Ngành giáo dục nên lắng nghe ý kiến của thầy, cô và cả xã hội

08/02/2015 07:08
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Thói quen đánh giá bằng điểm số đã thấm sâu trong nhận thức, nếp nghĩ của nhiều người, trong đó có cả giáo viên. Muốn thay đổi cũng nên từng bước, từ từ.

Tiếp tục câu chuyện thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc có thêm các tranh luận. Lần này, bên cạnh việc chỉ ra những điều được khi áp dụng chủ trương mới, thầy Ngọc cũng đưa ra những kiến nghị sát thực, góp ý cho Bộ để chỉnh sửa cho phù hợp.

Tiếng nói của thầy Ngọc, không chỉ là của một người thầy, mà còn là của một phụ huynh có con đang học lớp 2.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh sau một học kỳ áp dụng đại trà trên cả nước, đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm tư, chia sẻ của phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý, đặc biệt là các thầy, cô giáo đang trực tiếp đứng lớp ở bậc học này.  

Ông Nguyễn Hồng Tịnh, 38 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, có hai con đang học  tại một trường Tiểu học bày tỏ: “ Ngay từ lúc Thông tư mới ban hành, tôi hoàn toàn đồng tình với cách đánh giá mới ở tiểu học, bỏ chấm điểm để giảm áp lực học tập, chạy đua về thành tích cho con em. Thường xuyên xem vở học, sổ liên lạc của hai con, tôi thấy nhà trường, cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn nhận xét, đánh giá bằng chữ khá bài bản, cụ thể, mang tính động viên là chính nên các cháu có phần phấn khởi, ý thức tự học, tự rèn luyện tốt và dạn dĩ hơn năm ngoái và có thời gian được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn. ”

Học sinh có ý thức tự học, tự rèn luyện tốt và có thời gian được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn (Ảnh: Như Hùng)
Học sinh có ý thức tự học, tự rèn luyện tốt và có thời gian được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn (Ảnh: Như Hùng)

Người viết bài này, cũng đang là phụ huynh có con học lớp 2 trường Tiểu học Trương Quang Trọng, Thành phố Quảng Ngãi, vừa rồi tham dự cuộc họp phụ huynh học sinh sơ kết học kỳ 1. Trong phần ý kiến phụ huynh, hầu hết cha mẹ các khối lớp đều nhất trí cao với thay đổi, điều chỉnh trên của Bộ GD & ĐT, các cháu ở lớp, ở nhà… thái độ, ý thức học tập vẫn bình thường, không có chuyện các cháu chán nản, sa sút học hành khi chuyển qua hình thức đánh giá bằng chữ. 

Tất nhiên, ở nhiều nơi khác, vẫn còn một số ít phụ huynh thích thầy, cô giáo cho điểm hơn, vì thói quen, tư duy cũ, vì nghĩ rằng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc theo dõi việc học hành của con trẻ. 

Tôi thiết nghĩ, vai trò nhận thức của phụ huynh học sinh cũng không kém quan trọng để góp phần vào thành công của sự đổi thay này. 

Do đó, trong các cuộc họp phụ huynh, họp ban đại diện cha mẹ học sinh cuối năm, và các năm tiếp theo, ban giám hiệu, thầy cô giáo chủ nhiệm cần cung cấp và phân tích đầy đủ hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa, mục đích, các điều khoản, quy định của Thông tư 30 đến tất cả phụ huynh, vì mỗi phụ huynh có trình độ, nhận thức khác nhau. 

Một khi các bậc cha mẹ đã hiểu, thấm nhuần rồi thì mới đồng hành, định hướng, hỗ trợ tốt cho con cái, cùng với nhà trường đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.

Cô Lê Thanh Hà, giáo viên trường tiểu học Sơn Tân, huyện miền núi Sơn Tây ( tỉnh Quảng Ngãi) cho biết:” Mới lúc đầu thực hiện Thông tư và đọc một số ý kiến phản bác, trái chiều trên báo chí, thầy cô giáo chúng tôi có phần lo lắng (vì dao động) và lúng túng, bối rối ( vì chưa quen). 

Đến nay, chúng tôi đã quen dần với việc đánh giá, nhận xét bằng chữ rồi. Đúng là, cách làm mới khiến thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm vất vả, cực nhọc hơn từ ghi nhận xét trong vở, bài làm học sinh đến ghi tổng hợp các mặt trong sổ học bạ, sổ theo dõi chất lượng hàng tháng, học kỳ…

Bù lại, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho đánh giá bằng điểm số như trước đây giúp giáo viên có thêm niềm vui khi được sẻ chia, tiếp xúc, gần gũi với các em nhiều hơn. Cái được lớn nhất là, học sinh ở vùng miền núi như chúng tôi và học sinh tiểu học cả nước không còn áp lực điểm số, tâm lý thoải mái hơn”.

Cô giáo Nguyễn Văn Nhân, Phó hiệu trưởng, Trường Tiểu học số 2 Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chia sẻ: “ Trong vai trò, chức trách là cán bộ quản lý tại trường học, tôi nhận thấy, Thông tư 30 đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, các điều khoản quy định về cơ bản là tốt, khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và điều kiện thực tiễn Việt Nam. 

Trường chúng tôi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu của Bộ GD &ĐT, các đợt tập huấn, bồi dưỡng do cấp trên triển khai. Nhìn chung, tới thời điểm này mọi việc đều trôi chảy, hanh thông, không gặp vấn đề phức tạp, phàn nàn từ phía giáo viên. Một số giáo viên nơi khác than thở, kêu ca sổ sách, ghi chép quá nhiều…

Ngành giáo dục nên lắng nghe ý kiến của thầy, cô và cả xã hội ảnh 2Chuyên viên vụ Tiểu học khuyên gì về thực hiện Thông tư 30?

(GDVN) - Thông tư 30/2014 nhằm thực hiện một số định hướng về đánh giá học sinh tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung trong Chiến lược phát triển giáo dục

Thực ra, có chuyện ấy là do ban giám hiệu nơi ấy tự vẽ ra mà thôi, theo Điều lệ tiểu học quy định thì chỉ có 4 loại hồ sơ hồ và theo Công văn số 68, trong đó nêu rõ: “Một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần một cuốn sổ theo dõi chất lượng. Mẫu sổ do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó”. Gây áp lực nặng nề về giấy tờ, hồ sơ cho giáo viên, lỗi ở đây thuộc về nhận thức, cách làm không đúng của nhà trường. Lãnh đạo các nhà trường cần sửa sai ngay. 

Tuy nhiên, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD & ĐT còn thiếu sự đồng bộ  ở chỗ, giáo viên đã nhận xét hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vào bài làm cho học sinh nhưng đến bài kiểm tra cuối kỳ lại đánh giá bằng điểm số. Tôi nghĩ, sang học kỳ 2, Bộ GD & ĐT cần điều chỉnh điểm trên để việc đánh giá được nhất quán ở mọi hình thức. 

Điểm b, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm ở mục 3. đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh ( thuộc Điều 5), đây cũng là định hướng có chủ ý, nhằm tới sự hoàn thiện, tốt đẹp ở con trẻ chúng ta, song các em là đang là tuổi nhỏ, vô tư, hồn nhiên, ít nghĩ suy gì để đạt được điểm đó, không hề dễ. Bộ cần thực tế hơn.”

Tôi tâm đắc nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của các thày cô giáo, các chuyên gia giáo dục, trong đó có ý kiến của một nữ thạc sĩ người Việt đang học tập và làm việc tại Đài Loan: “ Giá như Thông tư 30 này ra đời sớm cách đây mấy chục năm thì thế hệ học sinh tiểu học của chúng tôi ngày ấy đỡ khổ, đỡ áp lực biết bao nhiêu”. 

Tuy vậy, qua mục thăm dò ý kiến của độc giả có nên giữ nguyên cách đánh giá của Thông tư 30 không, trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì có đến trên 80% độc giả chọn là không. 

Rõ ràng, thói quen, sở thích đánh giá bằng điểm số đã thấm sâu trong nhận thức, nếp nghĩ của nhiều người, trong đó có cả giáo viên. Thích mọi cái đơn giản, ổn định, an nhàn… đó là tâm lý chung của đa số giáo viên tiểu học ( kể cả người Việt).  

Để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ quen thuộc đó, không dễ dàng gì, cần có một thời gian lâu nữa. 

Vả lại, lương bổng giáo viên vẫn thế, áp lực công việc, nhận xét, ghi chép lại vất vả hơn nhiều, tất nhiên nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo bậc tiểu học không muốn rồi. 

Nếu điều kiện kinh tế đất nước những năm tới đây khấm khá hơn thì Nhà nước nên xem xét hỗ trợ, phụ cấp lương bổng thêm cho giáo viên, cán bộ quản lý bậc tiểu học để họ yên tâm và làm việc có trách nhiệm tốt hơn với thế hệ tương lai của đất nước. Bởi, bậc tiểu học là khởi đầu của mọi khởi đầu.  

Theo tôi cũng như nhiều người, Bộ GD & ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp có tính xây dựng của mọi đối tượng, nhất là của đội ngũ giáo giới, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, hoàn chỉnh quy định mới. 

Để có sự đồng thuận, thống nhất cao từ nhận thức đến hành động, việc làm, nhất là về phía nhà trường, thầy cô giáo, Bộ, Các Sở, Phòng Giáo dục cần có thêm những lớp quán triệt, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên Tiểu học một cách kỹ lưỡng, bài bản và đầy đủ; mặt khác, nhà trường có biện pháp động viên, nhắc nhở và kiểm tra cách làm mới của giáo viên và từng thầy cô phải có tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những yêu cầu mới, “nói không” với cách làm cũ, lạc hậu và với hiện tượng giáo viên nhận xét hình thức, đối phó.  

ĐỖ TẤN NGỌC