Nhiều cơ sở bồi dưỡng văn hóa ở Sài Gòn vẫn ngang nhiên dạy thêm cấp tiểu học

02/07/2017 07:50
Phương Linh
(GDVN) - Cho tới nay, nhiều cơ sở bồi dưỡng văn hóa tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên dạy thêm cho học sinh cấp tiểu học, dù quy định cấm đã có từ lâu.

Nhằm giảm bớt áp lực học cho học sinh cấp tiểu học, năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 17, cấm dạy thêm học thêm cho học sinh cấp tiểu học, các trường đã học 2 buổi mỗi ngày.

Dù đã có văn bản chỉ đạo như vậy, nhưng cho đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn còn tồn tại tình trạng các cơ sở bồi dưỡng văn hóa lén lút dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Nhiều cơ sở vẫn dạy thêm cấp tiểu học 

Thời gian gần đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin từ người dân địa phương cung cấp cho biết, trên đường HT31, Nguyễn Thị Đặng (phường Hiệp Thành, quận 12) có rất nhiều cơ sở bán trú vệ tinh, mà hầu hết những nơi này đều tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Qua khảo sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào sáng ngày 30/6, do nằm ở một vị trí vô cùng đắc địa, đối diện với Trường tiểu học Nguyễn Trãi (đây là trường học 1 buổi), nên khu vực này có rất đông cơ sở bồi dưỡng văn hóa, có nhận học sinh bán trú (bán trú vệ tinh).

Học sinh tiểu học đi học thêm tại một cơ sở trên đường HT31, phường Hiệp Thành sáng 30/6 (ảnh: P.L)
Học sinh tiểu học đi học thêm tại một cơ sở trên đường HT31, phường Hiệp Thành sáng 30/6 (ảnh: P.L)

Trong vai là một phụ huynh cần gửi con học lớp 4, có luôn học bán trú, phóng viên đã thử vào cơ sở Ngọc Tâm để hỏi thông tin, thì được chị Tâm (xưng là chủ cơ sở) cho biết, nếu học 3 buổi/tuần (thứ 2,4,6 hay 3,5,7) thì học phí 400.000 đồng/tháng, còn học suốt từ thứ 2 đến thứ 6 thì học phí sẽ 600.000 đồng/tháng.

Học bán trú, nếu từ thứ 2 đến thứ 6 thì học phí sẽ là 1,2 triệu đồng, còn học thêm thứ 7 nữa thì cộng thêm 200.000 đồng nữa.

Bảng giá học phí của cơ sở Ngọc Tâm và Uy Vũ mà phóng viên có được (ảnh: P.L)
Bảng giá học phí của cơ sở Ngọc Tâm và Uy Vũ mà phóng viên có được (ảnh: P.L)

Chị Tâm cho biết, giáo viên dạy ở đây là giáo viên của 1 trường tại quận Gò Vấp, còn học sinh học ở đây trong hè sẽ được dạy trước chương trình chính khóa.

Cách cơ sở Ngọc Tâm không xa (cách khoảng 200m) là cơ sở bán trú Uy Vũ. Cơ sở này cũng có dạy thêm hè cho học sinh tiểu học, với học phí rẻ hơn một chút.

Ngoài 2 cơ sở nói trên, chỉ một đoạn đường ngắn HT31 và đường Nguyễn Thị Đặng còn có thêm ít nhất là 4 cơ sở khác.

Toàn bộ những cơ sở này đều có hoạt động giữ bán trú cho học sinh, luyện viết chữ đẹp và đặc biệt là đều có dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Như vậy, toàn bộ những cơ sở này không chỉ vi phạm vào quy định dạy thêm học thêm, mà còn thực hiện việc giữ học sinh bán trú không phép (cho tới nay, thành phố chưa cấp phép cho bất cứ cơ sở bán trú vệ tinh nào).

Việc hoạt động rầm rộ của những cơ sở trên các đoạn đường nói trên, sẽ khiến người dân đặt ra một vấn đề: Vai trò quản lý địa phương trong việc này như thế nào, mà lại để cho hoạt động tại đây diễn ra công khai đến như vậy?

Sẽ kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện vi phạm

Chiều ngày 30/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại văn phòng của mình, ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, nói rằng, thẩm quyền quản lý cơ sở trông giữ trẻ ngoài giờ học (bán trú vệ tinh) đã được thành phố giao về cho địa phương cấp phường xã, thị trấn.

Trong khi chưa có hướng dẫn cấp phép của loại hình này, mà nhu cầu gửi trẻ bán trú là có thật (trường học 2 buổi tại quận 12 còn rất thấp), nên thành phố yêu cầu các cơ sở cần đăng ký với địa phương, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn cho trẻ.

Bảng học phí học thêm tiểu học, bán trú của cơ sở Cát Tường trên đường Nguyễn Thị Đặng (ảnh: P.L)
Bảng học phí học thêm tiểu học, bán trú của cơ sở Cát Tường trên đường Nguyễn Thị Đặng (ảnh: P.L)

Cũng theo ông Khưu Mạnh Hùng, giáo viên dạy tại các cơ sở này hầu hết không phải là giáo viên tại các trường công lập trên địa bàn quận, nên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cũng không trực tiếp quản lý những cơ sở này, mà phải là địa phương.

Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cũng cho biết thêm, chỉ trong 2 tháng (4,5/2017), quận đã đi kiểm tra, phạt đến 9 cơ sở có tổ chức bán trú, với mức tiền phạt, có cơ sở cao nhất lên đến gần 39 triệu đồng.

Vào cuối giờ chiều ngày 30/6, bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành, quận 12 đã nói rằng, do đặc điểm của một phường đông dân, nên địa phương có cũng khá nhiều cơ sở bán trú, dạy thêm.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang thừa nhận, những cơ sở bán trú trên đường HT31, Nguyễn Thị Đặng đều có dạy thêm cho tiểu học, và đều hoạt động không phép.

Những cơ sở này chủ yếu chỉ hoạt động duy nhất bằng 1 giấy phép thành lập doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Tuy nhiên, do đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên cần phải có thêm giấy phép của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cấp, nhưng thực tế, do không đúng quy định nên cũng không cơ quan nào cấp phép cả.

Lãnh đạo phường cũng đã nắm được tình hình, thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, và cũng có báo cáo lên quận. Một số cơ sở cũng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, và họ đều chấp hành đóng phạt nghiêm chỉnh.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, trong thời gian ngắn sắp tới, phường Hiệp Thành sẽ thường xuyên đi kiểm tra những cơ sở này hơn nữa.

“Đầu tiên là nếu có sai sót sẽ nhắc nhở, sau là sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hay chuyển hồ sơ về quận để xử lý” – bà Nguyễn Thị Thùy Trang kết luận.

Phương Linh