Phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm!

23/02/2017 07:12
PGS.TS Phạm Quý Thọ
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, tinh thần Chính phủ hành động đã phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm tồn tại từ lâu dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất ùn tắc, quá tải kéo dài.

Ngày 21/2/2017, Bộ Quốc phòng đã chính thức ký bàn giao 21ha sân đỗ quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai dự án nâng cấp, cải tạo giảm ùn tắc sân bay này.

Đây là việc làm hết sức cần thiết của Bộ Quốc phòng và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Ở góc nhìn của chuyên gia chính sách công PGS.TS Phạm Quý Thọ đã có bài viết khẳng định: Việc Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha đất để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ có ý nghĩa với ngành hàng không, nhìn rộng ra với một vấn đề tồn tại kéo dài trong nhiều năm nhưng bỗng được giải quyết nhanh, dứt khoát chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Bộ Quốc Phòng đã chính thức bàn giao 21ha đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng quá tải tại sân bay này - ảnh: H.Lực.
Bộ Quốc Phòng đã chính thức bàn giao 21ha đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng quá tải tại sân bay này - ảnh: H.Lực.

Điều đó cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo đúng với tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ vì dân.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả những phân tích của PGS.TS Phạm Quý Thọ được phóng viên ghi lại.

Có lúc rơi vào im lặng

Quá tải, ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là nỗi lo riêng của ngành hàng không mà đó đã trở thành vấn đề lớn được dư luận xã hội quan tâm.

Không nói quá khi cho rằng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Dù chưa có thống kê, đánh giá số lượng chuyến bay bị chậm, bị hủy do ùn tắc tại Tân Sơn Nhất cũng như những thiệt hại kinh tế do việc chậm, hủy chuyến gây ra.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, những sự cố chậm chuyến, hủy chuyến vì lý do ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài là do hiệu ứng dây truyền (chậm một chuyến khiến hàng loạt chuyến bay khác cũng bị chậm) ảnh hướng lớn về cả kinh tế và uy tín của các hãng hàng không.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng tinh thần Chính phủ hành động đã phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm tồn tại ở sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh: H.Lực.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng tinh thần Chính phủ hành động đã phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm tồn tại ở sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh: H.Lực.

Câu chuyện chậm chuyến bay tới 14 giờ của một chuyến bay của Jetstar Pacific từ Hải Phòng – TP.HCM mới đây là một ví dụ. Theo hãng hàng không Jetstar, nguyên nhân chậm chuyến có nguyên nhân ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, chỉ có hãng này phải đứng ra xử lý hậu quả, phải đền bù mỗi hành khách 400.000 đồng, và uy tín của hãng cũng bị ảnh hưởng.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm nhưng năm 2016 đã đạt 32 triệu hành khách/năm (tăng 28%). Dự báo năm 2017, Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách và con số này trong các năm 2018, 2020 sẽ là 45 và 49 triệu khách.

Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải trong sân bay mà còn ùn tắc các tuyến đường dẫn đến sân bay. Do đó giải quyết ùn tắc, quá tải tại Tân Sơn Nhất phải bao gồm cả nâng cấp mở rộng trong sân bay và phân luồng, mở thêm tuyến đường mới dẫn đến sân bay.

Những phân tích trên cho thấy sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải và yêu cầu nâng cấp, cải tạo sân bay này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là giảm tải bên trong sân bay. 

Điều đáng nói không phải phải bây giờ vấn đề nâng cấp Tân Sơn Nhất mới được đề ra mà đã được đặt ra từ nhiệm kỳ trước, sau đó rơi vào im lặng.

Tuy nhiên chỉ sau 1 năm của nhiệm kỳ mới, vấn đề ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất bỗng được giải quyết một cách nhanh, dứt điểm.

Thông tin đăng tải trên báo chí cho thấy, trong gần 1 năm qua, sau 5 buổi họp với sự tham dự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cuối cùng phương án nâng cấp cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa ra.

Theo phương án này chỉ trong chưa đầy ba năm với việc xây dựng thêm 2 nhà ga T3 và T4 xây dựng thêm bãi đỗ, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng công suất 43 – 45 triệu hành khách/năm.

Phá “lô cốt” lợi ích nhóm

Nút thắt trong việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chính là mặt bằng đất để xây dựng thêm nhà ga, đường lăn, điểm đỗ máy bay.

Sân bay Tân Sơn Nhất được giao cho quân đội quản lý, khi chuyển thành sân bay lưỡng dụng (bao gồm cả quân sự và dân sự) do hàng không dân dụng thời kỳ đầu chưa phát triển nên quân đội vẫn quản lý diện tích đất lớn.

Phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm! ảnh 3

Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao 21 ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm! ảnh 4

PGS.Nguyễn Thiện Tống: Trước mắt cần mở rộng hết công suất sân bay Tân Sơn Nhất

Đáng nói trong số diện tích đất quân sự đang quản lý thì ngoài việc làm điểm đỗ cho máy bay quân sự, cũng như các công trình hạ tầng phục vụ quân đội lại có một phần diện tích đất không nhỏ sử dụng không đúng mục đích khi xây dựng sân golf.

Để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất cần diện tích lớn, tuy nhiên trong một thời gian dài vấn đề bàn giao đất chưa có tiến triển, phương án cải tạo Tân Sơn Nhất cũng không rõ ràng.

Song song với việc chậm trễ nâng cấp Tân Sơn Nhất, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông lại đẩy mạnh việc nghiên cứu dự án sân bay Long Thành coi đó nhưng một giải pháp “cứu” Tân Sơn Nhất.

Bất cập này dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. 

Việc chậm trễ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều ý kiến cho rằng có trách nhiệm từ chính các nhà quản lý.

Nhìn thấy bất cập từ việc chậm nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, ngay khi được tín nhiệm giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp bàn với các bộ, ngành, TP.HCM tìm phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Với tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ vì dân Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã liên tục có chỉ đạo, liên tục thúc bách các bộ, ngành, các đơn vị giao đất và đưa ra phương án nâng cấp Tân Sơn Nhất.

Sự kiện Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha đất cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay theo phương án đã được đề ra là minh chứng rõ nhất những nỗ lực của Chính phủ.

Có thể nói nếu phía sau việc chậm nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì với tinh thần hành động, quyết liệt Chính phủ đã phá bỏ “lô cốt” nhóm lợi ích tồn tại ở đây từ lâu.

Lợi ích nhóm đang là vấn đề nhức nhối, cản trở cải cách thể chế, kìm hãm tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng và Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh về một chính phủ liêm chính, vì dân, vì doanh nghiệp phụ vụ và hành động, chống lợi ích nhóm đang và sẽ vẫn còn là những thử thách của Chính phủ của nhiệm kỳ này.

Hy vọng khi có quỹ đất 21ha do Bộ Quốc phòng bàn giao, dự án nâng cấp cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm được hoàn thành qua đó vấn đề ách tắc, quá tải sẽ được giải quyết.

Đây là một thí dụ điển hình minh chứng cho quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ với mục tiêu: liêm chính - kiến tạo - hành động.

Nhân dân mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục thể hiện quyết tâm trong chống lợi ích nhóm đang tồn tại trong vấn đề quản lý đất đai, tài sản công, tài sản trong các doanh nghiệp, công tác cán bộ, cục bộ địa phương, bảo thủ trì trệ… cản trở đổi mới và phát triển đất nước

PGS.TS Phạm Quý Thọ