Nhà giáo, phụ huynh 'bẻ' thông tư 17 về dạy thêm học thêm

23/01/2013 12:42
Theo Dân Trí
Cho rằng Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm học thêm mong muốn hạn chế tiêu cực trong dạy thêm học thêm, thế nhưng nhiều nhà giáo và cả phụ huynh ở TPHCM đánh giá, Bộ đang thực hiện theo kiểu múc nước… bằng rổ.

Những ý kiến này được đề cập tại tọa đàm chuyên đề về “Dạy thêm - học thêm” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 22/1.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM: “Đừng biến GV thành “lính đánh thuê”

Với bậc tiểu học, phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm phần lớn đều mong muốn trẻ được học với GV trực tiếp giảng dạy vì GV mới nắm rõ học sinh (HS) yếu ở phần nào để bổ sung, nâng cao phần đó. Vậy sao không để các cô được đàng hoàng dạy HS của mình, cấm rất vô lý. Thông tư nói rằng giáo viên (GV) có thể dạy thêm bên ngoài nhà trường và không được dạy đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khác nào chúng ta đẩy họ ra các trung tâm, biến GV thành “lính đánh thuê”. Họ bị cắt giảm nguồn thu, thay vì được 300 nghìn, chỉ được 200 nghìn đồng.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM
Bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM. 

Xuất phát từ nhu cầu PH, trường chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động sau giờ học như các CLB tự học, các hoạt động ngoại khóa GV có thể hướng dẫn các em ôn bài hoặc vui chơi. Trường cũng không cấm GV dạy thêm vì với đồng lương hiện nay và cả nhu cầu từ phụ huynh thì không thể cấm. Nhưng khi có đơn thu phản ánh GV đó có hành vi tiêu cực thì GV đó không chỉ không được dạy thêm nữa mà tôi sẽ mời ra khỏi trường.

Nên để GV được dạy thêm một cách chính đáng và giao việc chủ động quản lý DTHT cho nhà trường.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: “Bộ đang quản lý theo kiểu múc nước bằng rổ”

Nguyên nhân dạy thêm - học thêm (DTHT) nở rộ có rất nhiều nhưng đầu tiên và cơ bản nhất là chương trình học hiện nay rất nặng, các trường phổ thông không tăng tiết không thể xong chương trình nên cả thầy và trò cùng gồng lên để chạy. 

TS Hồ Thiệu Hùng. 
TS Hồ Thiệu Hùng. 

Hai vấn đề trong Thông tư 17 tôi cho là rất lạ là thông tư không áp dụng cho trường dân lập, các trường dân lập thích dạy bao nhiêu cũng được, thích tăng tiết thế nào cũng không sao. Điểm thứ 2 là giao cho địa phương quản lý cấp phép, thanh tra việc DTHT. Cơ quan phường xã không thể đủ nhân lực để làm việc này khi họ đã phải làm đủ việc từ kiểm tra hàng rong, bắt ma túy, bắt chó mèo chạy lang thang… giờ lại “bắt” dạy thêm xem GV có được phép không, dạy có đảm bảo nội dung không… Chuyên môn nào để họ làm được điều đó?

Mà nếu như phường xã làm được điều này một cách lý tưởng như những người đề ra Thông tư 17 đề cập thì e rằng lại nảy sinh tiêu cực trong việc chạy chọt như kiểu cấp phép xây nhà tràn lan như hiện nay. Cán bộ phường xã làm công việc đó mà đâu có nhận được khoản nào. GV cũng sẽ có những cách khác để đối phó như ra khỏi biên chế, có thể sống xông xênh bằng dạy thêm, hỗ trợ nhiều HS giỏi mà chẳng phải mang điều tiếng. Mất khi khả năng giữ GV, ngành giáo dục sẽ mất nguồn nhân lực. 

Có thể thấy thông tư 17 muốn múc nước ra khỏi cái hố tiêu cực từ DTHT nhưng đang múc nước bằng rổ.

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM: “Đưa ra nhiều biện pháp nhưng không có chế tài”

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc.

Việc DTHT hiện nay là một nhu cầu chính đáng của người học và cả người dạy, không thể nào cấm vì xuất phát từ nhu cầu học hành để thi cử của các em. Chúng ta đề ra nhiều biện pháp nhưng với GV gây “nhũng nhiễu” đối cho HS, nhà trường nhận được đơn thư phản ánh cũng chỉ gọi lên nhắc nhở chứ không có chế tài xử lý. Nếu có chế tài và can thiệp được, hiệu trưởng có thể đưa DTTH vào nề nếp, có hiệu quả hơn. 

Thông tư 17 không cấm việc DTHT mà muốn đề ra những biện pháp để làm sao cho việc DTHT hiệu quả và hạn chế những tiêu cực trong DTHT. Tuy nhiên, người thực hiện thông tư chưa thấy hết thực tế nên cần có sự góp ý để hoàn chỉnh và phù hợp hơn.

Bà Hồ Thị Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Q.1: “Người thực hiện thông tư lúng túng”

Thông tư 17 không cấm DTHT mà nhằm hướng dẫn và quản lý việc DTHT hiện nay. Nhưng do cách làm và cả cách truyền thông thời gian qua đã làm “lệch” đi nội dung đó. Người thực hiện thông tư đứng trước tâm thế lúng túng trong việc quản lý hoạt động DTHT.

Học sinh hiện nay rất yếu kỹ năng thực hành xã hội. 
Học sinh hiện nay rất yếu kỹ năng thực hành xã hội. 

Thời gian vừa qua, một số nơi thực hiện thông tư bắt GV dạy thêm, lập biên bản… làm nhà giáo tổn thương rất nhiều. Chúng ta đã dày công xây dựng hình ảnh nhà giáo, nhưng những hành động đó đang đánh đồng hình ảnh GV dạy thêm với tệ nạn, với tiêu cực, quả rất đau lòng.

Hiện nay nhu cầu cho con học thêm là có, chưa nói đến GV mà đội ngũ sinh viên đi gia sư cũng rất đông, ai quản lý họ? Phụ huynh đua nhau muốn con phải giỏi hơn nữa, hay có phụ huynh trong nhịp sống hiện đại không có thời gian quản lý con nhưng chẳng lẽ khóa cửa nhốt con trong nhà? Chúng ta phải nhìn lại công tác quản lý, đừng đua thành tích mà hãy tạo điều cho con em được học về kỹ năng sống, được thực hành xã hội nhiều hơn vì hiện các em rất yếu các kỹ năng thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - phụ huynh HS Trường THCS Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM:Bộ không thể nào đưa ra quy định cho phụ huynh”

Ngay tên thông tư “Ban hành về quy định dạy thêm, học thêm” tôi đã thấy rất vô lý. Tôi muốn con tôi học và cháu cũng có khả năng học tại sao Bộ lại ra quy định phụ huynh chỉ được cho học cái này, không được học cái kia. Bộ có thể quy định về việc dạy thêm trong ngành giáo dục với GV nhưng không thể cho phụ huynh. 

Quy định nói “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống” kỳ quá. Con tôi học yếu, con tôi muốn học giỏi để thi cử tôi mới nhờ cô giáo kèm cặp thêm cho cháu. Chứ còn bồi dưỡng về năng khiếu, rèn kỹ năng sống mấy ai lại đi gửi GV, các trung tâm đào tạo đúng chuyên môn có rất nhiều.

Đừng vì thấy rối ren mà đặt ra vấn đề phải cấm DTHT ở nhà trường vì phụ huynh mong muốn con mình học giỏi là nhu cầu chính đáng. Bộ phải nhìn thấy rối ren ở chỗ nào, chỗ nào sai, người nào sai thì xử lý ở đó đâu thể áp đặt như vậy.

Theo Dân Trí