“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

06/01/2016 07:01
Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu
(GDVN) - Lòng dân hy vọng Đại hội sáng suốt bầu đúng người, phân công đúng việc, làm tốt công việc được giao và biết sử dụng người tài để dân được lợi, nước được vinh.

LTS: Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu gửi tới quý độc giả bài bút ký qua đó khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Đảng trong sự phát triển đất nước. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Các bậc Đại nhân, Đại trí đã lưu vào thi thư để truyền giao cho hậu thế lời dạy bất hủ: “Ôn cố tri tân” -  Phải ôn lại những hiểu biết cũ, để có thêm những hiểu biết mới. 

Suy rộng ra có nghĩa là: Bài học lớn nhất của lịch sử là những bài học biết rút ra, hoặc không biết rút ra từ lịch sử. Những ai đã biết rút ra và những ai đã không biết rút ra từ những bài học lịch sử đó?

“Những buổi ngày xưa vọng nói về” ảnh 1
Hình ảnh của kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên tại nhà trưng bày trong tòa nhà Quốc hội  (Ảnh: tuoitre.vn)

Lý Công Uẩn - Vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý (1010-1028) khi vi hành đã giả trang là lữ khách đến một vùng quê chỉ cách kinh thành Thăng Long khoảng 30 dặm (mỗi dặm khoảng 700m) ở tại làng nhỏ này vua đã phát hiện ra ngôi nhà tù có cả già, có cả trẻ, có nam, có nữ, có cả người mù. 

Họ đều là những người vô tội. Chỉ vì họ không chịu nghe, không chịu làm theo những lời ép buộc oan trái của chức sắc trong làng nên bị giam cầm trong nhà tù của làng để tra tấn. Nhìn thấy cảnh đó vua rất thương cảm dân tình. 

Vua tự đấm vào ngực mình và thốt lên: “Ta làm vua với ai đây hỡi trời”?

Sau lần vi hành đó, vua cho phá hết các nhà tù ở địa phương và cho dựng lên ở mỗi làng một ngôi chùa để nhằm hai mục đích: Vừa để mọi người đến chùa mà tu tâm, dưỡng tính, bỏ điều ác, làm điều thiện vừa là nơi để các sư tăng dạy con em học hành nhằm mở mang dân trí.

Những năm kháng chiến chống Pháp, cây Đại bút đa tài Nguyễn Đình Thi đã nghe thấy:

“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
” (Đất Nước)

Nguyễn Đình Thi đã nghe thấy tiếng của những ai? Tiếng rì rầm trong đêm của người xưa đã nói những gì? 

Đó là tiếng của Trương Hống, Trương Hát là hai vị thần ở ngôi miếu bên bờ sông Như Nguyệt mà Lý tướng quân Thường Kiệt đã ghi lại đó là bài NAM QUỐC SƠN HÀ khẳng định chủ quyền vua Nam cai quản nước Nam. 

Đó còn là tiếng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đọc hịch Văn cứu nước trước ba quân khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai. 

“Những buổi ngày xưa vọng nói về” ảnh 2

70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Quốc hội trong lòng nhân dân

(GDVN) - Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đây nữa là tiếng của Nguyễn Trãi dâng kế sách bình Ngô cho Lê Lợi: “Nhân dân bốn cõi một nhà”. “Tướng sĩ một lòng phụ tử”. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân để thay cường bạo”, bắt tướng giặc phải “dâng tờ tạ tội”, phải “trói tay để tự xin hàng”. 

Và đây nữa là tiếng của Quang Trung Nguyễn Huệ tế Tổ tiên trời đất ở đàn Nam giao trước khi hành quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược. 

Đứng trên thềm cao của Đàn tế Nguyễn Huệ khai trí như thần, mở tâm như Thánh, khởi binh là thần tốc, bày trận của ta, phá trận của địch minh tâm kiến tính. Đã đánh là thắng và thắng oanh liệt, nhân văn.

Nguyễn Đình Thi còn nghe thấy nhiều người, nói nhiều điều khác nữa mà đêm đêm cứ vọng về. Điều cốt lõi là Nguyễn Đình Thi mách bảo ta lắng mà nghe, nhưng không phải ai cũng nghe được, thấy được âm vang của lời non nước.

Từ Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt rồi Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Đặc biệt là Bác Hồ kính yêu đều là những bậc thánh nhân, sống gần dân, sống giữa trần gian đã đọc thông tỏ được: Mật thư rừng Bắc, Mật sách biển Đông do CÀN KHÔN cài đặt nên kẻ thù dù ở phương bắc kéo sang, dù ở biển đông tràn vào hay từ trên trời đổ xuống, chúng tìm được lối vào nhưng không có lối ra. 

Tuy vào được cửa sinh nhưng lại phải chui ra cửa tử, cửa tù. Đây là bài học lớn nhất của lịch sử mà Tây phương đã rút ra được nhưng Bắc phương thì vẫn cứ mê mờ. 

Trước đây, Pháp hai lần xâm lược nước Nam, rồi lại Mỹ lúc đầu chỉ can dự vào thôi nhưng sau đó lại đổ quân vào xâm lược.

Khách quan mà nhận xét nguyên nhân của các cuộc xâm lược ấy là do Pháp và Mỹ chưa hiểu chính thể của nước Việt Nam, chưa hiểu bản sắc văn hoá và truyền thống chống xâm lược của Việt Nam. 

Sau 100 năm thì Pháp đã hiểu, sau 30 năm Mỹ càng hiểu Việt Nam.

Khi đã hiểu thì không còn là thù mà là bạn. 

Hơn thế nữa, bây giờ Pháp quốc, Mỹ quốc là bạn tốt của Việt Nam.

Xa mà vẫn thân gần kết nối giúp đỡ nhau, cổ vũ khích lệ nhau cùng phát triển, cùng hướng tới tương lai cao đẹp của mỗi quốc gia. 

Tây phương xa mà gần. Còn Bắc phương? Gần đấy, cận kề đấy mà sao vẫn cứ xa lạ đấy! 

Cách xa nửa vòng trái đất mà Tây phương chỉ cần 30 năm, lâu hơn là 100 năm đã hiểu Việt Nam và trở thành bạn tốt của nhau. 

Vậy mà hơn 2000 năm ở cận kề Việt Nam, Bắc phương vẫn không chịu rút ra bài học lịch sử, vẫn cứ hoang tưởng mê mờ, không tri túc. 

“Những buổi ngày xưa vọng nói về” ảnh 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền

(GDVN) - Dưới bom đạn của kẻ thù, toàn dân Việt Nam đã vượt lên muôn vàn khó khăn để đi bầu, biến ngày bầu cử trở thành ngày hội toàn dân.

Vì ham muốn không cùng, Khoa Phụ muốn khống chế mặt trời nên Khoa Phụ đã phải chết.

Vì muốn lấp biển, Tinh Vệ phải biến thành con chim quắp những viên sỏi đá nhỏ nhoi tổn hao sức lực mà chẳng nên công cán gì. Hơn ai hết Bắc phương hiểu rất rõ điều này? 

Nếu nhà cầm quyền ở quốc gia nào đó không biết nghe âm thanh của những người bạn tốt ở gần ở xa thì hãy lắng mà nghe âm thanh từ cõi vô thường để mà trút bỏ lòng tham những gì không phải là của mình. 

Có kẻ xa rời láng giềng mà lại nói là cận thân, xa rời hữu nghị mà lại bảo là hữu hảo, lấy thịt đè người mà lại nói đến đạo nhân, việc làm, tham lam độc đoán mà lại hứa là cùng nhau vun đắp.

Kẻ ấy là ai? Việt Nam luôn luôn lấy hoà làm quý, làm trọng nhưng Việt Nam cũng quyết dùng trí để trừ hung.

Trước thềm đại hội XII của Đảng chúng ta nghe âm vang “Những buổi ngày xưa vọng nói về” để càng thêm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Chúng ta tự hào về sông núi, biển trời của Việt Nam đã sinh ra những người con đại nhân, đại trí, đại dũng. Chúng ta càng tự hào hơn về Bác Hồ kính yêu đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Cách đây gần 1000 năm, Lý Đức Chính là vị vua thứ hai của triều Lý đã được thiền sư Vạn Hạnh tặng cho tên gọi là Phật Mã- Con ngựa chở đạo phật thì Bác Hồ của chúng ta là con tàu chở lòng dân. 

Nghĩ gì, làm gì Bác cũng vì dân, do dân Bác tự coi mình là công bộc của dân, Bác đã đem lại hạnh phúc cho dân. 

Chúng ta tự hào 85 năm qua quốc gia Việt Nam ta có Đảng cầm quyền. Đảng là đạo đức là văn minh. Vị thế của nước ta đang đứng trên thềm cao của cộng đồng quốc tế. 

Trước thềm Đại hội XII của Đảng đồng bào cả nước, từ quân đến dân, từ các ban ngành đoàn thể đến các tổ chức tôn giáo đều hướng về Hà Nội- Trái tim của Tổ quốc, thành phố của hòa bình. 

Đồng bào ta ở xa xứ, bạn tốt của quốc gia ta ở khắp năm châu cũng đều hướng về Hà Nội nơi diễn ra Đại Hội XII, hồi hộp chờ mong, tin yêu hi vọng. 

“Những buổi ngày xưa vọng nói về” ảnh 4

Quốc hội xứng đáng là nơi nhân dân trao gửi niềm tin

(GDVN) - Quốc hội hoạt động ngày càng thực chất, xứng đáng với vị trí và vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho nhân dân.

Trong ký ức của những người con xa xứ và bầu bạn ở muôn nơi, hồ Hoàn Kiếm đã trở thành hồ hoa, tháp bút là cây bút viết lên trời xanh chỉ lối xuân về, đường Thanh Niên ngạt ngào hương hoa. 

Đứng trước thềm Đại hội XII của Đảng, dù ở bất cứ đâu, tâm hồn ta vẫn ngập tràn màu xanh của rừng Tây Bắc- nơi chiến thắng Điện Biên- nơi lịch sử.

Ký ức về miền trung, âm vang điệu hò sông Mã, về làng Sen quê Bác thân thương có lời ca ví dặm nghiêng ngả đêm trăng. 

Cất giữ trong ký ức của chúng ta là miền đông gian lao mà anh dũng, Sài Gòn- hòn ngọc Viễn Đông, có cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. 

Một ký ức sâu đậm nhất, gian khổ nhất nhưng cũng tự hào nhất là những bàn chân, nối tiếp những bàn chân của hai thế hệ cha và con, thầy và trò, có cả chồng và vợ cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dạy tương lai”. 

Những ký ức về vùng miền, về thời gian, về con người, về những kỳ công, kỳ tích ấy là do Đảng lãnh đạo để có được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII như vầng hào quang toả chiếu bốn phương. 

Lòng dân hy vọng Đại hội sáng suốt bầu đúng người, phân công đúng việc, làm tốt công việc được giao và biết sử dụng người tài để dân được lợi, nước được vinh. 

Thời gian đủ dài để mỗi chúng ta cảm hiểu “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu