Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục

25/08/2018 07:57
Phạm Toàn
(GDVN) - Động lực để học sinh chăm học và thích học không do thi cử kích thích, mà được tạo ra bằng thay đổi cách học.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được 3 bài viết mới của Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục sau những bùng nhùng thi cử vừa qua.

Tòa soạn giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết đầu tiên của ông và trân trọng cảm ơn Nhà giáo Phạm Toàn. "Một cách học Văn khác" và "Hoàn thiện công việc tự học khi kết thúc lớp 12", chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu trong những ngày tới.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Mạc Văn Trang viết, “… cho rằng không thể bỏ thi Trung học phổ thông được, vì không thi học sinh không học ... đó là thứ lý luận giáo dục thấp kém, không nhìn thấy bản chất và mục đích của việc học, mà cố bấu víu vào việc THI để hù dọa, cưỡng chế, gây áp lực cho học sinh và cha mẹ chúng là phải học, cố học để THI có tấm bằng Trung học phổ thông. 98% đỗ, rồi để làm gì?”

Không nói quá lên chút nào, thực sự cả nước ta đang sôi sục sau một cuộc thi, mà nó chỉ thành to chuyện sau những vụ gian lận điểm đã lộ và chưa lộ.

Một cuộc thi, nhưng có thể coi như rất nhiều cuộc thi trong một cuộc thi, vì tất cả đều chỉ có chung một tư duy có học có thi.

Đáng buồn là, những cuộc rút kinh nghiệm chân thành và tốn kém cũng chỉ dừng lại và tự bó tròn quanh chủ đề: có học có thi, và thi hai trong một, hay một cho hai…!

Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.
Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.

Nhưng trong cái buồn có cái …cơ hội nhìn nhận toàn bộ cách thức tiến hành công cuộc Giáo dục của cả nước, nhân một chi tiết là việc thi.

Trong bài này tác giả sẽ nói chuyện bỏ thi và một nền Giáo dục không cần thi.

Có học có thi

Trên trang Facebook của mình, phó giáo sư Mạc Văn Trang viết phản đối mạnh mẽ cách tư duy này:

Ở đây muốn trao đổi về lý lẽ của mấy đại biểu cho rằng KHÔNG THỂ BỎ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐƯỢC, VÌ KHÔNG THI HỌC SINH KHÔNG HỌC...

Tôi xin nói thẳng rằng, đó là thứ lý luận giáo dục thấp kém, không nhìn thấy bản chất và mục đích của việc học, mà cố bấu víu vào việc THI để hù dọa, cưỡng chế, gây áp lực cho học sinh và cha mẹ chúng là phải học, cố học để THI có tấm bằng Trung học phổ thông. 98% đỗ, rồi để làm gì?” [1]

Thí sinh đang làm bài thi. Ảnh minh họa: TTXVN
Thí sinh đang làm bài thi. Ảnh minh họa: TTXVN

Vì là trang Facebook nên ông Mạc Văn Trang chỉ có cơ hội giải thích rất ngắn những sai lầm của cách tư duy “có học có thi”.

Vốn là thành viên kỳ cựu của Viên Nghiên cứu Khoa học Giáo dục, nên ông Mạc Văn Trang biết rõ chuyện diễn ra khi Viện này từ những năm 1980 tức là từ khi thế hệ các giáo sư lãnh đạo Viện còn sống, đã nghiên cứu khái niệm đánh giá thay cho thi cử.

Tiếc thay, các khái niệm này đã không được chú ý nối tiếp trong công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tư tưởng này cũng không thấy tiếp tục xuất hiện trong các cuộc thảo luận!

Một bài báo trên trang Vietnamnet [2] có thể khiến nhiều người tiếc nuối việc bỏ thi. Bài báo viết về những đề thi Triết học bậc Tú tài quá hay quá đẹp ở Pháp.

Đọc những đề thi lặp lại mà không bao giờ cũ qua cả trăm năm, ai cũng thích thú, và ngơ ngác tưởng tượng tại sao học sinh Pháp cuối bậc Phổ thông Trung học lại đọc lắm sách thế và có thể tiếp nối tinh thần Tự do, Khai sáng của dân tộc họ đến thế!

Đây là một số đề thi Triết học kỳ thi quốc gia năm 2017 trong bài báo đã dẫn trên.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 3

Giáo dục cần thoát khỏi lối định nghĩa áp đặt

Ban Khoa học:

Đề 1. Bảo vệ quyền của mình có đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của mình?

Đề 2. Người ta có thể thoát khỏi văn hoá của mình không?

Đề 3. Giải thích đoạn văn sau của Foucault, trong tác phẩm “Những điều đã nói và viết” (1978) [ … ]

Ban Văn

Đề 1. Có phải chỉ quan sát là đủ để biết?

Đề 2. Có phải tất cả những điều tôi có quyền làm đều là đúng?

Đề 3. Giải thích một đoạn văn của Rousseau trong Diễn văn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người với người, 1755 [ … ]

Ban Kinh tế - Xã hội:

Đề 1. Lý trí có thể trả lời mọi chuyện hay không?

Đề 2. Một tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết là đẹp hay không?

Đề 3. Giải thích một đoạn văn của Hobbes trong tác phẩm Léviathan (1651). [ … ]

Ấy thế nhưng rồi chính một người Pháp nhà tâm lý học Henri Piéron từ những năm 1950 đã khai sinh ra khái niệm đánh giá thay cho thi cử.

Ông Piéron dùng cứ liệu bài thi đã chấm rồi, được chấm lại nhiều lần bởi chính người đã chấm nó...

Kết quả từ các lượt chấm cho những điểm rơi có phân bố hình chuông (phân bố Gauss), điểm thấp nhất là 4, điểm cao nhất là 18, trên thang điểm 20.

Ông Piéron viết cuốn sách tên là “Thi cử và khoa học đánh giá” (Examen et docimologie). Chữ docimologie không có trong tiếng Pháp, là chữ do ông lấy ra từ tiếng Hy Lạp dokimos có nghĩa “đánh giá”. Và Henri Piéron đề ra khái niệm đánh giá thay cho thi cử.

Có học có kết quả

Chống lại tư duy có học có thi là tư duy có học thì phải học có kết quả và chính người học tự đánh giá được kết quả đó.

Bỏ thi chỉ có nghĩa là bỏ một cung cách kiểm tra, đánh giá. Và việc thay đổi cách đánh giá đòi hỏi thay đổi việc tổ chức cách học của người học.

Có một cách học khác đã được đề xuất bởi nhóm Cánh Buồm ra đời năm 2009 (canhbuom.edu.vn).

Nhóm này không chỉ rao giảng tư tưởng giáo dục của nó, mà thể hiện tư tưởng đó thành hệ thống giải pháp nghiệp vụ sư phạm, tức là hệ thống việc làm của người dạy và người học, để có học có kết quả.

Nhóm đã xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa gửi xã hội.

Giới thiệu đầu sách các loại của nhóm Cánh Buồm
Giới thiệu đầu sách các loại của nhóm Cánh Buồm
Sách miễn phí trên trang Canhbuom.edu.vn mục Sách mở để bà con dùng thử và góp ý
Sách miễn phí trên trang Canhbuom.edu.vn mục Sách mở để bà con dùng thử và góp ý

Một cách học khác mang tên Cánh Buồm nêu ra trước xã hội những nét đặc trưng gì đáng chú ý?

1. Toàn cảnh Giáo dục

Nhìn vào một toàn cảnh hoạt động Giáo dục, ta thấy nhiều thành tố tham gia. Đem phân tích, sẽ thấy có ba thành tố: A. Nhà sư phạm; B. Người học; và C. Yếu tố tác động.

Yếu tố A và B hấu như không thay đổi nhiệm vụ trong lịch sử, nhưng yếu tố C thì có. Phần quan trọng nhất của yếu tố C trong toàn cảnh sự nghiệp Giáo dục là quản trị xã hội.

Một cơ quan quản trị xã hội có thể ngăn cản hoặc khích lệ hoạt động của nhóm yếu tố A và B.

Một thí dụ: quyết định chính thức dùng chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20 khiến nhà trường phát triển khác hẳn suốt hai thế kỷ trước đó khi chữ quốc ngữ bị “nằm ngủ”. 

Yếu tố A và B trong toàn cảnh hoạt động Giáo dục có tính độc lập tương đối trước yếu tố tác động C.

Chẳng hạn, ngay khi chữ quốc ngữ còn bị dè bỉu thì vẫn có những người bướng bỉnh làm chủ được công cụ đó: từ điển “quấc âm” đồ sộ của Huỳnh Tịnh Của là một ví dụ.

Ngày nay, ta có quyền thấy mình hạnh phúc ngay cả khi cụ Huỳnh Tịnh Của còn viết sai chính tả!

Ở phương Tây, Jean Piaget đã kịp nhận thấy sự lạc hậu của cái lệnh cấp Nhà nước về bậc tiểu học cưỡng bức.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 6

Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại!

Những nghiên cứu của Piaget về thao tác học trí khôn thao tác cùng những cách đo nghiệm đánh giá người học mang tên Binet-Simon là những bổ khuyết để yếu tố A và B cùng vượt ra khỏi những ràng buộc của Yếu tố C.

Trong cuộc sống thực, nhóm A và B thường có phản ứng khôn ngoan trước yếu tố C: hệ thống trường tư thục cưỡng lại hệ thống công lập – và hệ thống homeschooling cũng không phải là sáng kiến kém giá trị!

2. Phương thức nhà trường

Tương tự như vậy, nhóm A và B thời nay sẽ có đủ trí và tâm để nhận thấy việc cải cách một nền Giáo dục không thể thực hiện chỉ nhờ vài ba dự án.

Nhóm Cánh Buồm nhìn nhận sứ mệnh của sự nghiệp Giáo dục cần phải được định nghĩa lại như là công việc tổ chức sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên cả dân tộc [3].

Đó là một tiến trình dài cả trăm năm hoặc nhiều trăm năm. Vì thế, vai trò nhà sư phạm ở yếu tố A quan trọng hơn yếu tố tác động C.

Nó xác định con đường lâu dài của nền Giáo dục, trong khi yếu tố C – trong trường hợp tốt nhất – sẽ là những kế hoạch ngắn hạn giúp thêm điều kiện thành công cho A và B.

Sự trưởng thành của người học diễn ra trong tiến trình học theo phương thức nhà trường. Phương thức này thể hiện ở chương trình học, sách giáo khoa và các hoạt động tổ chức việc học.

Chúng tôi đề nghị xác định lại từng khái niệm theo một viễn kiến dài hơi chứ không theo “mục tiêu” của những đề án có tầm nhìn hạn hẹp.

2.1. Chương trình học

Một chương trình học không thể chỉ là sự xếp đặt “cơ giới” mấy môn học với những tiết học.

Một chương trình học là một lý tưởng đào tạo. Một lý tưởng đào tạo không thể viển vông muốn đặt sao mặc lòng, rồi được che chắn bằng những lời lẽ nhân danh “khoa học”, hoặc nhân danh “học tập cái hay cái đẹp” của thế giới tiến bộ.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 7

"Hihi… không khóc nữa!"

Một lý tưởng đào tạo như ở nước ta lúc này phải nhằm hiện đại hóa dân tộc đồng thời phải trong tầm tay thực thi của người dạy và người học, thành tố A và B của toàn cảnh Giáo dục.

Ở hoàn cảnh may mắn nhất, lý tưởng đào tạo phải thể hiện thành những cách học để ngay từ lớp 1 và suốt bậc tiểu học, giúp bậc học này thành bậc học phương pháp học.

Sau bậc tiểu học, học sinh sẽ hoàn thành bậc Phổ thông cơ sở với việc dùng phương pháp học đã được trang bị để tìm đến kiến thức.

Những kiến thức phổ thông này sẽ được học sinh tự tìm đến theo cách định tính nhiều hơn định lượng để tự trang bị cho mình một tư duy đủ sống trong thời hiện đại.

Hết lớp 9 được coi như đã hoàn thiện bậc học phổ thông. Sau đó, có ít nhất ba đường đi tiếp, theo trình độ và theo sở thích: lao động để kiếm sống, học nghề bậc sơ-trung và chuẩn bị học nghề bậc cao (đại học).

2.2. Sách giáo khoa

Để thực thi chương trình học này, nhà sư phạm phải thiết kế được việc học theo một quy trình tiếp nối nhau, mà giáo sư Hồ Ngọc Đại gọi tên là “Công nghệ giáo dục”.

Theo cách học này, người học làm được việc 1 thì sang được việc 2 và tiếp tục đến việc kết thúc.

Đó là việc học được đánh giá ngay trong từng bước của cả chuỗi công việc học.

Việc học theo việc làm trong cả chuỗi việc làm (quy trình) đòi hỏi nhà sư phạm tìm ra cách học của người học đi theo nguyên tắc được giáo sư Hồ Ngọc Đại nhắc đi nhắc lại nhiều lần [4].

Đó là (a) không trao vào tay người học những sản phẩm có sẵn, (b) người học làm lại những thao tác làm ra sản phẩm của người đi trước (nhà khoa học, người nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội …).[5] 

Xin lấy một thí dụ để minh họa: những việc làm để học môn Văn. Xưa nay, việc học Văn dựa trên những giảng giải hấp dẫn các tác phẩm – đó là những sản phẩm có sẵn.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 8

Tìm đầu mối để tháo gỡ cuộn chỉ rối

Ở sách Cánh Buồm, sách giáo khoa soạn sẵn những việc làm để người học làm lại những thao tác đã từng thực hiện ở nhà văn: lòng đồng cảm (học ngay từ lớp 1 qua các trò chơi đóng vai), tưởng tượng (học từ lớp 2 và kéo dài mãi về sau), liên tưởng (học từ lớp 3), bố cục (học ở lớp 4) và các kiểu loại nghệ thuật (học ở lớp 5) ứng dụng mọi thao tác nghệ thuật.

Việc tạo cho học sinh năng lực tự đánh giá không chỉ dễ dàng thực hiện ở những môn Toán và khoa học tự nhiên.

Các môn học xã hội và nhân văn khác cũng đều có thể thực hiện công việc tự đánh giá.

Việc tự đánh giá được thực hiện theo từng tiết học với ba việc làm:

(a) Ôn cái đã biết, nêu bài toán mới, (b) giáo viên cùng học sinh giải bài toán mới, (c) người học tự sơ kết và tự ghi vở.

Ở lớp 1 khi chưa biết viết thì có thể tự vẽ điều mình đã học vào vở.

Trong năm học và cuối năm học, tự học sinh tổ chức Hội thảo hoặc liên hoan, hoặc triển lãm, ra sách… báo cáo những điều mình đã học.

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 9, có bài tổng kết, hướng dẫn cho người học tự tổng kết việc học của mình để tự viết báo cáo theo mấy đề tài như sau:

Đề tài 1 – Bạn học được cách tư duy như thế nào để có một vốn từ ngữ tích cực tiếng Việt? Khái niệm vốn từ ngữ tích cực nghĩa là gì?

Bạn đã có được vốn từ ngữ tích cực đó nhờ cách học như thế nào?

Khi học Ngữ âm tiếng Việt từ Lớp 1 các bạn được khuyến khích làm “Từ điển chính tả theo nghĩa”, việc làm nhỏ đó có ảnh hưởng gì tới bạn khi học từ Hán Việt?

Vốn từ ngữ tích cực giúp bạn biểu đạt ngôn ngữ như thế nào?

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 9

Giáo dục công lập - Công nghệ Giáo dục và nhóm Cánh Buồm

Đề tài 2 – Bạn hiểu như thế nào về năng lực ngôn ngữ (tiếng Việt) của một người trưởng thành?

Năng lực đó đã giúp bạn học Văn và cả trong việc học Toán cùng các môn khoa học khác như thế nào? Giúp về cách tư duy hay giúp về vật liệu ngôn ngữ?

Tuy chỉ học ngôn ngữ nhưng phương pháp học tiếng Việt có giúp thay đổi phương pháp học các môn học khác không?

Đề tài 3 – Bạn tự nhận thấy bản thân mình trưởng thành như thế nào? Trưởng thành về phương diện nào?

Trưởng thành về mặt nào khiến bạn thấy vui vẻ, hãnh diện, tự tin? Tại sao lại như vậy?

Bạn có nhận xét gì về những người lớn tuổi hơn bạn nhưng vẫn chưa thể hiện sự trưởng thành qua cách thể hiện về ngôn ngữ và về tư duy?

Tình trạng đó có lỗi do đâu? Do nhà trường? Do bản thân con người? Do xã hội? Theo ý bạn, có thể cải tạo được tình trạng đó không?

Đề tài 4 – Bạn nghĩ gì về nghề nghiệp tương lai của bạn với căn cứ là sự trưởng thành về tư duy của mình? Bạn sẽ chọn nghề gì và vì lý do gì?

Để theo nghề mà bạn chọn, bạn dự định sẽ học những gì và học như thế nào? Bạn nhận xét gì về tình trạng những người học nhiều mà vẫn không có nghề gì để làm mà sống?

Đề tài 5 – Bạn hãy chọn một số bài báo xuất bản chỉ trong một ngày và nhận xét những gì là đúng hoặc sai về biểu đạt ngôn ngữ và về tư duy khi biểu đạt về một vấn đề nào đó.

Bạn hãy nhận xét khen hoặc chê nhà báo dựa trên những số liệu có được. Bạn hãy cho biết ngôn ngữ biểu đạt trên báo chí có tham gia vào việc làm cho xã hội tốt đẹp lên không?

Đề tài 6 – Bạn nhận xét gì về cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học hoặc nghệ thuật được đăng trên báo chí. Hãy nêu ý kiến của bạn về trình độ biểu đạt và nêu ý kiến giải quyết.

Đề tài 7 – Bạn nhận xét gì về cách học tiếng Việt và Văn của những người thân hoặc người quen biết. Cách học đó có khiến cho tiếng Việt được ca ngợi như Lưu Quang Vũ từng viết:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về 
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre. 

[ … ]

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi 
tiếng Việt xót xa tình...[6]

2.3 Triển khai dùng sách

Khi đã có một phương án hiện đại hóa nền Giáo dục, tất phải nghĩ đến việc mở rộng nó, để chữa những chỗ còn sai, bổ sung những điều còn thiếu, và điều quan trọng là để có thêm nhiều bạn đồng hành.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục  ảnh 10Tổ chức việc học - Đích cần đến của đổi mới giáo dục

Nhóm Cánh Buồm huấn luyện những giáo viên (cũ và mới) cách dùng các sách giáo khoa mới của mình. Kết quả huấn luyện xếp theo ba loại:

(a) Loại “mộc”, biết cách dùng đúng phương pháp tổ chức việc học mới, không giảng giải, mà tổ chức cho người học thực hiện các việc làm, các thao tác để biết cách học; giáo viên loại này qua thực thi nghề sư phạm của mình để dần dần tiến lên loại b dưới đây;

(b) Loại giỏi, sau vài năm dạy học theo phương hướng mới, giáo viên sẽ giúp nhau quen dần với nếp dạy học mới, từ bỏ lối giảng giải áp đặt từ bao đời, họ sẽ được bồi dưỡng thêm để hiểu cơ sở tâm lý học đã dẫn đến những thay đổi như nhóm Cánh Buồm tiến hành;

(c) Loại xuất sắc, những nhà sư phạm có tài năng, sẽ tham gia nâng cao nền Giáo dục trong nhiều lĩnh vực.

Tiến trình huấn luyện giáo viên mới và huấn luyện lại giáo viên cũ đã được nhóm Cánh Buồm thực hiện đến hơn một trăm giáo viên trong mấy năm qua – những người đã vào dạy học có kết quả ở vài trường tư thục tại Hà Nội, Hải Phòng, Hội An và thành phố Hồ Chí Minh.

Có một số ít giáo viên trường công lập cũng đã được huấn luyện để tự nâng cao tay nghề theo cách riêng.

Có một số ít phụ huynh cũng tham gia học nghề sư phạm mới để tự tổ chức việc học của con em mình.

Điều thú vị và tạo cảm hứng cho nhà giáo, ấy là ngay giáo viên loại “mộc” cũng được chứng kiến kết quả học tập của nguời học mà không cần đến “đòn bẩy” thi cử.

Người học vẫn đàng hoàng vượt qua những cuộc kiểm tra định kỳ hoặc bất chợt từ trên Phòng Giáo dục đưa xuống. 

Kết luận gì?

Những trải nghiệm chín năm hoạt động của nhóm Cánh Buồm giúp chính chúng tôi tự kiểm tra-đánh giá, và đến một vài nhận thức sau:

(a) Động lực để học sinh chăm học và thích học không do thi cử kích thích, mà được tạo ra bằng thay đổi cách học.

Có thể tạo ra một cách học khác để cuối bậc Giáo dục phổ thông người học sẽ biết cách tự học và thích tự học.

Nhà trường phổ thông chỉ cần tạo ra một năng lực tự học cho học sinh thì sẽ có các năng lực khác kéo theo.

(b) Chuyển từ lấy thày giáo làm trung tâm sang lấy học sinh làm trung tâm đòi hỏi nghiên cứu cách học.

Cách học của con người sẽ thay đổi trong phát triển bền vững theo tiến hóa của con người.

Cách học của con người là “đối tượng phục vụ” cao hơn và bất biến so với những “cơ sở khoa học” khả biến khác.

(c) Phương án Cánh Buồm có thể giúp cho công cuộc Giáo dục phổ thông có chất lượng hơn, tiết kiệm hơn cả tiền bạc và năng lượng, và giáo viên dễ thực thi hơn.

Học hết lớp 9 coi như xong phần “phổ thông” cần thiết nhất. Sau đó các trường Đại học sẽ triển khai tiến trình chuẩn bị học nghề cho chính mình. Họ sẽ tổ chức thi với yêu cầu khe khắt nhất có thể. 

Vấn đề lúc này là có cơ chế để các phương án nghiên cứu được tự do đóng góp cho dân tộc bằng cách cùng có địa vị xã hội bình đẳng, dân chủ.

Tài liệu tham khảo:

(1)   Một thứ lý luận giáo dục thấp kém – coi FB Mạc Văn Trang ngày 22 tháng 7-2018 https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/1016398828528730

(2) Trích Vietnamnet ngày 17 tháng 6 năm 2017

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/triet-hoc-trong-giao-duc-phap-qua-ky-thi-tu-tai-nam-nay-378778.html

(3) Phạm Toàn, Định nghĩa lại khái niệm Giáo dục, Giaoduc.net http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dinh-nghia-lai-khai-niem-giao-duc-post173658.gd

(4) Xem Hồ Ngọc Đại, Tâm lý học dạy học, Bài học là gì, Công nghệ giáo dục … nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, từ những năm 1980..

(5) Xin tham khảo sách Cánh Buồm Tiếng Việt (từ lớp 1 dến lớp 9), Văn (từ lớp 1 dến lớp 9), Lối sống (từ lớp 1 đến lớp 5), Khoa học (từ lớp 1 đến lớp 5), Tiếng Anh (từ lớp 1 dến lớp 3) và tập kỷ yếu Hội thảo năm 2011 Tự học - Tự giáo dục, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, năm 2011, và có trong mục Sách mở trang Canhbuom.edu.vn của nhóm Cánh Buồm.

(6) Tiếng Việt lớp 9 của nhóm Cánh Buồm, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, Có trong mục Sách mở, trang Canhbuom.edu.vn. Xin mời đọc cả bài học cuối năm lớp 9 cả hai môn Tiếng Việt và Văn để thấy những gợi ý liên quan đến việc bỏ thi của nhóm Cánh Buồm.

Phạm Toàn