Mua hàng khuyến mãi, giáo viên chủ yếu tin vào chữ kí của lãnh đạo

27/01/2019 06:58
Hoa Hạ
(GDVN) - Đừng trách thầy cô nhẹ dạ tin vào quảng cáo. Hãy trách người có thẩm quyền vì lý do gì đấy sẵn sàng đồng ý cho phường buôn gian bán lận vào trường lừa đảo.

Câu chuyện bán hàng khuyến mãi kém chất lượng tràn vào trường học không chỉ diễn ra ở một địa phương mà nhiều trường học trong cả nước đã “dính bẫy”.

Không phải giáo viên ngây thơ nên bị kẻ xấu lợi dụng, cái chính là thầy cô đã quá tin tưởng vào chữ kí của lãnh đạo cấp trên (mà đôi khi là chữ kí giả).

Một lần, nhà trường thông báo sẽ dành 30 phút họp hội đồng cho một đơn vị bán thiết bị an toàn thực phẩm quân đội vào gặp gỡ.

Nghe hiệu trưởng nói rằng cũng không muốn đồng ý cho họ vào trường.

Thế nhưng, sau khi xem giấy tờ mới biết sở y tế giới thiệu về, phòng giáo dục cũng kí giấy cho phép vào trường.

Thông tin máy sục ozone có thể khử được hóa chất độc hại vẫn là dấu hỏi (Ảnh minh họa ANTĐ)
Thông tin máy sục ozone có thể khử được hóa chất độc hại vẫn là dấu hỏi (Ảnh minh họa ANTĐ)

Có lẽ, do sợ mất lòng cấp trên, hiệu trưởng đành phải đồng ý.

Họ mang nhiều thiết bị, bài thuyết trình được trình chiếu trên máy khá công phu. 

Trước là thuyết trình về các căn bệnh ung thư đang hoành hành hiện nay mà nguyên nhân chính là việc con người ăn các hóa chất độc hại vào cơ thể.

Sau đó, họ làm thí nghiệm các loại rau, củ, quả và thịt…

Hình ảnh khá sinh động, những thực phẩm được bỏ vào máy khử độc ozone đã trở nên sạch sẽ, bắt mắt lạ kì.

Giá chiếc máy khử độc được đưa ra 3.500.000đ.

Nhiều thầy cô thích nhưng vẫn lưỡng lự không dám mua vì sợ chất lượng hàng không đảm bảo.  

Hãy cảnh giác, kẻ xấu vào tận trường, lừa thầy cô!

Tôi xin được phỏng vấn, chụp hình người có trách nhiệm cao nhất.

Họ hỏi để làm gì? Tôi nói rằng muốn viết bài báo giới thiệu cho nhiều người biết để mua về phòng bệnh.

Một thoáng bối rối hiện trên khuôn mặt và những câu trả lời không còn được tự tin như trước.

Nghi ngờ nên tôi can ngăn đồng nghiệp từ từ tìm hiểu cho kĩ hãy bỏ tiền rước máy về.

Nếu thật sự máy đạt chất lượng như lời quảng cáo, dù đắt hơn thế cũng phải ráng mua nhưng lỡ mua trúng máy dởm sẽ mất oan hơn tháng lương của một giáo viên mới ra trường.

Để trấn an giáo viên, họ đưa ra các loại giấy tờ chứng minh hàng chính hãng.

Đồng thời cả quyết định do chính sở y tế, phòng giáo dục giới thiệu.

Đa phần giáo viên cho rằng phải là đơn vị kinh doanh đoàng hoàng, cấp trên của mình mới cho phép vào trường bán hàng cho thầy cô.

Chẳng ai nỡ lòng nào lại kí giấy cho phép cái phường buôn gian bán lận vào lừa cấp dưới.

Với suy nghĩ tích cực như thế, giáo viên trường tôi ào ào đăng kí xin mua.

Có thầy cô không đủ tiền còn phải vay mượn thêm đồng nghiệp để mua cho bằng được.

Bởi, ai cũng suy nghĩ “Sức khỏe là trên hết. Có sức khỏe mới có tất cả”.

Có người còn khẳng định “Nhịn ăn, nhịn mặc cũng phải mua để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà”.

Nhiều ngày sau đó, một số đồng nghiệp của chúng tôi ở Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng gọi điện vào nói rằng chính họ cũng bị lừa khi mua máy làm sạch thực phẩm.

Làm Hiệu trưởng thì phải biết nói không với tiếp thị

Khi hỏi giá, chúng tôi mới thật sự hoảng vì các bạn chỉ mua máy có 1.500.000đ cũng những chiếc máy như thế nhưng nơi tôi lại bán đến 3.500.000đ.

Vào mạng tìm hiểu, chúng tôi thật sự choáng vì giá thật của chiếc máy chỉ hơn 500 ngàn đồng. 

Kiểu cách bán hàng giống nhau, những chiếc máy cũng y chang nhau nhưng giá cả đã chênh lệch nhau một trời một vực.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nghi ngờ nơi bán máy chẳng đàng hoàng, uy tín như lời quảng cáo.

Một số giáo viên mua máy hôm ấy báo lại, chiếc máy nhà mình đã hư rồi. Vào google tìm hiểu đơn vị thiết bị quân đội mà họ giới thiệu chính là địa chỉ giả mạo.

Giáo viên chỉ biết hỡi ôi vì quá tin tưởng vào sự giới thiệu của cấp trên nhà mình nên mới ăn quả lừa đắng đến thế.

Thế nên đừng trách thầy cô nhẹ dạ tin vào lời quảng cáo. Hãy trách những người có thẩm quyền đã vì một lý do gì đấy sẵn sàng đồng ý cho phường buôn gian bán lận vào trường để lừa đảo.

Hoa Hạ