Nhiều học sinh chỉ cần nhìn thấy đề thi môn ngữ văn là sợ học luôn!

03/06/2018 08:23
Trinh Phúc
(GDVN) - Cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến cho rằng: “Nhiều học sinh nhìn vào đề thi ngữ văn đã vội chùn bước và không muốn học nữa. Bởi, cái ngưỡng yêu cầu đề thi quá lớn”.

Ngày 14/5, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã kết hợp với Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc tổ chức buổi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Bên lề hội thảo lần này, phóng viên có trao đổi với cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến về thực trạng học và thi môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trước tình trạng, nhiều ý kiến cho rằng cách ra đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn hiện vẫn chưa tạo ra cảm hứng để học sinh thích học môn ngữ văn thậm chí càng khiến nhiều em sợ học hơn. 

Lý do được chỉ ra là cách ra đề học sinh giỏi môn ngữ văn hiện đang nặng về kiểm tra kiến thức chuyên sâu mà thiếu đi sự gợi mở sáng tạo của học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến cho rằng: “Nhiều học sinh nhìn vào đề thi ngữ văn đã vội chùn bước và không muốn học nữa. Bởi, cái ngưỡng yêu cầu đề thi quá lớn”. (Ảnh: Trinh Phúc)
Cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến cho rằng:  “Nhiều học sinh nhìn vào đề thi ngữ văn đã vội chùn bước và không muốn học nữa. Bởi, cái ngưỡng yêu cầu đề thi quá lớn”. (Ảnh: Trinh Phúc)

Trước những ý kiến trên, cô giáo Hoàng Yến – người có thâm niên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia chia sẻ rằng, đề thi học sinh giỏi quốc gia hiện được xây dựng nằm trong khuôn khổ được định sẵn về nội dung mà chưa thực sự có tính đột phá như mong muốn.

Theo cô giáo Hoàng Yến, khi tham khảo một số đề thi của Trung Quốc hoặc chủ đề bài luận của các du học sinh, ngay cả chủ đề viết thư quốc tế UPU thì đó là các kiểu chủ đề gợi mở, tạo ra sân chơi sáng tạo cho học sinh giỏi văn.

“Cách ra đề như vậy, học sinh có thể lựa chọn được những điều hay và tâm đắc của bản thân, phát huy được sự sáng tạo của các em trong quá trình viết bài thi mà không bị gò ép vào bất cứ một khuôn khổ nào hết.

Trong khi đề học sinh giỏi trước hết đảm bảo được kiến thức chuyên sâu. Vì vậy không được quá tự do như các chủ đề khác” – cô Hoàng Yến nhận định.

Nhiều học sinh chỉ cần nhìn thấy đề thi môn ngữ văn là sợ học luôn! ảnh 2Cô giáo bày tỏ ước mong thoát khỏi cách dạy Ngữ văn nhồi nhét chạy theo thi cử

Cũng theo cô Hoàng Yến: “Đề thi học sinh giỏi quốc gia không chỉ dừng lại ở kiểm tra kiến thức chuyên sâu mà còn phải thiết kế làm sao để các em học sinh thể hiện được sự sáng tạo của bản thân.

Đề thi phải tạo ra cảm hứng làm cho học sinh yêu văn hơn. Muốn được như vậy, cách ra đề phải thoát khỏi mục đích kiểm tra kiến thức hàn lâm.

Nhiều em nhìn vào đề học sinh giỏi đã chùn bước và không muốn học nữa. Bởi, cái ngưỡng quá lớn mà đề thi yêu cầu.

Tôi cho rằng cần giảm tính hàn lâm mà tăng chất văn, gợi mở, sáng tạo cho học sinh”.

Trước thắc mắc, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn đã bắt kịp xu hướng và yêu cầu học văn của học sinh phổ thông hiện nay thì cô Hoàng Yến nhận định là chưa.

Bởi, đề thi học sinh giỏi quốc gia vẫn thiên về đảm bảo kiến thức chuyên sâu.

Chia sẻ về cách ra một đề thi học sinh giỏi, cô Hoàng Yến cho biết: “Thực tế để ra một đề thi học sinh giỏi văn kiểm tra bình thường đã khó, còn đề học sinh giỏi càng khó hơn.

Đề thi phải làm sao khơi dậy được tố chất của học sinh giỏi mà không được quá chủ quan, phóng túng. Cái khó là khó dung hòa được hai mục tiêu đó”.

Liên quan đến đề thi ngữ văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, theo cô Hoàng Yến cách ra đề thi hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mục đích giảm tải chương trình văn hiện nay.

Cô Hoàng Yến so sánh, trong đề thi trung học phổ thông quốc gia 180 phút ngày xưa với đề thi trung học phổ thông 120 phút bây giờ thì đề thi ngày xưa rất nặng nề về mặt kiến thức.

Đặc biệt là kiến thức ghi nhớ, kiến thức học thuộc rất là nhiều. Với cách ra đề như vậy đã tạo ra áp lực rất lớn đối với học sinh.

Còn đề trung học phổ thông bây giờ đã có 50% nội dung đề thi tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.

Nhiều học sinh chỉ cần nhìn thấy đề thi môn ngữ văn là sợ học luôn! ảnh 3Trăn trở của cô giáo dạy Ngữ văn trong thời đại 4.0

“Tôi cho rằng, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội là hai phần rất hay.

Phần đọc hiểu, nghị luận xã hội thường lấy các ngữ liệu mang hơi thở, tính ứng dụng rất rõ trong thời đại.

Cách ra đề như vậy đã đem đến cho học sinh bài học về ứng xử trong đời sống đương đại”.

Tuy nhiên cô Hoàng Yến còn cho rằng, 50% nội dung đề thi vẫn liên quan đến ngữ liệu văn học.

Cách ra đề như vậy hiện vẫn nặng về  việc đòi hỏi các em học sinh ghi nhớ, học thuộc lòng. Vì thế cần phải thay đổi ở phần thi này.

“Một đề thi chỉ đả động đến một tác phẩm, một đoạn trích trong tác phẩm nhưng để hoàn thành bài thi buộc học sinh phải học toàn bộ chương trình lớp 12 và lớp 11.

Sang năm tới, phải học hết chương trình lớp 10, 11 và 12.

Việc học thuộc các tác phẩm văn học như vậy là quá nặng nề và cách thi như hiện nay thì mục tiêu giảm tải chương trình đã không thể đạt được”.

Cô giáo Hoàng Yến chia sẻ thêm: “Hiện cô đang dạy lớp 12. Năm ngoái ôn thi chỉ tập trung vào nội dung chương trình lớp 12 thì cô trò đã mướt mồ hôi.

Năm nay, phải ôn luyện thêm cả chương trình lớp 11 nên phải dạy lại các tác phẩm. Vì có nhiều tác phẩm học sinh quyên rồi”.

Với cách ra đề thi không chịu đổi mới như hiện nay, cô giáo Hoàng Yến bày tỏ băn khoăn: “Chương trình phổ thông mới chỉ bắt buộc học 3 đến 6 tác phẩm nhưng có nhiều tác phẩm tự đọc khác.

Nhưng nếu ra đề thi mà vẫn liên quan đến các tác phẩm này thì lại phải ôn luyện tiếp rất cực nhọc”.

Theo quan điểm của cô Hoàng Yến: "Học sinh không ứng dụng kiến thức của một tác phẩm cụ thể vào trong đời sống mà ứng dụng các kỹ năng học được từ học tác phẩm.

Học sinh có thể quyên đi kiến thức nhưng kỹ năng thì vẫn còn. Nhưng hiện nay, đề thi trung học phổ thông quốc gia vẫn nặng về kiểm tra kiến thức kiểu máy móc".

Trinh Phúc