Ông Phạm Trọng Đạt nêu nguyên nhân việc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức

27/03/2018 06:11
Tấn Tài
(GDVN) - Giải pháp kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là giải pháp có tính hình thức và hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng thấp.

Tại hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã chỉ ra những bất cập của quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay.

Ông Phạm Trọng Đạt chỉ ra nguyên nhân khiến giải pháp kê khai tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức. Ảnh: TT
Ông Phạm Trọng Đạt chỉ ra nguyên nhân khiến giải pháp kê khai tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức. Ảnh: TT

Theo ông Đạt, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng và giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng.

“Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 dành một mục với 10 điều (từ điều 44 đến điều 53) để quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, giải pháp kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là giải pháp có tính hình thức và hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng thấp”.

Ông Đạt cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập và tổ chức thực hiện không triệt để.

Cụ thể, có bốn vấn đề chính được vị Cục trưởng Cục chống tham nhũng đưa và phân tích tại hội thảo lần này:

Ông Phạm Trọng Đạt nêu nguyên nhân việc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức ảnh 2Thu hồi tài sản tham nhũng cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp

Thứ nhất: Quy định hiện hành không xác định mục tiêu cụ thể của giải pháp.

“Xác định mục tiêu của giải pháp sẽ giúp xác định cụ thể hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập.

Các mô hình kiểm soát trên thế giới thường là một trong 2 hoặc cả 2 mục đích là: thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập để kiểm soát xung đột lợi ích.

Thông qua kiểm soát thu nhập để phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Quy định của pháp luật hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập không xác định rõ mục đích cụ thể, do vậy không xác định kết quả cuối cùng”, ông Đạt nói.

Thứ hai: Biện pháp kiểm soát không tương ứng với tính chất và mức độ phức tạp của nội dung tài sản, thu nhập cá nhân.

Theo ông Đạt, tài sản, thu nhập cá nhân là vấn đề rất phức tạp về kinh tế xã hội và pháp lý. Pháp luật bảo vệ quyền tài sản cá nhân được tạo lập hợp pháp.

Nhà nước thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập cá nhân là để bảo vệ tài sản, thu nhập cá nhân được tạo lập hợp pháp và ngăn chặn những tài sản, thu nhập cá nhân tạo lập không hợp pháp.

“Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Minh bạch tài sản, thu nhập là việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và khi cần thiết được xác minh, kết luận”.

Như vậy, việc kiểm soát tài sản, thu nhập chủ yếu dựa vào sự “trung thực” của người kê khai”, ông Đạt phân tích.

Biện pháp đảm bảo sự trung thực của việc kê khai dựa vào việc công khai bản kê khai tại nơi thường xuyên công tác và tiến hành xác minh khi có đủ điều kiện.

Theo quy định hiện hành, xác minh tài sản thu nhập là hoạt động có điều kiện với nội dung là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn của những thông tin về số lượng, giá trị các loại tài sản, các khoản thu nhập, mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản…

Trình tự thủ tiến hành xác minh nhiều bước, qua nhiều cấp có thẩm quyền, thời gian xác minh là 15 ngày làm việc….

“Kết luận xác minh chỉ là kết luận về tình trung thực trong kê khai tài sản. Còn việc xác minh tính hợp pháp về nguồn gốc tài sản chưa được đề cập”, ông Đạt chia sẻ quan điểm.

Ông Phạm Trọng Đạt nêu nguyên nhân việc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức ảnh 3Phát hiện tài sản kê khai không trung thực, cứ mang ra tòa

Thứ ba: Dữ liệu thông tin về tài sản thu nhập phân tán và lực lượng kiểm soát không chuyên nghiệp.

Bản kê khai của cán bô, công chức, viên chức được lưu trữ rất phân tán. Có bao nhiêu cơ quan phải tổ chức việc kê khai thì có bấy nhiêu cơ quan quản lý bản kê khai.

Giữa các cơ quan không có mối liên hệ gì về thông tin kê khai.

Do đó, xảy ra tình trạng việc xác minh được giao cho cơ quan kiểm tra trong khi cơ quan này không phải là các cơ quan có chuyên môn về kiểm tra, thanh tra tài sản, thu nhập cá nhân để tiến hành các nhiệm vụ xác minh về tài sản, thu nhập.

Thứ 4: Chế tài không đủ mạnh và chưa có liên thông với các định chế pháp luật khác về kiểm soát tài sản.

Pháp luật hiện hành quy định, người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử…

“Như vậy, kết quả cuối cùng của biện pháp là xác định người kê khai có trung thực hay không và hậu quả không trung thực thì bị kỷ luật.

Không có bất kỳ xử lý nào liên quan đến tài sản, thu nhập của người kê khai không trung thực.

Sau kết luận xác minh về trung thực trong kê khai tài, thu nhập thì không có biện pháp nào để làm rõ thêm nguồn gốc của tài sản và động cơ, mục đích của việc kê khai không trung thực”, ông Đạt phân tích thêm.

Tấn Tài