Phụ huynh Hà Nội cuống quýt đưa con đi học thêm Lịch sử

14/03/2019 07:09
Vũ Ninh
(GDVN) - Ngay sau khi biết thông tin môn Lịch Sử được chọn là môn thi thứ tư để tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, Hoàng Hải Vy đã giục mẹ cho đi học thêm.

Phụ huynh lo lắng, học sinh đổ xô đi học thêm

Em Hoàng Hải Vy học sinh trường Trung học cơ sở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi môn Sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi đầu vào lớp 10:

"Không chỉ có em mà rất nhiều bạn cùng lớp tỏ ra lo lắng khi biết Lịch sử là môn thi thứ 4.

Hầu hết các bạn tập trung ôn Lý, Hóa vì nghĩ đây là hai môn có khả năng cao sẽ được lựa chọn.

Bên cạnh đó như mọi năm môn Sử cũng là môn có tỉ lệ học sinh bị điểm liệt cao cho nên bọn em rất lo lắng".

Phụ huynh Hà Nội cuống quýt đưa con đi học thêm Lịch sử ảnh 1Thi vào lớp 10 công lập Hà Nội bằng 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử

Vy cho biết ngay sau khi biết thông tin môn thi thứ tư em đã xin gia đình cho đi học thêm:

"Ngay sau khi biết môn Sử là môn thi thứ tư em đã gọi điện cho các bạn trong lớp và cùng rủ nhau đi học thêm môn Sử.

Việc học thêm Sử theo em thấy là cần thiết vì các dạng đề thi hiện nay đang hướng đến tính mở nhiều hơn chứ không phải chỉ đơn thuần là học thuộc.

Khi đi học thêm các cô sẽ chữa những dạng đề hoặc dạy cách tư duy nhớ niên đại thay vì chỉ học thuộc như trên lớp".

Chị Vũ Thị Trang, phụ huynh của em Vy đang sốt ruột tìm lớp học thêm cho con.

Bên cạnh các lớp học truyền thống chị Giang cũng ưu tiên tìm những khóa ôn luyện trực tuyến:

"Các khóa học ôn thi trực tuyến hiện nay cũng được nhiều gia đình sử dụng và lựa chọn.

Như thế các con không phải mất công đi lại. Tuy nhiên nó cũng có hạn chế là làm giảm tính tương tác giữa học sinh và giáo viên.

Gia đình tôi cũng đang cân nhắc lựa chọn hình thức học thêm cho con có thể là học tại nhà cô, gia sư tại nhà 1-1 hoặc học trực tuyến".

Đánh giá về môn thi thứ 4 được chọn là Lịch sử chị Trang bày tỏ lo lắng:

"Chúng tôi nghe phong thanh từ đầu năm có thể vì năm đầu áp dụng môn thi thứ 4 nên khả năng cao sẽ vào các môn như Lý, Hóa.

Chính vì thế các con tập trung ôn nhiều những môn tự nhiên Lý, Hóa, Sinh. Khi biết môn thi thứ 4 là Lịch sử ai cũng lo lắng vì thời gian ôn luyện không nhiều.

Sử lại là môn khó học nhiều niên đại, nhiều sự kiện.

Năm nay lại áp dụng hình thức thi trắc nghiệm nên không ít phụ huynh như tôi đứng ngồi không yên".

Ngay sau khi Hà Nội công bố phương án thi vào lớp 10 với 4 môn trong đó có một môn sẽ công bố vào tháng 3, nhiều trường đã đôn đốc học sinh học đều các môn và làm quen với hình thức thi trắc nghiệm thế nhưng nhiều học sinh vẫn bị ôn lệch, ôn tủ.

Học sinh bắt đầu đổ xô đi học thêm, ôn luyện môn Lịch Sử thi vào lớp 10 (Ảnh: Vũ Ninh)
Học sinh bắt đầu đổ xô đi học thêm, ôn luyện môn Lịch Sử thi vào lớp 10 (Ảnh: Vũ Ninh)

Nguyễn Hà An, học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở Dịch Vọng bày tỏ:

"Môn thi thứ 4 là Lịch sử khiến em lo nhiều hơn là mừng. Vì trong nhiều tháng nay em vẫn tập trung ôn luyện Lý, Hóa, Sinh.

Không chỉ có em mà nhiều bạn trong lớp cũng tỏ ra lo lắng và đang tìm các lớp học thêm để củng cố kiến thức và kỹ năng".

Hà An cũng thừa nhận có một phần trách nhiệm khi học lệch, học tủ do chủ quan:

"Em cũng thừa nhận mình hơi chủ quan khi không học và ôn đều các môn. Thêm nữa môn Sử cũng khá khó học và không phải là thế mạnh của em".

Bí quyết ôn thi Lịch sử hiệu quả

Ngay sau khi công bố môn Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi đầu vào lớp 10, nhiều trung tâm gia sư, ôn thi trực tuyến nhân cơ hội này bắt đầu mở các lớp ôn luyện môn lịch sử thi vào lớp 10.

Cô Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên Lịch sử cho biết: Sau khi có thông tin chính thức môn Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, nhiều trung tâm gia sư đã gọi điện cho cô và mời cô về trung tâm của họ giảng dạy.

Phụ huynh Hà Nội cuống quýt đưa con đi học thêm Lịch sử ảnh 3Sách tuyển sinh 10 "độc quyền" và những chiêu thức lập lờ

"Chúng tôi vừa mừng vừa lo.

Mừng vì môn Lịch sử đã được xã hội và các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận tầm quan trọng của nó.

Sau lần thi này giáo viên cũng hy vọng các em sẽ quan tâm và dành thời gian nhiều hơn cho môn Sử.

Lo vì đây là năm đầu tiên môn Sử thi theo hình thức trắc nghiệm nên chúng tôi cũng phải tìm ra các phương pháp dạy và ôn luyện thi sao cho hiệu quả nhất".

Hiện nay không chỉ các lớp ôn thi trở nên quá tải mà ngay cả thị trường sách tham khảo môn Lịch sử cũng đang cháy hàng.

Sau một buổi đi tìm sách tham khảo môn Sử cho con, chị Hoàng Thị Uyên (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra thất vọng:

"Tôi cứ nghĩ sách tham khảo môn Sử sẽ dễ tìm thế nhưng hôm qua hai mẹ con đi ra các cửa hàng sách thì nhân viên ai cũng bảo sách tham khảo môn Sử đã bán hết sạch.

Hiện nay gia đình tôi phải lên mạng để tìm thêm thông tin và các loại sách trực tuyến nhưng cũng có rất ít sách về môn Sử".

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo: Học sinh nên tìm các phương pháp học và luyện thi môn Sử sao cho hiệu quả.

Các hình thức ôn thi trực tuyến cũng là một kênh tham khảo rất chất lượng thay vì đổ xô đến các lớp ôn luyện truyền thống.

Các hình thức ôn, luyện thi môn Lịch sử lớp 10 rất đa dạng mang đến nhiều sự lựa chọn cho học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)
Các hình thức ôn, luyện thi môn Lịch sử lớp 10 rất đa dạng mang đến nhiều sự lựa chọn cho học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)

Thạc sĩ Lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai – Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Học Mãi đã có 6 lưu ý để học sinh ôn tập tốt trong 3 tháng còn lại:

Một là, học sinh cần bám chắc cấu trúc đề minh họa để ôn tập, ôn đều các chuyên đề theo kế hoạch phù hợp, không để mất điểm phần lịch sử thế giới vì phần này đa phần câu hỏi dễ lấy điểm.

Hai là, ôn tập có lộ trình: tháng 3 tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc.

Ba là, đọc – ôn kỹ các bài tổng kết chương để nắm được các diễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử.

Bốn là, rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiều, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Năm là, rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm như phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ dễ đến khó.

Ngay từ thời điểm này cần luyện tập bằng các bài tập tự luyện dạng trắc nghiệm để làm quen dần.

Sáu là, học qua sơ đồ tư duy, thẻ nhớ kiến thức. Mỗi bài học, chương, giai đoạn lịch sử có thể hệ thống lại thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần.

Đồng thời mỗi bài học, sự kiện, nhân vật có thể dùng giấy nhớ để ghi lại các điểm chính cần ghi nhớ.

Vũ Ninh