Nguyên Bộ trưởng kêu khó, kêu khổ về nhà ở và sự liêm sỉ của người cán bộ

15/06/2017 07:00
Hải Ninh
(GDVN) - Mấy ngày vừa qua, dư luận ồn ào câu chuyện nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kêu khó, kêu khổ, không có nhà ở nên muốn giữ lại nhà công vụ…

Khó quá không mua được nhà phải ở nhà công vụ?

Báo chí mấy ngày nay rộ lên thông tin, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường vốn được Bộ Xây dựng bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ tại căn hộ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội theo một quyết định của Bộ trưởng Xây dựng ban hành tháng 11/2013.

Đơn xin giữ lại nhà công vụ của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Đơn xin giữ lại nhà công vụ của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Đến cuối tháng 3/2017, Bộ Xây dựng đã có Thông báo số 582/TB-BXD về việc yêu cầu ông Hà Hùng Cường trả lại nhà công vụ do hết tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có đơn đề nghị, nêu rằng ông "đang có khó khăn về nhà ở" và đề nghị xem xét cho phép gia đình ông được kéo dài thời hạn thuê nhà ở công vụ nói trên đến ngày 30/6/2018 hoặc cho ông Cường được mua lại căn hộ công vụ nói trên.

Công văn đòi lại nhà công vụ của Bộ Xây dựng.
Công văn đòi lại nhà công vụ của Bộ Xây dựng.

Một trường hợp khác tương tự là bà Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam.

Theo nguồn tin báo chí, tháng 4/2014, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 414/QĐ-BXD về việc bố trí cho bà Nguyễn Thị Kim Thúy thuê nhà ở công vụ của Chính phủ tại căn hộ số 505 tầng 5, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (cùng khu chung cư với ông Hà Hùng Cường).

Đến cuối tháng 3/2017, Bộ Xây dựng cũng đã ra thông báo về việc trả lại nhà ở công vụ đối với bà Nguyễn Thị Kim Thúy do hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành.

Tuy nhiên, bà Thuý cũng đã có đơn đề nghị để được tiếp tục thuê căn hộ 505, tại tháp B nêu trên hết thời hạn cho thuê tối đa 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019) do "có khó khăn về nhà ở"

Gần 30 năm làm Thứ trưởng, Bí thư tỉnh và Bộ trưởng nhưng khó khăn về nhà ở?

Trong đơn ông Cường nêu rõ, gia đình ông có nhà riêng tại số 10 dãy D, Khu 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 62,4 m2.

Từ năm 2008, do thực hiện chủ trương cống hóa mương của Hà Nội nên năm nào nhà ông cũng bị lụt từ 1 đến 3 lần. Vì hoàn cảnh đó mà Bộ Xây dựng đã bố trí cho gia đình ông được thuê nhà ở công vụ.

Ông Hà Hùng Cường cho biết, bắt đầu làm Thứ trưởng từ năm 1998, trải qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là gần 30 năm nhưng ông chưa được hưởng bất kỳ một chính sách nào về nhà ở, đất đai của Trung ương cũng như của Quảng Bình.
Ông Hà Hùng Cường cho biết, bắt đầu làm Thứ trưởng từ năm 1998, trải qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp  là gần 30 năm nhưng ông chưa được hưởng bất kỳ một chính sách nào về nhà ở, đất đai của Trung ương cũng như của Quảng Bình.

Trần tình trên báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu lý do, từ khi ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp (ngày 01/6/1998) cho đến khi nghỉ hưu, trải qua các cương vị Thứ trưởng (1998-2003), Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (2003-2007), Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2007-2016), ông chưa được hưởng bất kỳ một chính sách nào về nhà ở, đất đai của Trung ương cũng như của Quảng Bình.

Nguyên Bộ trưởng kêu khó, kêu khổ về nhà ở và sự liêm sỉ của người cán bộ ảnh 4

Chuyện xe công, nhà công vụ vẫn chưa có hồi kết

(GDVN) - Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nói thẳng rằng, nếu mà biết lợi dụng thì chẳng có luật nào không lợi dụng được.

Ông Hà Hùng Cường cũng cho biết: “Ngay sau khi nghỉ hưu, tôi đã trình nguyện vọng với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Vào trước và sau tết vừa rồi tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các đồng chí đều chia sẻ với nguyện vọng nói trên của gia đình tôi”.

Là người từng phụ trách Bộ Tư pháp, cơ quan tham mưu về pháp luật cho Chính phủ, chắc ông Hà Hùng Cường biết rằng tại điểm đ, Khoản 2 Điều 34 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định:

đ) Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.

Ngoài ra, tại Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định “…thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định”.

Pháp luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng vì sao nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường và nhiều cán bộ khi về hưu khác lại không tự giác thực hiện?

Nhiều chuyên gia lý giải rằng, khi người ta có lòng tự trọng và sự liêm sỉ thì không ai lại dám làm một việc mà ngược đời, ngược luân thường đạo lý như vậy.

Bởi thanh danh của họ đã trau chuốt, giữ gìn hàng chục năm khi còn làm "quan", đến khi về hưu lại để người đời “xì xào to nhỏ”, đàm tiếu như vậy thì liệu tiếng thơm có còn lại với đời? Với con, với cháu?

Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy cán bộ là phải luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân: “Phải trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Nói về liêm sỉ, nhà hiền triết Mạnh Tử đã có lời khuyên răn, cảnh tỉnh: “Khi đã không còn có liêm sỉ như mọi người, thì làm sao mà còn là giống người được nữa!

Tác giả Thiện Văn có bài bình luận với tiêu đề “Liêm sỉ” đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 5/2015 cũng nhận định: “…Đối với các bậc quân tử thời xưa, xấu hổ không phải là vì tiền bạc, áo xống thua kém người, mà vì đã không làm tròn bổn phận của mình với quốc dân, vì những điều xằng bậy, xấu xa mình đã làm, cho dù người khác không biết”.

Trong cuốn sách “Từ thụ yếu quy” bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan của tác giả Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) cũng viết: “Của cải đối với người ta cũng như dầu mỡ đối với đồ vật: đã dây bẩn thì không thể gột sạch.

Huống chi ta lấy một thì dưới lấy mười, ta lấy mười thì dưới lấy hàng nghìn. Ta được vừa miệng thì dân bị hút máu. Ta được bảnh bao thân hình thì dân bị lột da. Ta được đầy túi thì dân phải cầm nhà đợ ruộng. Ta có khoản đãi bạn bè thì vợ con dân chỉ còn húp cháo. Nghĩ như thế, há không giữ chữ thanh liêm hay sao?”.

Hy vọng rằng, những câu chuyện như bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch thành phố… khi về hưu không chịu trả lại nhà công vụ sẽ không còn tái diễn nữa, sẽ chỉ là những câu chuyện quá khứ, không phải để người đời và xã hội đàm tiếu, to nhỏ.

Hải Ninh