Nỗi đau của những đứa con làm nhân chứng cho cha mẹ chia tay trước tòa

01/03/2018 07:00
Hà Dung
(GDVN) - Khi quyết định chọn con làm “nhân chứng” cho một cuộc tình đổ vỡ để được tòa tuyên cho ly hôn thì bậc làm cha mẹ đã cứa một nhát dao vô hình vào lòng con trẻ.

Cha mẹ ly hôn, trẻ con luôn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi rất lớn về mặt tinh thần.

Không ít đứa trẻ đã phải ra tòa làm nhân chứng cho cuộc sống bất hòa của cha mẹ và cũng không ít đứa trẻ đã phải lựa chọn sống với cha, hoặc mẹ.

"Con muốn sống với cả ba và mẹ"

Lan quê ở Đà Nẵng, Hùng ở Bắc Giang. Họ nên duyên vợ chồng sau gần bốn năm tìm hiểu.

Cha mẹ ly hôn, trẻ con luôn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi rất lớn về mặt tinh thần. Ảnh minh họa (ảnh internet)
Cha mẹ ly hôn, trẻ con luôn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi rất lớn về mặt tinh thần. Ảnh minh họa (ảnh internet)

Lan sinh con trai đầu lòng, rồi mang bầu sinh thêm một cô con gái. Nhưng rồi, cuộc sống vợ chồng rạn nứt.

Họ ly hôn, cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tuyên người chồng nuôi con trai Gia Huy (6 tuổi) người vợ nuôi con gái Gia Hân (3 tuổi). Người vợ kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người vợ xin tòa cho mình được nuôi cả hai con vì không muốn hai anh em phải sống xa nhau.

Còn người chồng thì một mực cho rằng, con gái theo mẹ con trai theo ba là hợp tình, hợp lý “đàn ông sẽ có cách dạy con trở thành một người đàn ông”, Hùng nói.

Nỗi đau của những đứa con làm nhân chứng cho cha mẹ chia tay trước tòa ảnh 2Vì một phút bốc đồng mà bốn sinh viên phải từ giã giảng đường

Không đồng ý, người vợ cho rằng đàn ông không thể chu đáo và quan tâm cho con bằng phụ nữ.

Nhìn nét mặt con tôi có thể biết lúc nào con buồn, lúc nào con vui, nhìn mặt con là tôi biết con đau hay khỏe, thậm chí nhìn mặt con là tôi biết con muốn đi vệ sinh hay không?

Người vợ tâm sự về những ngày đầu khi Gia Huy biết chuyện ba mẹ ly hôn, cậu bé buồn nhiều và gần như trở thành một đứa trẻ khác: “Thay vì hiếu động hay nói hay hát, con trở nên lầm lỳ. Sau phiên tòa sơ thẩm, tôi cố giấu và nói với con rằng ba đi công tác.

Nhưng sự việc vỡ lỡ, tôi đã giải thích để con hiểu rằng ba là người đàn ông tốt, ba mẹ không hợp nhau nên không thể cùng nhau nuôi dạy các con.

Sau khi nghe tôi giải thích, hai ngày liền con không nói chuyện với ai mà chỉ ngồi nhìn em gái, lâu lâu con ôm em gái rồi khóc”.

Tại tòa, Lan xin tòa cho mình được nuôi hai con vì muốn hai anh em được gần nhau, tránh cảnh đứa sống với cha, đứa sống với mẹ cả năm không gặp mặt nhau thì tình cảm anh em bị chia rẽ.

Giờ nghị án, bé Gia Huy chạy vào phòng xử, nghe tiếng ba gọi em chạy lại ôm chầm lấy ba rồi ngoái đầu nhìn mẹ. Người mẹ nói “Con lại với ba đi”.

Nghe vậy em chạy lại và ríu rít kể cho ba nghe chuyện em Gia Hân đang tập nói bi bô.

Nhìn con, Lan chia sẻ “tôi sợ con hận ba sẽ gieo trong con những đức tính không tốt nên tôi luôn giải thích để con hiểu việc đổ vỡ là không ai mong muốn.

Tôi luôn nói con hãy ôm ba vì ba rất yêu con. Cách đây vài ngày tôi cũng đưa cháu vào Khánh Hòa để thăm ba, tôi nghĩ rằng đổ vỡ là cái lỗi của cha mẹ mà con cái phải gánh hậu quả nên tôi muốn bù đắp cho con”.

Lỗi lầm của cô giáo và những giọt nước mắt chốn pháp đình

Còn người chồng thì chia sẻ “tôi yêu con hơn gì hết. Hạnh phúc vợ chồng không thể giữ được là lỗi của cả hai, nhưng hậu quả thì lại trút xuống đầu con trẻ. Tôi chỉ muốn gần con để bù đắp tất cả những gì có thể”.

Còn Gia Huy, tại phòng xử có lẽ con hiểu được phần nào sự việc nên ánh mắt con buồn.

Con nói muốn sống với cả ba mẹ và em Gia Hân, rồi hai bàn tay con cứ thế day day khóe mắt. Nói rồi con chạy nhanh ra ngoài khi tòa vào tuyên án.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng hiện tại bé Gia Huy đang sống cùng mẹ rất tốt, bé đang được đi học ở một trường điểm, bên cạnh cháu có nhiều người thân, mẹ của cháu cũng có mức thu nhập khá.

Nên nếu nay giao cháu cho cha sẽ làm xáo trộn cuộc sống của cháu, ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm sinh lý của cháu.

Vì lẽ đó, tòa tuyên sửa án sơ thẩm tuyên giao cháu Gia Huy cho mẹ nuôi dưỡng đến khi cháu đủ 18 tuổi.

Do người mẹ không có yêu cầu cấp dưỡng nên hai bên không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Người mẹ có nghĩa vụ tạo mọi điều kiện cho cha của bé thăm nom, chăm sóc cháu.

Phiên tòa kết thúc, Lan ôm con trai vào lòng rồi nhắc con qua ôm ba. Người chồng ôm nhẹ bờ vai con rồi chạy lên hỏi thư ký về thủ tục giám đốc thẩm do không đồng ý với kết quả tòa tuyên.  

Đừng bắt con làm nhân chứng cho cuộc sống bất hòa

Có rất nhiều vụ án ly hôn, cha và mẹ đã đưa con ra tòa để làm nhân chứng cho cuộc sống bất hòa của họ.

Nỗi đau của những đứa con làm nhân chứng cho cha mẹ chia tay trước tòa ảnh 3Án mạng của chàng sinh viên và nỗi đau của cha mẹ già

Sở dĩ có điều đó bởi lẽ, theo quy định với án ly hôn tòa sẽ tiến hành hòa giải, sau khi xét hòa giải không thành, xét cuộc sống vợ chồng không thể có hạnh phúc thì mới tuyên đồng ý cho ly hôn.

Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng vì muốn tòa tuyên ly hôn nên đã không ngần ngại đưa con cái của mình tới tòa để làm nhân chứng cho cuộc sống “cơm không lành, cảnh không ngọt của họ”.

Mà họ chẳng hiểu được rằng, đó là nhát dao vô hình cứa vào lòng con trẻ và gây nên vết thương lòng rất lớn.

Lần đó, trong vụ án ly hôn cả hai vợ chồng đều cho rằng mình rất yêu con, con là cuộc sống của họ.

Người vợ xin tòa cho ly hôn vì cho rằng không thể chấp nhận một người chồng ngoại tình, bồ bịch lăng nhăng rồi rượu chè chửi bới vợ con.

Còn người chồng cũng không hết lời phán xét và cho rằng vợ không phải là người vợ, người mẹ tốt.

Dưới hàng ghế dự khán hôm đó chỉ có một chàng thanh niên đang là học sinh lớp 12.

Cậu ngồi với nét mặt buồn rười rượi. Bởi cậu là con trai của hai người đàn ông và đàn bà đang ra sức xin tòa cho ly hôn.

Trong phần tranh luận, người mẹ nói “tôi yêu con tôi và không muốn con tôi sống chung với một người cha thiếu đạo đức”.

Còn người chồng cũng cho rằng mình rất yêu con và muốn tòa đồng ý cho ly hôn và để ông được nuôi con.

Nói rồi, ông quay lại phía con trai: “Con hãy nói cho tòa biết cha và mẹ đã có những lần cãi nhau dữ dội thế nào”.

Nghe tới đó, đứa con trai đứng phắt dậy, nước mắt ướt sũng và cậu chạy thật nhanh ra khỏi phiên tòa.

Thấy vậy, cha và mẹ của cậu xin tòa tạm dừng phiên tòa, hội đồng xét xử đồng ý. Nhưng thay vì đi tìm con thì cả hai đứng lại tranh cãi “tại anh – tại cô”.

Hà Dung