Nếu không nâng cao được chất lượng thì nên xóa bỏ hệ tại chức

21/09/2012 06:04
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Nếu ai đó cho rằng mình học tại chức nhưng rất giỏi, rất tốt thì có thể hoàn toàn tìm cho mình một công việc ở một công ty liên doanh, công ty nước ngoài chẳng hạn. Ở đó có thu nhập cao, có điều kiện để tiếp tục phát huy chứ sao lại phản ứng và cứ nằng nặc đòi vào cơ quan nhà nước dù biết lương thấp?
LTS: Hiện nay, hệ đào tạo tại chức, liên thông, từ xa đang được nhìn nhận theo nhiều chiều khác nhau. Rất nhiều ý kiến cho rằng nên “cấm cửa” đối với hệ tại chức, liên thông và từ xa. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại ủng hộ việc nên duy trì hình thức đạo tạo như hiện nay. Về vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải lá thư của độc giả Nguyễn Quốc Vỹ.

Thời gian gần đây, khi nhiều tỉnh thành trong cả nước thông báo không nhận hồ sơ những người học tại chức, từ xa, liên thông để xét tuyển hoặc thi tuyển công chức đã gây nên một “làn sóng” phản ứng. Có nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít người phản ứng với những quyết định này.

Có thể thấy, người phản ứng chính là những người đã học hoặc đang học và các trường có đào tạo hệ tại chức, từ xa. Phản ứng nhưng những “người trong cuộc” chưa và không thể đưa ra được các bằng chứng cụ thể về chất lượng của hệ đào tào này. Có chăng, vì những người đang học muốn tiếp tục thăng tiến mà giờ chặn đứng như thế thì “la làng”? Còn các trường đào tạo thì đang có thu nhập từ việc này nên cũng không đồng ý.
Một giờ học của lớp vừa học vừa làm (tại chức) ngành quản trị kinh doanh - Ảnh: Như Hùng.
Một giờ học của lớp vừa học vừa làm (tại chức) ngành quản trị kinh doanh - Ảnh: Như Hùng.
Trong thực tế, cũng có những người học tại chức nhưng rất giỏi. Tuy nhiên, số lượng cũng không nhiều. Và, nếu ai đó cho rằng mình học tại chức nhưng rất giỏi, rất tốt thì có thể hoàn toàn tìm cho mình một công việc ở một công ty liên doanh, công ty nước ngoài chẳng hạn. Ở đó có thu nhập cao, có điều kiện để tiếp tục phát huy chứ sao lại phản ứng và cứ nằng nặc đòi vào cơ quan nhà nước dù biết lương thấp? Việc không nhận người học tại chức chỉ diễn ra ở một vài cơ quan nhà nước thôi mà. Nếu có trình độ, có năng lực thì ở đâu mà không làm việc và cống hiến được?
Người ủng hộ có lý do của họ khi họ thấy rằng chất lượng của hệ đào tạo này quá thấp. Không những thế, chính họ đã và đang học chính quy với những quy định cao hơn, thi cử nghiêm túc hơn, chất lượng đầu vào cũng như đầu ra được đánh giá rõ ràng nhưng vẫn thất nghiệp. Họ có quyền đòi hỏi sự công bằng ở đây và các cơ quan tuyển dụng cũng nhận thấy việc này khi tuyển một người làm được việc thay vì tuyển một người phải đi đào tạo lại. Không những thế, đó còn là yêu cầu của các nhà giáo dục muốn việc đào tạo phải “đâu ra đó”. Và, số lượng sinh viên học chính quy, tốt nghiệp xong chắc chắn có những việc làm ổn định, thu nhập tốt nên họ cũng không đặt nặng phải làm ở công ty, cơ quan nhà nước hay không. Vì vậy, phản ứng nhiều nhất vẫn chỉ là những người sợ mất quyền lợi, sợ không được thăng tiến, sợ không được tăng lương khi đã “lỡ” học ở hệ tại chức mà thôi.

Khi có những phản ứng ấy thì Bộ GD sẽ phải làm “trọng tài” để tìm hiểu và giải quyết sự việc. Mặc dù Bộ thừa biết chất lượng hệ tại chức đến đâu, việc đào tạo, học tập và thi cử như thế nào nhưng lại không quyết liệt trong việc chấn chỉnh, xử lý thì thiệt thòi lớn nhất vẫn là người học. Và nhà tuyển dụng không thể bỏ tiền để mua một “sản phẩm” kém chất lượng khi họ đã chứng kiến quá nhiều, nghe quá nhiều về hệ đào tạo này.

Việc học thì cá nhân của mỗi người có quyền quyết định, lựa chọn, nhưng việc tuyển dụng là do cơ quan, công ty quyết định và họ có quyền từ chối không tuyển khi họ thấy những yếu kém của hệ này và ngoài kia còn biết bao người giỏi, người khá muốn cống hiến.
Nguyễn Quốc Vỹ