Ngưỡng mộ nữ sinh dân tộc Si La vượt dòng Đà Giang về thủ đô học đại học

11/04/2019 06:57
Công Tiến
(GDVN) - Em Lý Cố Hoa huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thuộc dân tộc rất ít người được tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc.

Nữ sinh Lý Cố Hoa dân tộc Si La ở Lai Châu đã vượt qua mọi khó khăn về khoảng cách địa lý, rào cản về tâm lý cũng như khó khăn trong cuộc sống vươn lên trong học tập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà quản trị kinh doanh tương lai.

Dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu, một trong 5 dân tộc dưới 1.000 người và hiện dân tộc Si La hiện đang được nhà nước bảo tồn nòi giống.

Hoa là một trong những sinh viên thuộc dân tộc rất ít người trên đất nước ta được tuyên dương trong lễ “Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc” năm 2018 vì thành tích học tập của mình.

Em Lý Cố Hoa dân tộc Si La, Lai Châu xuống Hà Nội dự lễ “Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc” năm 2018. Ảnh: CT
Em Lý Cố Hoa dân tộc Si La, Lai Châu xuống Hà Nội dự lễ “Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc” năm 2018. Ảnh: CT

Hiện nay, Lý Cố Hoa đang là sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghiệp Việt - Hung, Khoa Kinh tế quản lý.

Bông hoa ven dòng Đà Giang hùng vĩ

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào Si La là một trong năm dân tộc rất ít người, cư trú chủ yếu ở phía cực Tây tổ quốc, nơi đầu nguồn của dòng Đà Giang hùng vĩ.

Thấu hiểu sự vất vả và những khó khăn của bản làng, không phụ lòng gia đình em Lý Cố Hoa luôn cố gắng nuôi ước mơ được ăn học và điều quan trọng là em đã “vượt dòng Đà Giang hùng vĩ” hiểm trở bằng kiến thức. Hoa đã đỗ vào Trường đại học công nghiệp Việt - Hung với số điểm khá cao.

Em Lý Cố Hoa đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

“Nơi em sinh ra có dòng Đà Giang hùng vĩ và cũng rất đẹp đó là Bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Nơi em sinh vẫn còn nghèo lắm, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, đường sá thì hay bị sạt lở, dân trí người dân bản em vẫn còn thấp.

Em mong sau này học xong em muốn về Lai Châu làm việc phần vì gần gia đình và có nhiều điều kiện được cống hiến, dựng xây quê hương”. 

Lý Cố Hoa sinh trưởng trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên nhưng ở em luôn có một sự lạc quan, vui vẻ và tràn đầy sự quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng con đường tri thức.

Sau khi đậu vào Trường đại học công nghiệp Việt - Hung em Lý cô Hoa thường đi làm thêm ở quán để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Ảnh: CT
Sau khi đậu vào Trường đại học công nghiệp Việt - Hung em Lý cô Hoa thường đi làm thêm ở quán để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Ảnh: CT

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những ngày tháng khó khăn học tập xa nhà, em nói:

“Gia đình em có ba người, dưới em còn một em gái, mẹ em chỉ là nông dân gia đình lại thuộc diện hộ nghèo vì vậy em cũng chẳng có điều kiện được đầu tư như các bạn dưới xuôi.

Em phải sống tự lập xa gia đình từ năm hơn mười tuổi, vì vào cấp 2 là em đã phải học nội trú, rồi tới cấp 3 và bây giờ là đại học.

Đi học nội trú cũng vất vả lắm anh ạ, nhiều khi cũng nhớ gia đình nhưng vì ở cách xa nhà quá mà chi phí đi lại và thời gian học tập cũng nhiều… Em chỉ về thăm gia đình vào dịp lễ tết hay những lúc được nghỉ dài ngày để tiết kiệm chi phí”.

Làm thêm để tích lũy kỹ năng sống

Những ngày tháng học nội trú sống tự lập cũng là những ngày tháng rèn luyện bản thân tốt nhất đối với Lý Cố Hoa về các kỹ năng thích nghi với cuộc sống.

Luôn chủ động trong mọi công việc, tự giác trong học tập, hết học kỳ I năm nhất Lý Cố Hoa đã đạt thành tích sinh viên có học lực khá của lớp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về mục đích và cách thực hiện việc kết hợp học và đi làm thêm, em nói:

“Em thấy các bạn sinh viên bây giờ đi làm thêm nhiều mà, đi làm thêm sẽ giúp em có thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống mà hơn nữa lại có thêm thu nhập để phục vụ học tập và một phần chi phí cuộc sống ở Hà Nội.

Em chỉ đi làm thêm khi không phải tới lớp học, việc quan trọng nhất của em vẫn là việc học để sau này còn làm được công việc mình yêu thích, còn đi làm thêm này sẽ giúp em khả năng giao tiếp và xử lý tình huống”.

Tuy là dân tộc thiểu số rất ít người trên Lai Châu nhưng em Lý Cố Hoa rất thông minh, học giỏi, pha chế cũng rất ngon. Ảnh: CT
Tuy là dân tộc thiểu số rất ít người trên Lai Châu nhưng em Lý Cố Hoa rất thông minh, học giỏi, pha chế cũng rất ngon. Ảnh: CT

Được biết hiện nay ngoài thời gian học tập ở trường, Lý Cố Hoa đi làm thêm ở một quán trà sữa ở gần Trường đại học công nghiệp Việt - Hung. Em Hoa rất khéo tay và còn làm pha chế đồ uống cho quán.

Đồng bào người Si La ở Lai Châu 

Đồng bào Si La ở Lai Châu từng có những thời kỳ đen tối, sống biệt lập và nghèo túng, thiếu hiểu biết. Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân khiến quan niệm xã hội về dân tộc Si La có những điều khác biệt với thực tế ngày nay.

Nhiều người ngỡ rằng, người Si La nghèo đói, lạc hậu đến mức không tăng trưởng được dân số.

Từng có thời kỳ, dân tộc Si La đứng trước mối lo suy thoái giống nòi, mai một bản sắc văn hóa truyền thống...

Trước đây, người dân Si La dựng nhà trên núi cao, hạn chế giao lưu, trao đổi với các dân tộc khác.

Người dân không biết chữ, không kết hôn với người dân tộc khác. Cái ăn là củ mài, củ nâu, thịt thú rừng, nhưng không mắm, không muối.

Công Tiến