Ông Bùi Kiến Thành: "Vòng tròn thua lỗ bị đẩy về Chính phủ"

05/03/2017 08:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, bảo lãnh nợ để tạo ưu thế cho doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh doanh nghiệp tư nhân là nghịch lý cần xóa bỏ.

Tại buổi họp báo chuyên đề về bảo lãnh Chính phủ diễn ra ngày 1/3/2017, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là hơn 459.000 tỉ đồng (khoảng 21 tỉ USD).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như than, điện, dầu khí. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số vay nợ 9,7 tỉ USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỉ USD; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 647 triệu USD…

Bảo lãnh nợ của Chính phủ tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như than, điện, dầu khí... Trong ảnh: Khai thác một mỏ than. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Bảo lãnh nợ của Chính phủ tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như than, điện, dầu khí... Trong ảnh: Khai thác một mỏ than. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Bảo lãnh nợ đồng nghĩa với việc Chính phủ phải có nghĩa vụ trả nợ thay nếu doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thua lỗ. 

Trước thực tế này chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh giá: Chính phủ sẽ thêm gánh nặng nợ công còn doanh nghiệp nhà nước sẽ mãi không trưởng thành nếu cứ nằm trong sự bao bọc này.

Tư tưởng bao cấp khiến doanh nghiệp thua lỗ

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, dù Việt Nam bước sang kinh tế thị trường nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng ưu đãi như thời bao cấp.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, việc Chính phủ bảo lãnh khoản nợ cho doanh nghiệp nhà nước cũng giống như thời bao cấp khi tất cả doanh nghiệp, ngân hàng đều thuộc nhà nước.

“Thời điểm đó doanh nghiệp, ngân hàng đều của nhà nước. Doanh nghiệp thiếu tiền sang ngân hàng xin cấp tiền, nếu kinh doanh thua lỗ đến kỳ hạn không trả nổi thì nhà nước bù lỗ. Thực tế đó tạo thói quen dựa dẫm cho doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành cho biết.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định: Việc Chính phủ bảo lãnh nợ khiến doanh nghiệp nhà nước dựa dẫm và chậm phát triển - ảnh: H.Lực
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định: Việc Chính phủ bảo lãnh nợ khiến doanh nghiệp nhà nước dựa dẫm và chậm phát triển - ảnh: H.Lực

Ông Bùi Kiến Thành cho biết, ngay cả khi đất nước bước qua thời bao cấp thì nhìn vào vấn đề cho vay ở các ngân hàng cũng thấy có sự ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân.

Ưu tiên đó xuất phát từ tư duy: Cho doanh nghiệp nhà nước vay, nếu doanh nghiệp không tự trả nợ được thì Chính phủ sẽ đứng ra trả nợ, bởi những doanh nghiệp ấy đều do Chính phủ quản lý. 

Theo ông Thành, chính suy nghĩ luôn có Chính phủ phía sau “chống lưng” khiên cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Hoạt động kém hiệu quả, không có uy tín nên để vay được nợ nước ngoài thì Chính phủ phải bảo lãnh. 

Báo cáo Bộ Tài chính cho thấy, đến hết năm 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 230 doanh nghiệp nhà nước có cổ phần. 

Chỉ tính các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014), trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1,376 triệu tỷ đồng (tăng 8%). 

Tuy vậy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014).

Đáng chú ý, dù 7 tập đoàn nhà nước chiếm tới 65,5% tổng vốn chủ sở hữu, nhưng chỉ đem lại doanh thu 960.795 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2014).

“Con số thống kê trên cho thấy bức tranh yếu kém doanh nghiệp nhà nước. Chính tư duy nhà nước bao cấp khiến doanh nghiệp nhà nước thụt lùi. Tóm lại yếu kém doanh nghiệp quốc doanh suy cho cùng là do chính sách ưu đãi của nhà nước”, ông Thành nói.

Ngoài nguyên nhân gián tiếp dẫn đến yếu kém doanh nghiệp nhà nước, theo ông Thành, Chính phủ bảo lãnh nợ sẽ khiến nguy cơ nợ công quốc gia tăng lên, nghĩa vụ trả nợ tăng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

Nghịch lý cần xóa bỏ

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, việc chính của doanh nghiệp nhà nước không phải kinh doanh cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân mà phải tập chung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ích, tức là đi vào các lĩnh vực tư nhân không làm được.

Thí dụ, trong khai thác khoáng sản như than đá, dầu khí... doanh nghiệp nhà nước có thể lo khai khoáng, nhưng việc sản xuất và tìm đầu ra xuất khẩu nên để tư nhân làm. Doanh nghiệp nhà nước không nên ôm đồm hết.

Ông Bùi Kiến Thành: "Vòng tròn thua lỗ bị đẩy về Chính phủ" ảnh 3

Doanh nghiệp nhà nước yếu kém khiến nợ công tăng cao

Tương tự, nhà nước nên tập chung phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, phát triển năng lượng điện đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa, chứ không phải tập chung sản xuất hàng hóa tiêu dùng, cung cấp dịch vụ để cạnh tranh với tư nhân như hiện nay.

“Nghịch lý là hiện nay là lĩnh vực nào cũng có doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh doanh nghiệp tư nhân ở từng lĩnh vực.

Trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi từ đất, cơ chế chính sách, bảo lãnh vốn thì doanh nghiệp tư nhân phải tự thân vận động, đây là sự thiếu công bằng”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, cần xóa bỏ, thay đổi tư duy hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng: Doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì tư nhân chưa làm hoặc không thể làm được. Từ đó thay đổi cả tư duy bảo lãnh nợ không phải cứ doanh nghiệp nhà nước đi vay là Chính phủ phải bảo lãnh, cần làm rõ khoản vay đó để làm gì.

“Nếu bảo lãnh nợ cho khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng còn có thể chấp nhận được nhưng nếu bảo lãnh vay để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng, cung cấp dịch vụ cạnh tranh tư nhân cần phải xóa bỏ”, ông Thành nói.

Cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho biết, trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng không Chính phủ bảo lãnh khoản nợ cho Vietnam Airlines mua, thuê tàu bay là không cần thiết bởi lĩnh vực này hiện nay tư nhân đã tham gia và làm tốt.

Tương tự, việc bảo lãnh nợ cho phát triển ngành giấy như Nhà máy Giấy Phương Nam hay để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin) là không hợp lý, bởi đây là lĩnh vực tư nhân làm được.

Mặt khác, ông Thành cho rằng, với các dự án đầu tư đặc biệt dự án đi vay ngoại tệ được Chính phủ bảo lãnh cần nghiên cứu tính khả thi của dự án cũng như khả năng thu hồi vốn. Đặc biệt phải kiểm soát được luồng tiền.

“Thí dụ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nhưng số tiền ấy dùng làm dự án nào thì người dân không biết để giám sát. Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có hàng loạt công ty con, công ty thành viên, Chính phủ có kiểm soát đến từng doanh nghiệp đấy không”, ông Thành đặt vấn đề.

Ông Thành cho rằng đang có một vòng tròn: Công ty con thua lỗ đẩy lên công ty mẹ - rồi công ty mẹ đẩy lên tập đoàn, tổng công ty và tập đoàn, tổng công ty tiếp tục đẩy khoản lỗ ấy cho nhà nước.

“Chúng ta định hướng đưa nền kinh tế đất nước bước sang kinh tế thị trường và muốn các nước công nhận chúng ta là kinh tế thị trường. Tuy nhiên với cơ chế vận hành ưu đãi doanh nghiệp nhà nước như hiện nay rõ ràng chúng ta mới chỉ kinh tế thị trường một nửa còn lại vẫn bao cấp”, ông Thành cho biết.

Mai Anh