Nhiều người Việt thiếu sáng tạo vì... sao chép nhiều quá

14/12/2013 08:12
Hoàng Lực
(GDVN) - “Mình phải nhìn thẳng việc thiếu sáng tạo do mình sao chép nhiều quá, sao chép từ mô hình quản lý, giáo viên sao chép giáo án, học sinh sao chép bài vở đến công chức sao chép… như vậy còn đâu là sáng tạo”, PGS.TS Phạm Quý Thọ chỉ rõ.
Theo chỉ số đổi mới/sáng tạo của Việt Nam được WIPO công bố, Việt Nam đứng thứ 76/141 quốc gia được khảo sát. Chỉ số đánh giá này được dựa trên 84 chỉ tiêu trong các lĩnh vực: Thể chế; Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; Kết cấu hạ tầng; Sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo… Bên cạnh đó, báo cáo tình hình khoa học thế giới do UNESCO thực hiện cho thấy, có 145 quốc gia được xếp hạng về kinh tế tri thức thì Việt Nam ở vị trí 106/145. Những con số tưởng chừng khô cứng đang một lần nữa cho thấy dường như Việt Nam đang tụt lùi so với thế giới cả về sự sáng tạo, đổi mới, cả trí tuệ lẫn kinh tế. Vậy phải chăng trí tuệ Việt Nam đang thụt lùi? Việt Nam có một đội ngũ tri thức không nhỏ nhưng tại sao sức sáng tạo của đất nước con Rồng cháu Tiên lại thấp như vây?

Phải chăng trí tuệ Việt đang thụt lùi? (ảnh TTXVN)
Phải chăng trí tuệ Việt đang thụt lùi? (ảnh TTXVN)

Nhìn vào kết quả đánh giá này, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công (Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng đây là một đánh giá tương đối khách quan, không phải làm xấu hình ảnh, đánh giá thấp năng lực hòa nhập và sở hữu trí tuệ của Viêt Nam nhưng là một khuyến cáo cho Việt Nam để làm sao cố gắng hòa nhập hơn nữa và nhiều hơn nữa trong đó có sở hữu trí tuệ.
PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định, đánh giá WIPO có nhiều tiêu chí khuyến cáo Việt Nam như chỉ số hàng giả, hàng nhái cao, đăng ký phát minh sáng chế ở trong nước đã ít nhưng có tính chất quốc tế lại rất hãn hữu. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… thì những phát minh, sáng chế của Việt Nam cực kỳ ít. Nhìn vào con số đánh giá của WIPO, nhiều người cho rằng trí tuệ Việt đang ngày càng thụt lùi so với khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Quý Thọ ý kiến trên là không chính xác. “Trước hết phải khẳng định trí tuệ Việt Nam không hề thụt lùi. Vì trí tuệ của người Việt Nam thể hiện rất nhiều khía cạnh không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh doanh. Còn cái đánh giá này chỉ là một phần thôi, nó được lược hóa thôi”, PGS.TS Phạm Quý Thọ khẳng định. “Ví dụ như chống chọi với bão lũ, với thiên nhiên thì trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam rất ghê gớm. Thứ hai nữa là chống giặc ngoại xâm bản lĩnh của người Việt cũng rất mạnh. Cho nên không thể đánh giá trí tuệ Việt thụt lùi. Nhưng qua đánh giá của WIPO mình phải nhìn nhận lại trong thực tế mình có điểm nào chưa tốt và chưa đầy đủ. Ví dụ như tính sáng tạo ngay trong phổ thông, trong giáo dục, tính độc lập trong học sinh phổ thông hiện nay còn thiếu”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu ví dụ.
PGS.TS Phạm Quý Thọ chuyên gia chính sách công (Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
PGS.TS Phạm Quý Thọ chuyên gia chính sách công (Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Nguyên nhân dẫn đến tính sáng tạo của người Việt ngày càng giảm theo PGS.TS Phạm Quý Thọ xuất phát từ chính giáo dục, ngay ở lứa tuổi phổ thông tính sáng tạo đã không được khuyến khích quan tâm nhiều. Ở vĩ mô, cơ chế chuyển từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng doanh nghiệp Việt vẫn rập khuôn. “Mình phải nhìn thẳng việc thiếu sáng tạo do mình sao chép nhiều quá, sao chép từ mô hình quản lý, giáo viên sao chép giáo án, học sinh sao chép bài vở đến công chức sao chép… như vậy còn đâu là sáng tạo”, PGS.TS Phạm Quý Thọ chỉ rõ.
Từ đánh giá của WIPO, Việt Nam phải nâng cao hơn tính sáng tạo ngay từ thế hệ trẻ, thêm vào đó cũng cần phải có cơ chế khuyến khích sáng tạo. “Chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi tại sao ông Hai lúa trong miền Nam có những phát minh sáng tạo như vậy, rõ ràng những người đó xuất phát từ thực tế đã đưa ra những sáng kiến sáng tạo, từ đó nhà nước phải tạo ra một cơ chế để cho những người có nhu cầu sáng tạo”.

Kể câu chuyện thực tế, cách đây vài năm PGS.TS Phạm Quý Thọ có giúp người bạn học là “Vua bẫy chuột” Nguyễn Văn Thiều đăng ký sở hữu trí tuệ bẫy chuột. Tuy nhiên phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, thậm chí qua một đơn vị cục yêu cầu phải có bản vẽ kỹ thuật. Một người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn” làm sao biết thực hiện bản vẽ kỹ thuật.

Đáng nhẽ những người thực hiện xác lập đăng ký, những người thực hiện thủ tục hành chính phải giúp những người có sáng chế, có sáng tạo. Không những thế, kinh phí nhà nước phải hỗ trợ những người này để từ đó Việt Nam với có những sáng chế gần với thực tế mang  giá trị kinh tế.

Chưa nói đến những sáng tạo của người dân, chính trong đội ngũ cán bộ nghiên cứu Việt Nam hiện nay rất đông đảo nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có những sáng tạo mang tầm vóc khu vực quốc tế. Theo thông kê cả nước có khoảng hơn 9.000 GS, PGS chưa kể đội ngũ TS, Thạc sĩ… con số này lớn hơn nhiều nước trong khu vực. Điều này cho thấy dường như những đóng góp của đội ngũ tri thức cao này vào việc đào tạo, nghiên cứu cho khoa học vẫn chưa tương xứng với học hàm học vị.

Ở góc nhìn của mình, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng có hai nguyên nhân khiến nguồn nhân lực trí tuệ này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thứ nhất ngược lại lịch sử giai đoạn chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang cơ chế thị trường chúng ta đã lãng phí một lượng lớn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản ở các nước khối XHCN trước đây như Đông Đức, Nga… nhiều người sau khi về nước phải ra ngoài làm những việc không đúng chuyên ngành.

Từ đó thấy rằng trước nay có một tư duy làm chính sách là khá đơn giản hóa, do vậy không biết quý nguồn nhân lực. “Giá trị chất xám, trí tuệ không được bảo tồn, thậm chí anh phải nuôi người ta bằng cái giá nào đó đến một lúc nào đó để sử dụng chứ không phải để tự do”, PGS.TS Thọ chỉ rõ.

Thứ hai việc có một đội ngũ đông những GS, PGS là do vấn đề đào tạo. Hiện nay đào tạo khoa học tự nhiên đang bị một khoảng trống, trong khi các ngành đào tạo khác liên tục mở ra chạy theo nhu cầu xã hội trước mắt vì dễ đào tạo.

Nêu ví dụ PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, sở dĩ hiện nay đào tạo khoa học xã hội, khoa học kinh tế nhiều vì chi phí ít, để đầu tư một phòng thí nghiệm thực hóa ở khoa học tự nhiên rất tốn kém các trường không muốn mở ra vì trường sẽ lỗ. Vì thế ở một số ngành, lĩnh vực đội ngũ GS, PGS rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả bằng các đề tài khoa học.

Tuy nhiên hiện nay trong số những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã ban đầu có những người kiệt xuất hòa nhập nhanh và làm rất tốt như Phạm Hữu Tiệp, Ngô Bảo Châu… “Khi kinh tế phân hóa người giàu người nghèo thì giáo dục cũng phân hóa sẽ có một số lên đỉnh cao nhưng sẽ có người tụt hậu và dần dần sẽ đào thải đi đó là tính quy luật. Như thời bao cấp thì cứ dàn hàng ngang mà tiến trừ một vài người kém kiểu dạng cá biệt nhưng xuất sắc trội hẳn lên thì rất ít. Còn bây giờ tạo thành hình quả trứng số đầu tiên rất giỏi nhưng số đó còn ít thôi vì nó mới giống như đầu nhọn cái bút chì. Đây coi như là những nhân tố đầu tàu mình làm để kéo cái đội ngũ chi thức của mình có học hàm học vị này lên trong thời gian tới”, PGS.TS Phạm quý Thọ nhận định.  
Hoàng Lực