cán bộ ở các tỉnh, thành, cần bàn bạc thống nhất với các Tỉnh, Thành ủy.

Phải tích cực phục vụ cho công tác cách mạng ở miền Nam, đồng thời phải bảo đảm làm tròn mọi công tác cách mạng ở miền Bắc. Không vì việc điều động này mà ảnh hưởng đến công tác ở miền Bắc, làm xộc xệch các bộ máy của miền Bắc.

d) Vì tình hình khẩn trương, nên việc điều động cán bộ này cũng phải làm khẩn trương để cán bộ có thể sớm đi nhận nhiệm vụ. Nhưng vì điều kiện đi lại còn có một số khó khăn, nên Ban Tổ chức Trung ương và Ban Miền Nam có trách nhiệm sắp xếp cho đúng, để người cần đi trước thì đi trước, người có thể đi chậm một chút thì đi sau.

e) Trước khi lên đường, cán bộ phải được nghiên cứu về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, về những chính sách vùng mới giải phóng và phải được dặn dò về thái độ và kỷ luật công tác. 

Việc giải quyết các nhu cầu vật chất cần thiết cho cán bộ lên đường do Ủy ban Thống nhất của Chính phủ phụ trách. 

g) Việc điều động cán bộ này phải theo một kế hoạch thống nhất. Ban Bí thư ủy nhiệm Ban Tổ chức Trung ương và Ban Miền Nam giúp Ban Bí thư xây dựng và quản lý kế hoạch thống nhất này.

Việc ký giấy điều động vẫn theo chế độ và thủ tục quản lý cán bộ đã thi hành từ trước đến nay" [6].

7. Ngày 22/4/1975, vào lúc 15 giờ 30 phút, Bộ Chính trị gửi điện về nắm vững thời cơ, kịp thời phát động Tổng tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng Sài Gòn - Gia Định

Toàn văn bức điện do đồng chí Lê Duẩn ký như sau:

"Gửi: Anh Tuấn, anh Sáu, anh Bảy, anh Tấn,

Sáng ngày 22 tháng 4, Bộ Chính trị họp, đã nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận và kế hoạch tác chiến của ta hiện nay. Bộ Chính trị nhất trí nhận định và đề ra chủ trương như sau:

Tiếp theo những thất bại dồn dập, gần đây địch lại mất Phan Rang và buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Chúng không những đã phát hiện lực lượng lớn của ta ở cánh ven biển hướng Đông, mà còn phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng lộ 4 và tây nam Sài Gòn, phần nào phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng Bắc. 

Trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, chúng đã vội vã điều chỉnh bố trí lực lượng. Thế bố trí mới không thể hiện rõ ý đồ cố thủ Sài Gòn, mà để lộ ý định giữ cho được hành lang đường số 4 từ Sài Gòn đến Cần Thơ. 

Đêm qua, dưới áp lực của Mỹ và bọn tướng tá, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức. Để làm chậm cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, Mỹ - ngụy đã lập chính phủ mới, đưa ra với ta đề nghị ngừng bắn, đi đến một giải pháp chính trị, hòng cứu vãn tình thế thất bại hoàn toàn của chúng.

Tất cả tình hình nói trên đang gây rối loạn lớn trong ngụy quân, ngụy quyền. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân có thể có bước phát triển mới.

Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị. 

Các anh ra mệnh lệnh ngay cho các hướng hành động kịp thời, đồng thời chỉ thị cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động.

Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng.

Chúc các anh khỏe" [7].

8. Ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện khen tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định

Toàn văn bức điện do đồng chí Lê Duẩn ký như sau:

"Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định thân mến,

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng.

Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc"[8].

Tài liệu tham khảo:

- [1], [2], [6] "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Chiến thắng của sức mạnh Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005, trang 95-96, 97-98, 139-140.

- [3], [4], [5], [7], [8] Lê Duẩn, "Thư vào Nam", Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội - 1985, trang 385-388, 389, 390-391, 392-393, 395.

Đại tá Đặng Việt Thủy