Người tự ứng cử sẽ tranh cử thế nào, bị cấm làm điều gì?

20/03/2016 08:14
(GDVN) - Tại kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiều người tự ứng cử đang sử dụng mạng xã hội để thông tin tới người dân về chương trình hành động nếu trúng cử.

Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là: Vận động bầu cử là gì và phải đảm bảo những yêu cầu gì?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Những ứng viên này được trao đổi với cử tri về những vấn đề cử tri quan tâm, qua đó hiểu rõ hơn về người ứng cử. Trên cơ sở đó, người dân sẽ cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc vận động bầu cử phải đảm bảo ba yêu cầu:

Thứ nhất, vân động bầu cử phải dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, người ứng cử Đại biểu Quốc hội có quyền sử dụng facebook cá nhân để thông tin về cá nhân, về kế hoạch hành động tới cử tri.

Ông Phúc cho biết: “Các ứng viên vận động bầu cử bình đẳng. Những ứng viên vận động bầu cử bằng trang cá nhân thì đó là quyền của người ta. Đây là những việc pháp luật không cấm, còn những hình thức vận động bầu cử khác thì phải tuân theo quy định.

Bây giờ đang ở giai đoạn hiệp thương lần thứ hai, có những ứng viên do tổ chức giới thiệu, có những ứng viên tự ứng cử, tự giới thiệu mình. Vì vậy, việc các ứng viên tự ứng cử tuyên truyền vận động cho bản thân bằng các trang cá nhân là bình thường.

Sau khi chốt danh sách vào vòng hiệp thương thứ 3 thì phải vận động bầu cử theo tổ chức, tuân theo các quy định của pháp luật, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Người tự ứng cử sẽ tranh cử thế nào, bị cấm làm điều gì? ảnh 2

Không nhất thiết Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải có đơn từ chức

Rất nhiều độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đang băn khoăn là người ứng cử được vận động bầu cử như thế nào, có hình thức nào bị cấm không?

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, có hai hình thức mà người vận động bầu cử có thể tiến hành.

Thứ nhất, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử.

Hội nghị này do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri. Tại đây, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cử tri và những người ứng cử sẽ cùng trao đổi thẳng thắn về những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Thứ hai, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Người ứng cử Đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm Đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử Đại biểu Quốc hội hoặc của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Trong vận động bầu cử cũng đã nêu rõ những hành vi bị cấm, đó là: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.