Phó giáo sư người Việt có tới 240 bài báo khoa học quốc tế

16/07/2018 06:27
Hà Linh
(GDVN) - Năm 2017, Phan Mạnh Hưởng - cựu sinh viên K41 khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên được trao giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Đại học Nam Florida (Mỹ).

Có dịp được gặp Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng (40 tuổi) - hiện giảng dạy Đại học Nam Florida (Mỹ) khi anh đến làm việc với các thầy trong khoa Vật lý Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về khoa học vật liệu vào đầu năm 2019. 

Câu chuyện của cựu sinh viên K41 khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên khiến tôi không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ một trí thức trẻ tài năng luôn hướng về Tổ quốc, và thật cảm động khi biết anh đã và đang có nhiều đóng góp cho nền khoa học, giáo dục nước nhà.

Theo lời tâm sự của Hưởng, sau khi tốt nghiệp ở Đại học Khoa học tự nhiên, chàng trai Phan Mạnh Hưởng có cơ hội làm việc tại Trung tâm Khoa học Vật liệu - Khoa Vật lý và nhận học bổng cao học của Trường Đại học Chungbuk (Hàn Quốc), sau đó tiếp tục nhận học bổng làm tiến sĩ của chính phủ Anh dành cho sinh viên nước ngoài có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc.

Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2006 tại Trường Đại học Bristol - Vương quốc Anh và được mời ở lại trường làm việc. 

Sau đó, tiến sĩ Hưởng chuyển đến Đại học Nam Florida làm việc từ năm 2008 đến nay.

Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng (thứ hai từ trái qua phải)- hiện giảng dạy Đại học Nam Florida (Mỹ) khi anh đến làm việc với các thầy trong khoa Vật lý Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về khoa học vật liệu vào đầu năm 2019. (Ảnh: Thu Lương)
Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng (thứ hai từ trái qua phải)- hiện giảng dạy Đại học Nam Florida (Mỹ) khi anh đến làm việc với các thầy trong khoa Vật lý Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về khoa học vật liệu vào đầu năm 2019. (Ảnh: Thu Lương)

Năm 2017, anh được trao giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Đại học Nam Florida (Mỹ). 

Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc của năm được Đại học Nam Florida tổ chức trong nhiều năm qua, do hội đồng khoa học gồm các giáo sư đầu ngành đánh giá và lựa chọn để trao cho khoảng 10 ứng cử viên xuất sắc nhất trong tất cả các lĩnh vực khoa học.

Các tiêu chí được đánh giá gồm công trình nghiên cứu nổi bật, số lượng bài báo được trích dẫn, tầm ảnh hưởng tới các hướng nghiên cứu trong tương lai, báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế...

Giải thưởng được trao cho tiến sĩ Hưởng dựa trên những đóng góp xuất sắc của anh và nhóm trong việc phát triển các vật liệu nano và công nghệ cảm biến mới cho các ứng dụng quan trọng trong y sinh.

Tiến sĩ Hưởng hiện là một trong những nhà khoa học trẻ nổi bật trong lĩnh vực vật liệu từ cho các ứng dụng trong thiết bị làm lạnh, thiết bị cảm biến và các thiết bị điện tử tiên tiến.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm nghiên cứu, công bố 240 bài báo quốc tế, làm phản biện cho hơn 100 tạp chí quốc tế và hiện là Trưởng ban biên tập cho 3 tạp chí quốc tế uy tín Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng là niềm tự hào của khoa Vật lý – Đại học Khoa học tự nhiên. 

Đặc biệt, năm 2016, nhận lời mời của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng là Tổng biên tập Tạp chí), anh trở thành Trưởng ban biên tập phụ trách điều hành mảng khoa học và quan hệ quốc tế của tạp chí “Vật liệu và Thiết bị Tiên tiến” (Journal of Science: Advanced Materials and Devices), một trong những tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam do trường Đại học Quốc Gia Hà Nội đảm nhiệm.

Đầu năm 2018 anh chính thức trở thành 1 trong 4 Trưởng ban biên tập chủ chốt của Tạp chí Vật liệu điện tử (Journal of Electronic Materials) - một tạp chí ISI uy tín của thế giới do nhà xuất bản Springer đảm nhiệm.

Thành tích 15 năm nghiên cứu của phó giáo sư người Việt - Phan Mạnh Hưởng là 240 bài báo quốc tế (Ảnh: Thu Lương)
Thành tích 15 năm nghiên cứu của phó giáo sư người Việt - Phan Mạnh Hưởng là 240 bài báo quốc tế (Ảnh: Thu Lương)

Chia sẻ với chúng tôi về chặng đường dài để đạt được thành công như ngày hôm nay, Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng tâm sự, một chặng đường nhiều thử thách nhưng thử thách nào cũng có cơ hội và đó là lý do mà tôi tâm niệm, môi trường học tập, làm việc tuyệt vời sẽ cho những ai có chí hướng phấn đấu, ý chí rèn luyện thì sẽ đạt tới đích đến của thành công. 

Phó giáo sư Phan Mạnh Hưởng cũng nhớ lại, khi biết tin đỗ đại học, từ một cậu bé ở vùng quê Kiến Xương, Thái Bình lên Hà Nội học tập thực sự mọi thứ quá mới mẻ, lại đúng thời điểm giáo dục đại học phân chia thành 2 giai đoạn (đại học đại cương và đại học chuyên ngành) khiến Hưởng và các bạn không khỏi băn khoăn về tương lai. 

May mắn sao, trong 1 buổi nói chuyện với sinh viên sau khi đi dự hội thảo Khoa học ở Pháp về, Giáo sư Nguyễn Châu đã thổi lên ngọn lửa đam mê khoa học sẵn có trong Hưởng, khẳng định thêm niềm tin về chân trời khoa học và sau 4 năm học tại khoa, sinh viên như em sẽ có đủ kiến thức tổng  hợp mở rộng và theo đuổi những ngành nghề các em muốn.

Sau khi học xong chương trình đại cương, Hưởng được làm việc trong nhóm nghiên cứu của các thầy. 

Trí tuệ, nhân cách niềm đam mê khoa học, sự gần gũi chia sẻ của các thầy đã ảnh hưởng đến sự quyết định hướng phát triển tương lai của cậu sinh viên mê vật lý này. 

Phó giáo sư Hưởng tâm sự: “Tất cả đối với tôi như một chặng đường dài nhiều thử thách nhưng thử thách nào cũng đi liền với cơ hội. 

Đó là lý do bao giờ tôi cũng tâm niệm một điều rằng, môi trường Khoa học tự nhiên là môi trường tuyệt vời cho những ai có chí hướng phấn đấu, chí hướng  rèn luyện và đạt đến đích của thành công đây là cái nơi chúng ta nên bắt đầu.”

Hà Linh