Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn có thêm tác phẩm về biển đảo trong môn văn mới

24/03/2018 07:30
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ đưa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào chương trình địa lý là chưa đủ.

Theo dự thảo chương trình môn học mới, môn ngữ văn trung học phổ thông dự kiến chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Tại Toạ đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn diễn ra ngày 22/3, Phó giáo sư Phạm Xuân Thạch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên Hội đồng Lí luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhận định: 

Ngay sau khi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý tập trung vào việc lựa chọn các tác phẩm vào hệ thống ngữ liệu của chương trình phổ thông, đặc biệt là 6 tác phẩm bắt buộc của chương trình. 

Một trong những thay đổi quan trọng của chương trình giáo dục mới là chuyển từ định hướng kiến thức sang định hướng năng lực.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (đứng) đề nghị cần có thêm tác phẩm về Hoàng Sa - Trường Sa trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ảnh: Thùy Linh)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (đứng) đề nghị cần có thêm tác phẩm về Hoàng Sa - Trường Sa trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ảnh: Thùy Linh)

Từ đó, ông Thạch cũng đặt ra những vấn đề để các đại biểu tham dự toạ đàm cùng thảo luận: chương trình xây dựng theo hướng mở thì tính cụ thể của chương trình liệu có đủ để triển khai một cách thống nhất việc biên soạn sách giáo khoa một cách khả thi?

Tính mở của chương trình ngữ văn liệu có mâu thuẫn với tính thống nhất của giáo dục phổ thông? 

Kiến thức lịch sử văn học dân tộc chỉ được học tại lớp 9 và lớp 12 với hai dòng hết sức ngắn gọn có hợp lý? Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm đưa vào chương trình đã hợp lý?...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn có thêm tác phẩm về biển đảo trong môn văn mới ảnh 2Giáo sư Hà Minh Đức không đồng tình khi chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc ở môn Văn

Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà giáo Phạm Quang Long, trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

Dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, vừa kế thừa và phát huy được những yếu tố tích cực của chương trình hiện thời; tích hợp các nội dung liên môn một cách  hợp lý.

Ngoài ra, chương trình cũng nhấn mạnh đến việc phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh ở từng cấp học; phân hóa theo xu hướng và sở thích của học sinh qua việc bố trí các chuyên đề tự chọn.

Tuy nhiên, điểm không ổn nhất là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành ra những phần tách bạch nên làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn.

Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.

Về nội dung chương trình, ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình.

Sáu tác phẩm được chọn chỉ có riêng Truyện Kiều thuộc thể loại thơ Nôm, còn 5 tác phẩm còn lại là loại khác.

Theo nhà giáo Phạm Quang Long, về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Phần còn lại được chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì.

Về nguyên tắc, nhà giáo Phạm Quang Long cho rằng, cách lựa chọn nội dung “mở” này không phù hợp, thiếu nhất quán bởi tính pháp lệnh không rõ ràng, tính chuẩn mực của nội dung chương trình chưa xác định (chỉ bắt buộc 6 tác phẩm còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn) sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử.

Bởi chương trình hướng dẫn chỉ nêu yêu cầu đánh giá mục tiêu cần đạt mà không quan tâm đúng mức đến nội dung ngữ liệu, phương thức đạt tới mục tiêu là không hợp lý bởi độ mở như những người soạn thảo chương trình nêu ra ở đây tiềm ẩn nhân tố khó kiểm soát. Ý định của chương trình là tạo thêm biên độ cho sự sáng tạo nhưng đó là những ý tưởng mang tính logic hình thức hơn là những căn cứ thực tiễn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn có thêm tác phẩm về biển đảo trong môn văn mới ảnh 3Chương trình môn Ngữ văn mới nên giữ lại những hệ thống bài học khái quát

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) thì cho rằng, năng lực thẩm mỹ gắn với văn chương, nên việc lựa chọn văn bản nào để dạy là rất quan trọng.

“Hiện tác phẩm bắt buộc đang quá ít trong khi văn bản tự chọn lại quá nhiều. Do đó, giáo viên có thể chọn các tác phẩm “làng nhàng” mà bỏ qua các tác phẩm kinh điển, quan trọng.

Theo tôi, các tác phẩm càng lớn, càng dễ đi qua cổng trường để đến với học sinh. Vì vậy, cần tăng phần bắt buộc lên, không quá ít ỏi như hiện nay”, Giáo sư Thìn cho hay.

Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi vì sao lại thiếu những tác giả đặc sắc như Anh Đức, Nguyễn Thi...

"Cần có thêm những tác phẩm văn chương về Hoàng Sa - Trường Sa. Nếu chỉ đưa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào chương trình địa lý là chưa đủ.

Có rất nhiều tác phẩm văn chương viết về hai quần đảo này nên rất cần đưa vào sách giáo khoa. Nên đưa những tác phẩm này vào giảng dạy từ cấp tiểu học", nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị.

Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Giáo sư Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết: Lỗi của chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ sách giáo khoa nên mới sinh ra bộ sách giáo khoa cơ bản và sách giáo khoa nâng cao.

Việc xây dựng một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa dựa trên các nghị quyết của Đảng. Độ mở của chương trình đáp ứng việc biên soạn nhiều bộ sách và tăng tính tự chủ trong sách giáo khoa.

Bộ phận soạn thảo không thể bao quát hết tất cả các tác phẩm văn học mà chương trình chỉ đưa ra định hướng lớn còn việc lựa tác phẩm văn học tự chọn và tác giả để đưa vào giảng dạy trong nhà trường đã có những tiêu chí cụ thể.

Thùy Linh