Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới

06/01/2017 08:32
GS.Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Hiện nay nước ta đang vướng hai trở ngại lớn cản trở việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân tốt.

LTS: Khung cơ cấu hệ thống Giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành là các quyết định quan trọng của nền giáo dục.

Tuy nhiên, với khung cơ cấu hệ thống Giáo dục quốc dân và khung Trình độ quốc gia mới còn hai vấn đề cần giải quyết liên quan đến quản trị giáo dục đại học.

Đó là vấn đề tách biệt hệ thống giáo dục đại học và các viện nghiên cứu lớn, và vấn đề đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học. 

Hôm nay, trong bài viết này, GS.Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đề xuất cách xử lý hai vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Hiện nay nước ta đang vướng hai trở ngại lớn cản trở việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân tốt. 

Một là sự tách rời hệ thống các trường đại học tầng trên và các viện nghiên cứu lớn, làm suy yếu hai chức năng chính của hệ thống giáo dục đại học là đào tạo và nghiên cứu; 

Hai là cơ chế bộ “chủ quản” và trường “trực thuộc” ngăn trở quyền tự chủ thật sự của các cơ sở giáo dục đại học. 

Thứ nhất, về vấn đề quan hệ giữa các trường đại học ở tầng trên và các viện nghiên cứu lớn: 

Một nhược điểm lớn của hệ thống giáo dục đại học nước ta là sự tách biệt giữa hệ thống các trường đại học ở tầng trên và các viện nghiên cứu lớn.

Nhược điểm này là “di sản” của mô hình giáo dục đại học kiểu Liên Xô trước đây. 

Vào thập niên 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cố gắng sáp nhập hai hệ thống nói trên nhưng đã không thành công, cho nên sự tách biệt tồn tại cho đến tận ngày nay. 

Cách đây vài năm hai cơ sở nghiên cứu quan trọng ở nước ta về hình thức lại được nâng lên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

GS.Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)
GS.Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)

Như vậy là ý tưởng hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu trước đây của Chính phủ không được kế thừa mà sự tách biệt còn trở nên nặng nề hơn.  

Sự tách biệt đó vừa làm hạn chế tiềm năng nghiên cứu của các trường đại học tầng trên, vừa gây khó khăn cho các viện nghiên cứu trong việc đào tạo các thế hệ kế cận. 

Một giải pháp đổi mới triệt để hệ thống giáo dục quốc dân nước ta cần lưu ý tạo sự thống nhất giữa giáo dục đại học và nghiên cứu, cụ thể là các trường đại học và các viện nghiên cứu. 

Từ ý tưởng đó, tôi cho rằng một thiếu sót của Quyết định 1981/QĐ-TTg là trong Điều 3 về tổ chức thực hiện không nhắc gì đến Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi quản lý các viện nghiên cứu lớn (tuy có nhắc đến Bộ Y tế, nơi mà hệ thống đào tạo có nhiều đặc thù). 

Như vậy Quyết định nói trên mặc nhiên đã để các viện nghiên cứu lớn, một bộ phận quan trọng tham gia giáo dục và đào tạo nhân lực ở bậc cao, đứng ngoài hệ thống giáo dục quốc dân. 

Muốn thống nhất hệ thống trường đại học tầng trên và các viện nghiên cứu lớn không thể chỉ nhờ các các biện pháp tổ chức mà còn cần đến chính sách thích hợp. 

Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới  ảnh 2

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới và những vấn đề cần làm rõ, điều chỉnh

(GDVN) - Tách riêng các trường cao đẳng ra khỏi hệ thống giáo dục đại học sẽ đặc biệt làm yếu các trường cao đẳng, tạo nhiều tâm tư và phản ứng từ các trường này.

Ở đây một kinh nghiệm thành công của Hoa Kỳ rất nên được nghiên cứu để học tập.

Kinh nghiệm đó liên quan đến một báo cáo quan trọng của Vannevar Bush, cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Truman vào năm 1945 với tựa đề là “Science – The Endless Frontier”. 

Trong báo cáo có nêu 3 nguyên tắc làm nền tảng cho sự hỗ trợ của quốc gia đối với nghiên cứu khoa học, đó là:

“1) Nhà nước trung ương chịu trách nhiệm chính tài trợ cho khoa học cơ bản; 

2) Các trường đại học chứ không phải các viện nghiên cứu thuần túy không giảng dạy - là các cơ sở được ưu tiên triển khai các nghiên cứu do nhà nước tài trợ; 

3) Tuy các đề tài nghiên cứu được Nhà nước cấp kinh phí nhưng phải qua quá trình đánh giá có tính cạnh tranh cao bởi các đồng nghiệp xem xét độc lập chỉ trên cơ sở trình độ  khoa học chứ không phải dựa vào chính trị hoặc thương mại
” [1]

Các nguyên tắc mà V. Bush đề ra đã được áp dụng ở Hoa Kỳ cho đến ngày nay là một trong các đảm bảo thành công lớn của hệ thống nghiên cứu và giáo dục đại học Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy việc hợp nhất hai hệ thống.
 
Ở Việt Nam hiện đang có Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) với cơ chế bình duyệt tuân theo nguyên tắc 3) tương tự đề nghị của V. Bush trên đây, nhưng chưa quan tâm đến nguyên tắc 2) là ưu tiên tài trợ cho các trường đại học, nơi có giảng dạy.

Thứ hai, vấn đề bộ chủ quản của cơ sở giáo dục đại học:
 

Khác với trong thể chế kế hoạch hóa tập trung, trong cơ chế thị trường nội dung cơ bản của việc quản trị trường đại học được phản ánh ở cặp khái niệm quyền tự chủ (autonomy) và trách nhiệm giải trình (accountability) của nhà trường. 

Để thực thi được quyền tự chủ, một yếu tố quan trọng là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc đối với các cơ sở giáo dục đại học. 

Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới  ảnh 3

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có 4 cấp, phổ thông học 12 năm

(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt "Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân".

Chính vì vậy mà Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học đã quyết định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”, tuy nhiên cho đến nay quyết định đó vẫn chưa được triệt để thực hiện. 

Khi còn cơ chế bộ chủ quản thì cơ sở giáo dục đại học không thể thực sự tự chủ, và mọi thể chế khác như hội đồng trường cũng trở thành hình thức. 

Chính vì quá coi trọng cơ chế bộ chủ quản nên vấn đề tách hệ thống trường Cao đẳng ra khỏi hệ thống giáo dục đại học như Luật giáo dục nghề nghiệp mới được đề ra, và cơ chế quản lý theo kiểu “cát cứ” này sẽ làm què quặt hệ thống giáo dục sau Trung học và làm yếu hệ thống các trường Cao đẳng. 

Khi thực hiện được việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thì rõ ràng không cần khoanh vùng bằng cách tách riêng hệ thống trường Cao đẳng khỏi hệ thống giáo dục đại học.

Như vậy, khi xây dựng lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Nhà nước nên có cơ chế để tiến tới kết hợp các trường Đại học ở tầng trên với các viện nghiên cứu lớn để tăng cường hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống;

Đồng thời tích cực xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc nhằm thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo

1. Science The Endless Frontier, 1945 - A Report to the President by Vannevar Bush, Director of the Office of Scientific Research and Development, July 1945 - (United States Government Printing Office, Washington: 1945)
http://www.nsf.gov/od/lpa/nsf50/vbush1945.htm

GS.Lâm Quang Thiệp