Những “chiêu độc” chỉ có ở sinh viên

16/05/2012 14:50
Bùi Thủy , Báo in k29a2
(GDVN) - Ngủ ngày "cày" đêm; học "tẹt ga", chơi "xả láng"; cà phê đêm... là những thói quen khó bỏ của nhiều sinh viên.
Khi đã qua tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” thì giới sinh viên vẫn mang cho mình một phong cách riêng biệt. Để đến khi có ai thắc mắc về những hành động “kì quặc” của mình thì họ sẽ hồn nhiên đáp: “Vì mình là sinh viên mà”.
Điểm qua những hoạt động “bất thường” của giới sinh viên có thể gọi là “không xuể”. Những hành động này xuất phát từ tuổi trẻ năng động, “máu chiến” và cũng là khoảng thời gian mà giới trẻ đang rất muốn khẳng định mình. Nhiều lúc những hành động này đã gây ra cho “chủ nhân” của nó những tác hại không nhỏ.

Ngủ ngày cày đêm

Đây có thể xem là “đặc trưng” trong thời gian hoạt động của sinh viên. Mỗi ngày họ thường thức đêm đến tận 3, 4 giờ sáng và bình minh bắt đầu từ 9 đến 10 giờ ngày hôm sau là “chuyện thường”. Một số sinh viên nghiện game còn có thể chơi thâu đêm suốt sáng và thức dậy lúc 3 giờ chiều nếu như không có ai làm phiền. 
Hà Vinh (ĐH Ngoại thương) đã có thời kì “chiến đêm” tới tận 3 giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, Vinh thường ngồi máy tính từ 8, 9 giờ tối tới tận gần sáng vừa để làm bài tập vừa để tán gẫu với bạn bè. Còn buổi sáng sẽ bắt đầu thức giấc lúc 10 giờ. Lí giải về việc thức đêm của mình, Vinh chia sẻ: “Mình thích thức đêm vì khi ấy mới có người để nói chuyện qua mạng, chứ sáng ra cũng không còn ai online với mình cả”.


Không ít sinh viên “cày đêm” đến tận 3, 4 giờ sáng.
Không ít sinh viên “cày đêm” đến tận 3, 4 giờ sáng.


Với kiểu thức đêm, ngủ ngày của Vinh thì việc cô bạn bỏ qua bữa sáng là chuyện dể hiểu. Ngày mới của Vinh bắt đầu với bữa ăn “hai trong một”, nghĩa là bữa sáng và bữa trưa sẽ được dồn vào một lúc. Mỗi ngày, Vinh chỉ ăn hai bữa chính là trưa và tối.
Còn Hải (ĐH Luật Hà Nội) cũng là một trong những “chuyên gia” thức đêm có tiếng. Hải cho biết: “Mình biết thức đêm nhiều là không có lợi nhưng quen rồi nên ngủ sớm mình không thể ngủ được”.
Việc thức đêm, ngủ ngày của sinh viên tạo nên một thói quen không tốt và có hại cho sức khỏe. Việc thức đêm làm cho cơ thể bị lão hóa nhiều, đặc biệt là làn da. Chưa kể đến việc, bỏ qua bữa sáng là điều không nên. Bữa sáng là bữa ăn chính cung cấp năng lượng cho cơ thể trong ngày. Nếu bỏ qua, cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Thêm vào đó, trí nhớ cũng sẽ bị giảm sút đi rất nhiều.

Học “tẹt ga”, chơi “xả láng”

Với nhiều sinh viên, chỉ đến khi nào có lịch thi mới bắt đầu “vắt chân lên cổ” để chạy. Còn ngày thường, họ sẽ để những kiến thức thầy cô giảng trên lớp vào một góc và… mặc kệ.
M. Phương (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) từng rơi vào hoàn cảnh stress nặng chỉ vì thức đêm thức hôm để ôn bài. Phương cho biết: “Với những môn đại cương mình đi học về rồi để đấy, đến cuối kì mới lăn lóc ra thức đêm thức hôm học. Những lần cố “nhét” nhiều kiến thức vào cùng một lúc, mình đã bị stress nặng, hễ ai gọi đều cáu gắt”.


Việc chất đống các môn học vào một thời gian ngắn đã làm nhiều sinh viên bị stress nặng.
Việc chất đống các môn học vào một thời gian ngắn đã làm nhiều sinh viên bị stress nặng.


Vì thời gian dành cho thi mỗi môn cuối kì khá ngắn, chỉ trong vòng hai đến ba ngày, mỗi sinh viên đều phải đọc và nhớ hết hàng trăm trang giáo trình nên đầu óc “căng như dây đàn”. Việc ôn “cấp tốc” nhiều bài vở trong một thời gian ngắn đã làm cho không ít sinh viên mắt thâm quầng và ra khỏi phòng thi đã quên ngay…những gì mình đã được học.

“Sốc” với cà phê đêm

Cà phê – thức uống được sử dụng vào ban ngày để làm cho con người tỉnh táo và có hưng phấn làm việc thì đa phần sinh viên lại dùng nó vào… ban đêm. Đã không ít lần bị cà phê “hành hạ” với hai mắt nặng trĩu, trằn trọc cả đêm không thể chợp mắt nhưng nhiều sinh viên vẫn thản nhiên sử dụng.
Phạm Trang (CĐ Kinh tế Công nghệ Hà Nội) thường có thói quen uống cà phê đêm để thức học bài. Trang chia sẻ: “Buổi đêm mình cảm thấy dễ buồn ngủ nên phải dùng đến cà phê để tiện học hành”.
Trang cho biết không ít lần bị cà phê đêm “hành hạ”, muốn đi ngủ mà đầu óc tỉnh như “sáo”, sáng mai thức dậy cảm thấy mệt mỏi và cả ngày hôm sau phải ở trong tình trạng “ngáp ngắn ngáp dài”. Tuy nhiên, cô bạn vẫn dùng cà phê bởi lí do là: “Ban đêm mùi cà phê… rất hấp dẫn mình”.


Sử dụng cà phê vào ban đêm khiến cơ thể mệt mỏi
Sử dụng cà phê vào ban đêm khiến cơ thể mệt mỏi 


Còn Nguyễn Thúy (ĐH Hà Nội) lại có thói quen uống cà phê vào khoảng 8 - 9 giờ tối để đi làm thêm. Thúy tâm sự: “Mình thường đi dạy thêm ca từ 20h30 đến 12h30 nên phải uống một cốc cà phê trước khi lên xe bus cho tỉnh táo. Nếu không uống, có khi đi dạy mình ngủ gục mất”.
Vì thời gian học trên lớp gần sát với thời gian dạy thêm nên nhiều lúc Thúy cảm thấy rất mệt. Và khi ấy, Thúy chỉ có thể nhờ đến cà phê. Tuy nhiên, không ít lần cơ thể mệt mỏi mà vẫn dùng cà phê nên trông cô bạn phờ phạc nhiều đi vì thiếu ngủ.

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ” và tiểu mục “Nếu tôi là...":Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Bùi Thủy , Báo in k29a2