Phạm Công Danh đang “diễn” kịch tại Tòa trong đại án Ngân hàng Xây dựng?

01/08/2016 10:34
(GDVN) - Sáng nay, 1/8/2016, phiên xét xử “Đại án Ngân hàng Xây dựng” tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh...

Sáng nay, 1/8/2016, phiên xét xử “Đại án Ngân hàng Xây dựng” tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh. Mặc dù là “ông trùm” nhưng Danh liên tục lặp đi lặp lại điệp khúc: “Không nhớ”.

Việc Phạm Công Danh diễn kịch tại tòa diễn ra từ phiên xét hỏi đầu tiên với bị cáo này vào ngày 29/7.

Mặc dù là người “đầu vụ”, là bị cáo chính, tuy nhiên, Danh lại may mắn được trả lời thẩm vấn sau cùng, sau khi các thuộc cấp và người liên quan đã khai báo trước tòa. Đây có thể xem là phần lợi thế vì bị cáo này có thể hình dung hết câu chuyện và sẵn sàng cho lời khai theo hướng có lợi cho mình.

Phạm Công Danh được cho là đang "diễn kịch" tại Phiên tòa. Ảnh internet
Phạm Công Danh được cho là đang "diễn kịch" tại Phiên tòa. Ảnh internet

“Ông trùm” gây nên hàng loạt sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) rất nhiều lần lặp lại câu trả lời: “Tôi không biết”, “tôi không nhớ”. Điều này bất thường vì trí nhớ của ông Danh hoàn toàn bình thường.

Không phải chỉ đến sáng ngày 29/7, HĐXX phiên tòa mới xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh. Trước đó, quá trình thẩm vấn các bị cáo khác (từ ngày 19/7-PV) trong các nội dung liên quan, HĐXX đều xét hỏi bị cáo Danh để đối chứng. Đáp lại câu hỏi của HĐXX, hầu như bị cáo đều lặp lại một câu trả lời “tôi không nhớ”, hoặc “trí nhớ của tôi có vấn đề tôi không nhớ”.

Sáng ngày 29/7, khi Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Bị cáo cho biết, trong phần lý lịch của hồ sơ trình lên Ngân hàng Nhà nước, bị cáo khai học Đại học Kinh tế TP.HCM từ năm 1987-1991. Bị cáo cho biết bị cáo học ngành gì, đã học những môn gì?”.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Phạm Công Danh đáp vỏn vẹn: “Thưa HĐXX tôi không nhớ”. Câu trả lời này khiến Chủ tọa phiên tòa nổi cáu. “Bị cáo khai nhận quanh co, khai không thật. Nếu bị cáo không khai, tôi sẽ đọc cho bị cáo thấy.

Con gái ông chủ Tân Hiệp Phát có dính đến đại án Ngân hàng Xây dựng?

Lý lịch gửi lên Ngân hàng Nhà nước là sai. Đại học Kinh tế TP.HCM trả lời rằng không có bất cứ sinh viên Phạm Công Danh nào tại đây. Bằng bị cáo nộp cho

Ngân hàng Nhà nước để xem xét vào HĐQT của Ngân hàng là bằng giả.

Bằng này có sao y bản chính của công an phường 15 quận 10. HĐXX đề nghị VKS xem xét, xử lý hành vi sử dụng bằng giả này nếu đủ căn cứ pháp luật”.

Hoặc như trả lời câu hỏi: “Bị cáo cho biết tiếp bị cáo bắt đầu có ý định đại diện nhóm cổ đông mới Thiên Thanh chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông cũ bà Hứa Thị Phấn để tiếp quản ngân hàng từ thời gian nào?”.

Phạm Công Danh đáp: “Thưa HĐXX tôi không nhớ rõ lắm” và giải thích trước đó làm xây dựng, gặp gỡ tiếp xúc Phan Thành Mai và nhiều chuyên gia cùng ngành nên nảy sinh ý tưởng lập ngân hàng chuyên ngành.

Sau đó, đến với Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là VNCB) qua Hà Văn Thắm.

Một câu hỏi khác được Chủ tọa phiên tòa đặt ra: “Tôi đang nhắc lại nội dung cáo trạng để hỏi bị cáo xem, do bị cáo xác định tiếp quản ngân hàng Đại Tín khi chủ sở hữu âm 2.800 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ, lại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển nhượng với nhóm cổ đông cũ.

Do áp lực thanh khoản như vậy, để rồi đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo và các đồng phạm?”.

4.000 tỷ đồng được chi vào 'chăm sóc khách hàng' trong vụ án Phạm Công Danh

Đáp lại câu hỏi này, Phạm Công Danh nói: “Tôi đề nghị, chủ tọa hỏi tôi việc gì tôi trả lời việc đó. Hỏi chung như thế tôi trả lời là không đúng”.

Ở một nội dung khác, HĐXX hỏi về các cổ đông đầu tư dự án ở Tô Hiến Thành, Phạm Công Danh lại “diễn” lại điệp khúc “không nhớ” bằng câu trả lời: “Thưa, tôi không được khỏe, không nhớ”.

Thái độ của Phạm Công Danh khiến vị Chủ tọa phiên tòa phải đặt ra nghi vấn: “Tôi cảm giác câu nào HĐXX đặt ra, bị cáo không muốn trả lời thì bị cáo trả lời không nhớ. Việc trả lời hay không là quyền của bị cáo, HĐXX sẽ xem xét toàn bộ chứng cứ của vụ án để phán quyết chính xác”.

Đáp lời nhận định của Chủ tọa phiên tòa, Phạm Công Danh nói: “Thưa HĐXX, tôi chưa bao giờ không trả lời. Tôi cố gắng hết sức để phục vụ cho phiên tòa đúng mục đích, yêu cầu.

Kính mong HĐXX xem xét rõ bản chất vấn đề. Một ngày tôi kiểm tra sức khỏe hai lần luôn trong tình trạng cấp cứu, tôi vẫn chấp nhận phục vụ phiên tòa. Tôi cố gắng đứng vì tôi sai nên tôn trọng”.

Bà Hứa Thị Phấn bị triệu tập trong phiên Tòa xử đại án tại Ngân hàng Xây dựng

Mặc dù rất nhiều lần trả lời các câu hỏi của HĐXX bằng câu nói: ‘Tôi không nhớ”.

Thế nhưng, lạ rằng rất nhiều con số và thời gian thì bị cáo lại nhớ chính xác và trả lời vanh vách.

Như việc chi cho ông Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng chăm sóc khách hàng, bị cáo nhớ rành mạch ông Thắm đòi 1000 tỷ, rồi hạ xuống 800 tỷ, cuối cùng là 500 tỷ, khoản chi này có giấy tờ. Việc chuyển nhượng 84,92%  cổ phiếu từ nhóm bà Phấn, Phạm Công Danh cũng nhớ rành rọt đã chi trả cho nhóm này 3.600 tỷ đồng.

Cũng cần nói thêm rằng, trong suốt những ngày thẩm vấn vừa qua, trước thái độ trả lời hời hợt, quanh co của Phạm Công Danh, không ít lần Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở về bệnh án của bị cáo: “Tôi nhắc cho bị cáo nhớ, tôi đã xem rất kỹ bệnh án của bị cáo. Bị cáo đang có bệnh nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trí nhớ của bị cáo”.

Rõ ràng, “ông trùm” Phạm Công Danh đang cố diễn một vở kịch để lôi người khác vào, làm nhẹ tội cho mình. Không ngoài dự tính, trong sáng ngày 1/8, màn kịch của Phạm Công Danh lại tiếp diễn để “chối bay chối biến” trách nhiệm với các khoản tiền mà Danh đã làm thất thoát của Ngân hàng Xây Dựng.