Một tham vọng, hai con đường trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ

29/12/2017 10:54
Phạm Doãn Tình
(GDVN) - Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ cần phải nhanh chóng thiết lập một tầm nhìn kinh tế và an ninh toàn cầu mạnh mẽ.

Tham vọng của hai siêu cường

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ đã trở thành bá chủ thế giới với nguồn lực kinh tế, quân sự khổng lồ và gần như thao túng tất cả, khi Washington sẵn sàng can thiệp vào bất cứ quốc gia, khu vực nào có thể mang về nhiều lợi ích kinh tế và giá trị địa chính trị, hoặc không tuân theo “quỹ đạo” của Mỹ.

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng luôn tìm cách kiềm chế, ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào nuôi tham vọng truất ngôi bá chủ thế giới của họ.

Điều này cho thấy mục tiêu giữ vị trí siêu cường số một thế giới của Washington sẽ không bao giờ thay đổi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường khai mạc tại Bắc Kinh trong tháng 5/2017. Ảnh: Asia Times.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường khai mạc tại Bắc Kinh trong tháng 5/2017. Ảnh: Asia Times.

Thế nhưng, hiện nay Washington đang gặp phải một thách thức khổng lồ, khi Trung Quốc ngày càng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ cùng tham vọng “lật đổ” vị trí siêu cường số một thế giới của Hoa Kỳ.

Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc đang tìm cách tạo lập vị thế thống trị trong khu vực và vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.

Theo đó, những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư ngân sách quốc phòng theo hướng ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, không quân;

Tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo trên các cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông mà Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp;

Cố gắng mở rộng ảnh hưởng ra tây Thái Bình Dương và châu Phi; đưa ra nhiều sáng kiến liên kết khu vực và thế giới.

Trong đó, sáng kiến Vành đai Con đường là tham vọng mang tính chiến lược của Trung Quốc, nhằm kết nối hành lang kinh tế từ châu Á đến châu Phi và châu Âu, trong đó Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo, từ đó thiết lập quyền lực mềm của Bắc Kinh ra toàn thế giới.

Hiểu được những thách thức từ Trung Quốc đối với vị trí siêu cường số một thế giới, Hoa Kỳ đã không ngần ngại sử dụng các cách thức kiềm chế Trung Quốc, khiến cho cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường ngày càng trở nên gay gắt.

Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường để hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”

Ngay khi trở thành người đứng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát triển học thuyết “Giấc mộng Trung Hoa”.

Mục tiêu của "giấc mộng" này là đến năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Trung Quốc sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa đặc thù hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Sáng kiến Vành đai Con đường hiện nay đang được coi là “xương sống” cho việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Trung Quốc.

Một tham vọng, hai con đường trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ ảnh 2

Cạnh tranh quyền lực Trung - Mỹ năm 2017 và dự báo ngòi nổ tương lai

Đồng thời, sáng kiến này cũng là minh chứng rõ nhất cho việc từ bỏ chính sách “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình sang “Trỗi dậy mạnh mẽ” dưới thời ông Tập Cận Bình.

Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh Vành đai Con đường tại Bắc Kinh.

Cuộc họ quy tụ sự tham gia của 29 nguyên thủ quốc gia và 1.200 đại biểu đến từ hơn 100 nước thuộc các khu vực trên thế giới, nhằm thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường trong thực tiễn. [1]

Điều này cho thấy, sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới.

Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến này từ năm 2013, khi sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền Trung Quốc với châu Âu, nhằm biến khu vực Á - Âu (do Trung Quốc chi phối) thành một khu vực kinh tế và thương mại lớn để làm đối trọng với khu vực thương mại xuyên Đại Tây Dương (do Mỹ đứng đầu).

Theo đó, Bắc Kinh cam kết sẽ đầu tư khoảng 900 tỷ USD cho sáng kiến này.

Trong đó, mỗi năm sẽ rót khoảng 150 tỷ USD để giúp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia nằm trong tuyến sáng kiến Vành đai Con đường.

Hiện tại đã có 68 quốc gia ở cả châu Á, châu Phi và châu Âu tham gia sáng kiến này, chiếm khoảng 70% dân số thế giới, 3/4 nguồn năng lượng, 1/4 lượng hàng hóa và dịch vụ, và 28% GDP toàn cầu (tương đương khoảng 21.000 tỷ USD). [2]

Sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ cung cấp đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt, xây dựng các cảng biển và nhà máy năng lượng vốn vô cùng cần thiết ở các nước nghèo và đang phát triển.

Đồng thời, sáng kiến này cũng khuyến khích các doanh nghiệp của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống cảng biển, đường cao tốc và đường sắt ở các nước châu Âu.

Một tham vọng, hai con đường trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ ảnh 3

Đài Loan đang trở thành con bài chính để Mỹ kiềm chế Trung Quốc

Tuy nhiên, động cơ của Trung Quốc khi thực hiện sáng kiến Vành đai Con đường không phải là “làm từ thiện”.

Đổi lại, Trung Quốc cũng đem về nhiều lợi ích cả kinh tế và chính trị từ quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước.

Theo đó, Trung Quốc đã tái phân bổ được số dự trữ ngoại hối khổng lồ từ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ lãi suất thấp, sang đầu tư cơ sở hạ tầng để thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Hơn nữa sáng kiến này còn tạo ra được thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, cũng như tiêu thụ cho hàng hóa từ nội địa.

Đồng thời, các doanh nghiệp thép, xi măng và một số kim loại khác đang trong tình trạng khổ sở vì khủng hoảng thừa đã “theo chân” các công ty xây dựng ra nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước nằm trong dự án Vành đai Con đường.

Thêm nữa, việc Trung Quốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia Trung Á còn có thể mang lại một khu vực láng giềng ổn định hơn cho các tỉnh phía Tây Trung Quốc là Tây Tạng và Tân Cương vốn đã bất ổn trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, việc khuyến khích các dự án Vành đai Con đường ở các nước quanh khu vực Biển Đông có thể giúp Trung Quốc củng cố "trạng thái bình thường mới" họ thiết lập trên vùng biển này.

Bởi thông qua chính sách đầu tư, Bắc Kinh có thể áp đặt những điều kiện đối với các nước.

Có thể nói, việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường không chỉ tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn, mà còn giúp nước này nắm giữ được các vị trí địa chính trị quan trọng và thiết lập được quyền lực mềm để ngày càng tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực cũng như trên thế giới, nhằm tiến tới hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”.

Hoa Kỳ khởi động ý tưởng “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” để kiềm chế Trung Quốc

Khi nhận thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang thách thức vị trí siêu cường số một thế giới của mình, Hoa Kỳ đã không ngừng tìm kiếm các biện pháp kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách “xoay trục sang châu Á” - một động thái rõ ràng cho việc kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mặc dù ông đã tuyên bố từ bỏ chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Obama, nhưng trên thực tế Hoa Kỳ chưa khi nào cho thấy sẽ “buông bỏ” khu vực đang phát triển đầy năng động này.

Điều đó càng được minh chứng rõ hơn thông qua việc Tổng thống Donald Trump đã khởi động lại ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, mà cách đây đúng một thập kỷ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra.

Theo ý tưởng này, Hoa Kỳ sẽ làm sống lại một liên minh “tứ cực” hay còn gọi là “tứ giác kim cương” bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát triển về kinh tế và đảm bảo an ninh trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines (Ảnh: AP)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines (Ảnh: AP)

Hồi giữa tháng 11, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Philippines, các quan chức của bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã gặp nhau để thảo luận và đi đến nhất trí hợp tác vì một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm”.

Điều này cho thấy, Washington đã có cách tiếp cận rộng hơn khi từ bỏ thuật ngữ “châu Á - Thái Bình Dương” vốn được chính quyền tiền nhiệm sử dụng rộng rãi trong chính sách “xoay trục sang châu Á”.

Bởi khi dùng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ thể hiện được sự bao trùm đối với cả hai đại dương quan trọng trong cùng một hệ thống chiến lược đơn nhất.

Đồng thời nó còn khiến ảnh hưởng của Trung Quốc bị giảm đi trong một bối cảnh khu vực rộng lớn hơn.

Ngoài ra, thuật ngữ này cũng nhằm chuyển trọng tâm chính sách của Washington từ Trung Quốc - tâm điểm của châu Á - Thái Bình Dương sang nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ đối với sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.

Trên thực tế, Ấn Độ hiện đang bất đồng với Trung Quốc xung quanh các tranh chấp ở biên giới giữa hai nước, cũng như sự quan ngại về tham vọng của sáng kiến Vành đai Con đường mà Bắc Kinh đang thúc đẩy sẽ bao vây New Delhi.

Bởi vậy Hoa Kỳ đã khéo léo nâng tầm Ấn Độ để làm “quân bài” chủ lực trong việc kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, cả Nhật Bản và Australia cũng đang ngày càng nhận thấy rõ những thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, thông qua sáng kiến Vành đai Con đường cùng những yêu sách phi lý trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bởi vậy, cả bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tìm đến với nhau để hình thành một liên minh “tứ cực” không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà đó là một phản ứng mang tính ý thức hệ trước sự gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang phác họa ra bức tranh về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, khi ông chỉ ra rằng “thế giới có rất nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường” - một cách nói hàm ý của sự đối trọng với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Mặc dù, đây mới chỉ là những phác thảo ban đầu và Tổng thống Donald Trump sẽ còn phải đầu tư nhiều công sức nữa mới có thể đưa ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” trở thành hiện thực.

Thế nhưng, ngay từ lúc này, Trung Quốc đã tỏ ra lo lắng khi cho rằng Washington “không nên chính trị hóa việc hợp tác khu vực”, còn Hoa Kỳ lại đang cho thấy những nỗ lực để bảo toàn quyền lực số một thế giới của nước này trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Deccan Chronicle
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Deccan Chronicle

“Ván cờ” ai chiếu tướng ai?

Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc nhằm định hình lại kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 bằng việc kết nối các nền kinh tế Á - Âu - Phi thông qua một mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sáng kiến này đang gặp phải những thách thức từ Hoa Kỳ và phần lớn các nước Tây Âu cùng một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Singapore, khi không cử bất cứ quan chức cấp cao nào đến dự hội nghị thượng đỉnh bàn về sáng kiến Vành đai Con đường mà Bắc Kinh tổ chức hồi tháng 5 vừa qua.

Động thái này cho thấy, không phải tất cả các quốc gia nằm trong sáng kiến Vành đai Con đường đều hưởng ứng với các khoản đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Bởi các quốc gia này đều cho rằng, sáng kiến Vành đai Con đường không thực sự mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, mà chỉ nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ra toàn cầu.

Tuy nhiên, nhận định này chỉ đúng một nửa, bởi nếu Trung Quốc không tạo dựng được một quyền lực kinh tế đủ mạnh ở các nước thuộc Vành đai Con đường, thì sẽ không thể thực hiện được những toan tính địa chính trị của họ.

Vì lẽ đó, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã cho rằng, cần phải xem xét một cách nghiêm túc sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra.

Trong thực tế, sáng kiến Vành đai Con đường đến nay đã thu hút được 68 nước ở khắp các châu lục Á - Phi - Âu tham gia, đem lại những lợi ích không nhỏ cho các bên.

Đồng thời, sáng kiến này cũng tạo ra ảnh hưởng ngày càng rộng rãi của Trung Quốc đối với khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, ý tưởng của Hoa Kỳ về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” đến nay vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng và đầy đủ, khi có quá nhiều câu hỏi đặt ra như:

Phạm vi của liên minh theo ý tưởng này đến đâu hay chỉ có riêng “tứ cực”, những lĩnh vực trọng yếu nào sẽ được triển khai, bao nhiêu tài chính sẽ được đầu tư, khi nào thì ý tưởng này được thực hiện trên thực tiễn và vai trò thực sự của Ấn Độ là gì?... 

Rõ ràng, nếu Hoa Kỳ và các nước đồng minh thực sự quyết tâm chống lại những thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo, thì họ cần phải nhanh chóng thiết lập được một tầm nhìn kinh tế và an ninh toàn cầu đầy mạnh mẽ và nhiều tham vọng.

Nếu không, họ sẽ phải chấp nhận một viễn cảnh trong tương lai là nền kinh tế toàn cầu sẽ tập trung vào Trung Quốc, và theo đó vị thế siêu cường số một thế giới của Hoa Kỳ sẽ dần bị thay thế.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.innovationcircle.net/belt-and-road-forum-2017.5983496-97612.html

[2] https://thediplomat.com/2017/11/chinas-belt-and-road-initiative-prospects -and-pitfalls

Phạm Doãn Tình