Người đương thời Đỗ Việt Khoa: Mơ ước nền giáo dục trong sạch

16/01/2013 07:30
Đỗ Quyên
(GDVN) - 'Không riêng năm 2013, lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi, dù biết rằng rất khó'.
Đỗ Việt Khoa là một giáo viên, tên tuổi của ông nổi tiếng sau những lần tố cáo hành vi tiêu cực trong thi cử tại tỉnh Hà Tây (cũ). Nhờ hành động này, ngay trong năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phát động phong trào "Hai không": Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Thời gian sau đó, thầy giáo Đỗ Việt Khoa được làm khách mời của chương trình "Người đương thời". Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, một lần nữa thầy Đỗ Việt Khoa đã tiếp tục làm nổi sóng “dư luận” về một nền giáo dục nhiều nhiều hạn chế, yếu điểm khi tố cáo gian lận thi cử tại THPT Đồi Ngô- Bắc Giang.
Trong cuộc chiến chống tiêu cực, thầy Đỗ Việt Khoa đã trở thành người “rất đơn độc”. Ông cho biết, ban đầu cảm thấy nản lắm, vì cả một nhà trường hàng trăm giáo viên vẫn lên lớp rao giảng đạo đức cho học trò nhưng tất cả không đấu tranh thậm chí a dua với cái xấu. 
Thầy Việt Khoa đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với dư luận trái chiều: có người cho rằng việc thầy làm là đúng, có người cho rằng việc làm đó là sai; khó khăn hơn hết là mối quan hệ của thầy với đồng nghiệp, hiệu trưởng; gặp khó khăn ngay cả trong công việc của mình; thậm chí là đối mặt với bọn xã hội đen luôn bị đe dọa.

Rồi thầy luôn tin tưởng: “Người Việt rất nghĩa hiệp, sẵn lòng đấu tranh chống tiêu cực còn nhiều lắm. Tôi không tin là hết những người như thầy Khoa đâu. Có thể vẫn có nhiều người biết nhưng không dám lên tiếng. Mọi việc không được giải quyết thoả đáng thì chỉ cần vài ba năm sau sẽ có những Đỗ Việt Khoa khác. Tôi chỉ là một trong những người đấu tranh nhỏ bé ở đất nước này”.

Thầy Đỗ Việt Khoa: Lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi.
Năm 2012 đã đi qua, một trong những sự kiện buồn của ngành giáo dục đó là gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô- Bắc Giang. Sự việc đã trôi qua, bây giờ nhìn lại, cảm xúc của thầy như thế nào?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vụ Đồi Ngô, nghĩ mà thấy nản. Một học sinh rất dũng cảm như em Sơn đã không được tôn vinh, thậm chí còn bị đe dọa. Ngoài ra, tôi cũng có trong tay bản tường trình của hiệu trưởng gửi sở, thừa nhận đã phân công cấp dưới lấy đề, giải bài và phân phát phao thi. Vậy mà họ đuổi việc 6 giáo viên và nhân viên, còn lãnh đạo trường thì bình an vô sự.
Cô giáo Hải bị đuổi việc phải đi làm công nhân, ngất lên ngất xuống. Thầy Ngọc tố cáo tham nhũng, với 38 sai phạm thì họ hoàn toàn không giải quyết.
Thất vọng nhất là khi nghe một vị trên Bộ Giáo dục phát biểu "Người quay clip có động cơ không trong sáng". Có lẽ việc tôi thông tin tiêu cực cho báo chí chứ không gửi cho Bộ đã làm người ta không thiện cảm.
Nếu gặp lại những sự kiện tiêu cực như ở Hà Tây, ở Đồi Ngô, thầy có tiếp tục tố cáo như đã làm?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Phải tố cáo chứ, nhưng bắt buộc phải có chứng cớ. Tiêu cực thì đầy, nhưng lấy chứng cớ thì không dễ. Tố cáo thì không khó, khó nhất là sự bao che của lãnh đạo cấp sở và cấp tỉnh, mà điều này thì rất thường xảy ra.
Ngoài tiêu cực về những gian lận trong thi cử, thầy còn đánh giá như thế nào về những bất cập, hạn chế trong giáo dục?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Có vô số bất cập. Đụng đâu cũng thấy. Bệnh thành tích vẫn tung tác. Ngay tại trường Vân Tảo, đầu vào nhiều năm thấp nhất trong 104 trường của Hà Nội, lấy cả học sinh thi được 0.25 đ/ bài, nhưng họ ép buộc giáo viên phải có trên 70% học sinh khá giỏi. Toàn là cấy điểm thôi. Hàng chục học sinh học lực giỏi, nhưng khi thi tốt nghiệp, chỉ có vài ba em đạt loại khá và không có loại giỏi.
Chất lượng đào tạo chả ra sao. Các em ra trường đều thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Thế nên khi thi vào biên chế thì rất nhiều địa phương có tiêu cực, người đi thi phải bỏ ra cả trăm triệu để nhờ "qua cửa". Gần chỗ tôi công tác, có em chỉ mới tập sự cũng bị đòi nộp vài chục triệu.
Tham nhũng trong xây dựng thì rõ như ban ngày. Vẫn nguyên cái kiểu tiền tỉ mua sắm trang thiết bị trường học kiểu bao cấp, phân phối theo dự án chứ không theo nhu cầu.

Sợ nhất là ai tố cáo những sai phạm của họ hầu hết là bị trù dập, lại thêm cấp sở cấp tỉnh bao che, làm ngơ.
Theo thầy, chúng ta cần phải làm gì?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Phải làm nhiều lắm, nhưng điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Lựa chọn người đứng đầu là một việc hệ trọng và phải chọn đúng người thực sự vừa có trình độ và tâm huyết với giáo dục, nhưng đó là tôi hy vọng chứ thực tế thì không phải vậy, vì các quan hệ dây dợ nhằng nhịt lớp lớp dày đặc. Nếu sau này các lãnh đạo giữ những vị trí quan trọng ấy ở từng địa phương do nhân dân trực tiếp bầu thì vấn đề trách nhiệm sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Trong tình hình hiện tại,  tôi chỉ mong mỗi thầy cô hãy cố gắng đừng nhìn người ta mà bắt chước cái xấu, dẫu biết cuộc sống thì nhiều khó khăn, phải vật lộn với đồng tiền bát gạo, nhưng đã mang danh nhà giáo thì phải giữ được như người xưa nói "đói cho sạch, rách cho thơm".
Thầy mơ ước như thế nào về một nền giáo dục 2013?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Không riêng năm 2013, lúc nào tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được trong sạch, cái xấu bị đẩy lùi, dù biết rằng rất khó.
Đỗ Quyên