Nhiều trung tâm lại có cơ hội móc túi giáo viên

30/03/2018 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Quy định giáo viên phổ thông phải có khả năng ngoại ngữ là một đòi hỏi quá cao không thật sự cần thiết và gây khó đối với những giáo viên ở thế hệ 6x, 7x.

LTS: Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Theo đó, giáo viên được yêu cầu phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn và giáo dục.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ quan điểm của mình về quy định này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, giáo viên phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Nhiều giáo viên lo lắng phải tốn một khoản tiền và tìm nơi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ.

Còn nhiều trung tâm lại vui mừng vì sắp thu được khoản tiền lớn khi liên kết đào tạo (hình thức bán chứng chỉ hợp pháp) cho hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước.

Nhiều giáo viên lo lắng phải tốn một khoản tiền và tìm nơi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại
Nhiều giáo viên lo lắng phải tốn một khoản tiền và tìm nơi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Đòi hỏi tất cả giáo viên phổ thông có khả năng ngoại ngữ có hợp lý không?

Là giáo viên và có hàng trăm đồng nghiệp thường xuyên tiếp xúc, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng việc quy định giáo viên phổ thông phải có khả năng ngoại ngữ (trừ giáo viên dạy trẻ vùng dân tộc thiểu số) là một đòi hỏi quá cao, không thật sự cần thiết và gây khó đối với những giáo viên ở thế hệ 6x, 7x.

Nếu dự thảo này được thông qua, sẽ xảy ra tình trạng giáo viên nháo nhào đi tìm cách học chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ.

Việc học và việc dạy ngoại ngữ cho giáo viên theo kiểu (hợp thức hóa) thì các trung tâm hiểu rõ hơn ai hết.

Vì học hợp thức hóa thì việc dạy cũng chỉ là hình thức dạy cho có mà thôi.

Và như thế, thầy cô cũng chẳng có tí kiến thức gì về ngoại ngữ mà phải trả cả một đống tiền vào đấy thật là uổng phí.

Thời gian qua, nhiều địa phương mới chỉ nghe phong thanh về việc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ để thi chuyển ngạch thì người ta đã ùn ùn kéo nhau đi học.

Nhiều trung tâm lại có cơ hội móc túi giáo viên ảnh 2Một giáo viên phổ thông phải có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí

Các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nhộn nhịp về các địa phương liên kết mở lớp.

Giá cả để có một chứng chỉ ngoại ngữ được đưa ra một cách vô tội vạ. Nơi chỉ cần 1 triệu đồng, nơi đòi 3 đến 4 triệu đồng.

Dù là giá bao nhiêu thì giáo viên cũng phải bấm bụng đăng kí theo học.

Chỉ sau hai đến ba tuần (kéo dài cho hợp lệ chứ thực chất chỉ gom vào vài buổi mang tên ôn tập là xong).

Thậm chí có nơi giáo viên ghi tên buổi sáng, nhận sấp tài liệu ôn (thực chất là đáp án đề thi) và buổi chiều tham gia thi là thầy cô đã sở hữu trong tay một chứng chỉ ngoại ngữ có chữ kí và đóng dấu đỏ hẳn hoi..

Những giấy chứng nhận này sẽ được kẹp vào hồ sơ và nằm vĩnh viễn trong đó.

Đồng lương giáo viên vốn teo tóp lại phải bỏ ra mua những thứ chẳng giúp ích gì cho mình hỏi thử ai không xót?

Nên quy định giáo viên phải có khả năng ngoại ngữ vào ngành từ thời điểm này

Có thể nói, ngoại ngữ luôn rất cần thiết đối với tất cả mọi người mà đặc biệt là giáo viên.

Thầy cô dạy các môn khác nhưng biết ngoại ngữ cũng sẽ giúp việc dạy hiệu quả hơn.

Đơn cử việc giáo viên sử dụng mạng internet để chọn tư liệu dạy nhưng phần lớn trong số đó lại được viết bằng tiếng Anh.

Nhiều trung tâm lại có cơ hội móc túi giáo viên ảnh 3Cấp chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần có tiền là đạt, thị trường ngầm bạc tỉ

Nếu thành thạo ngôn ngữ này thì giáo viên có thể dễ dàng truy cập đọc tài liệu hướng dẫn, tạp chí khoa học... để tiếp cận kho tri thức nhân loại.

Hoặc đơn giản giáo viên có thể hỗ trợ thêm cho học sinh khi cần.

Riêng với giáo viên dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số thì việc quy định giáo viên dạy ở những nơi này phải biết tiếng dân tộc của học sinh vùng ấy là khá hợp lý.

Cô Minh một giáo viên mẫu giáo dạy học sinh dân tộc Rai cho biết:

Khá nhiều em dân tộc nói tiếng Kinh chưa sõi. Vì thế, để trẻ hiểu được buộc giáo viên phải biết cả tiếng dân tộc để cùng lúc vừa nói bằng tiếng dân tộc, vừa nói bằng tiếng Kinh”.

Từ thực tế trên, việc ra quy định giáo viên phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là điều nên làm nhưng nên khoanh vùng lại cho hợp lý.

Ví như quy định giáo viên phải có khả năng ngoại ngữ vào ngành ngay từ thời điểm này. Và nên loại trừ cho tất cả các thầy cô giáo đã và đang giảng dạy ở các trường học hiện nay.

Phan Tuyết