Nghĩ về danh hiệu “học sinh xuất sắc nhất khối”

14/06/2018 07:48
Đỗ Quyên
(GDVN) - Theo quy định tuyệt nhiên không có danh hiệu “Học sinh xuất sắc nhất khối”. Trong thực tế danh hiệu này do các trường tự “đẻ” ra.

LTS: Sau câu chuyện lùm xùm về việc bầu chọn "học sinh xuất sắc tiêu biểu nhất khối" tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Quảng Nam), cô giáo Đỗ Quyên chia sẻ đôi điều về danh hiêu này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ, Quảng Nam) đang dính vào một chuyện lùm xùm bầu chọn học sinh xuất sắc tiêu biểu duy nhất của khối 5”.

Phụ huynh bức xúc vì quy trình xét chọn không rõ ràng, thiếu minh bạch nên đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra để có câu trả lời sao cho thuyết phục nhất.

Câu chuyện bắt nguồn từ việc chọn một học sinh tiêu biểu nhất khối 5.

“Cháu H. được tổ 5 của trường bầu chọn là học sinh xuất sắc tiêu biểu duy nhất của khối 5.

Thông tin này được cô giáo chủ nhiệm lớp 5/4 thông báo trước lớp, trong buổi họp phụ huynh ngày 26/5 cũng có sự xác nhận của cô Hoa - nguyên tổ trưởng tổ 5”.

Phụ huynh bức xúc vì cách xét chọn học sinh xuất sắc tiêu biểu duy nhất của khối 5. Ảnh: TT/Giaoduc.net.vn
Phụ huynh bức xúc vì cách xét chọn học sinh xuất sắc tiêu biểu duy nhất của khối 5. Ảnh: TT/Giaoduc.net.vn

Bất ngờ sau đó, cô Nguyễn Thị Như Anh – Hiệu trưởng nhà trường xác nhận lại là cháu HVT. - học sinh lớp 5/1 đạt xuất sắc nhất khối chứ không phải cháu H. 

Gia đình cháu H kiến nghị thì nhà trường tổ chức xét duyệt lại, lần này lại có kết quả khác đó là cháu NTB học sinh lớp 5/7. 

Phía gia đình cho rằng nhà trường có cách làm việc cảm tính, bất nhất trong việc bầu chọn cho các cháu trong vòng một ngày.

Còn đại diện nhà trường cho biết, việc đánh giá nhận xét theo quy trình, theo tiêu chí của hội đồng thi đua đưa ra, đảm bảo công bằng cho các em, chứ không có thiên vị học sinh nào.

Tại sao có sự bất nhất như vậy?

Phụ huynh sốc vì con bất ngờ bị đánh trượt học sinh xuất sắc tiêu biểu

Trong Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT quy định về việc khen thưởng học sinh tiểu học thì có những danh hiệu như:

“Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”; “Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc”; “Học sinh có thành tích đột xuất trong năm học”.

Tuyệt nhiên không có danh hiệu “Học sinh xuất sắc nhất khối”. Trong thực tế danh hiệu này do các trường tự “đẻ” ra. 

Trước đây, một số trường học thường bình chọn mỗi khối một học sinh xuất sắc nhất khối, mỗi trường cũng bình ra một học sinh xuất sắc nhất trường.

Nhưng thời gian gần đây, nhiều trường đã chủ động bỏ hẳn danh hiệu này vì rất khó bình chọn một cách chính xác.

Nếu ở hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, người ta chỉ cần nhìn số phẩy cao nhất khối để chọn ra học sinh xuất sắc nhất khối thì ở bậc tiểu học là rất khó.

Vì ngoài việc đánh giá bằng định lượng như so điểm thi của các em, so các danh hiệu đạt được trong các kì thi học sinh giỏi, thi phong trào.

Thầy cô còn phải kết hợp đánh giá bằng định tính (rất khó có độ chính xác, công bằng) đó là tác phong, sự rèn luyện, năng lực, phẩm chất …

Vài năm về trước, do còn duy trì các cuộc thi học sinh giỏi nên em nào có nhiều thành tích thì phần thắng sẽ nghiêng về em đó.

Nay, các cuộc thi học sinh giỏi đã bỏ, điểm căn cứ duy nhất để xét chọn là mấy con điểm của 4 lần thi trong năm và quá trình rèn luyện hằng ngày của học sinh.

Vì thế, để chọn ra một học sinh xuất sắc nhất khối cũng chẳng mấy chính xác (nếu cá nhân em ấy không thật sự nổi bật).

Trong thực tế, khi bình chọn danh hiệu này thì giáo viên trong khối phải ngồi lại với nhau để chọn.

Nếu có thành viên xuất sắc nổi bật thì quá dễ dàng. Nhưng cứ sàn sàn như nhau buộc thầy cô phải “cân lên đặt xuống” khá nhiều lần.

Và khi danh sách trong tổ được chốt phải chuyển lên nhà trường bình chọn, thống nhất trong cuộc họp thi đua.

Nếu không có sự thay đổi nào khác, giáo viên mới được quyền công bố cho học sinh biết.

Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ, Quảng Nam) mắc khá nhiều sai lầm trong việc bầu chọn học sinh xuất sắc nên mới gặp rắc rối.

Danh sách học sinh xuất sắc mới được bình chọn trong tổ, chưa thông qua nhà trường nhưng giáo viên lại vội vàng công bố cho học sinh và phụ huynh biết.

Khi có danh sách chính thức học sinh xuất sắc nhất khối từ phía nhà trường, thay vì khi gặp sự kiến nghị, thắc mắc của phụ huynh.

Nhà trường phải đưa ra bằng chứng để thuyết phục phụ huynh vì sao em T xứng đáng hơn em H thì nhà trường lại tổ chức cuộc họp để bình xét lại (hóa ra trước đó chỉ mới chọn bừa hay sao?”.

Oái oăm thay, kết quả bầu chọn học sinh xuất sắc không phải là một trong hai em H và T mà chính là em B (nhân vật mới xuất hiện).

Khi gặp sự phản ánh từ phụ huynh, nhà trường đã khẳng định “việc đánh giá nhận xét theo quy trình, theo tiêu chí của hội đồng thi đua đưa ra, đảm bảo công bằng cho các em, chứ không có thiên vị học sinh nào”.

Nếu như không có sự phản ứng trên thì chính em B mà nhà trường nói đánh giá theo đúng quy trình cũng đâu có được nằm trong danh sách xét chọn nên cái lý đưa ra từ phía nhà trường không có tính thuyết phục.

Nên bỏ danh hiệu này

Nghĩ về danh hiệu “học sinh xuất sắc nhất khối” ảnh 2Học sinh được khen vượt bậc không phải là học sinh giỏi?

Để chọn ra một học sinh xuất sắc nhất khối, giáo viên toàn khối phải họp ra và bình chọn.

Hầu như giáo viên chủ nhiệm nào cũng muốn học sinh lớp mình được nhận danh hiệu này.

Đó không chỉ là vinh dự của chính học sinh mà thầy cô giáo chủ nhiệm nhờ đó đôi khi cũng được “nở mày nở mặt”.

Vì thế việc bình chọn chỉ trong tổ chuyên môn cũng chẳng dễ dàng gì khi học sinh không có sự nổi trội mà cứ sàn sàn như nhau. 

Học sinh tiểu học chỉ nên khen thưởng như các danh hiệu trong Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã là quá đủ.

Cũng đừng vì thành tích của trường, thành tích cá nhân mà “đẻ” thêm nhiều danh hiệu khen thưởng khác trong khi chưa có được một tiêu chí khen thưởng rõ ràng.

Làm như thế sẽ khó tránh khỏi những rắc rối như Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa qua.

Đỗ Quyên