Phụ huynh Hà Nội phải "nhịn ăn" vì cho con học trường chất lượng cao

05/07/2017 07:42
Thùy Linh
(GDVN) - Đến nay nhiều phụ huynh Hà Nội tỏ ra lo lắng khi đã cho con học trường công lập chất lượng cao với mức học phí ngang ngửa trường quốc tế.

Hà Nội hiện có 18 trường bao gồm cả bậc mầm non, tiểu học và  trung học đang thực hiện mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Năm học 2017-2018 tới đây, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng; bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. 

Được biết, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mô hình trường chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa. 

Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập chất lượng cao, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế.

Để đạt mục tiêu này, liên Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính đề xuất mức trần học phí và cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao.

Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)
Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

Là một trong những phụ huynh chuẩn bị có hai con học tiểu học ở một trường chất lượng cao, chị Thảo than thở: “Sắp tới, con trai thứ hai của tôi vào lớp 1, con lớn lên lớp 3. 

Chỉ vì trường gần nhà nên vợ chồng đành cố cho con vào học, chứ thực sự tiền học mỗi tháng quả là quá sức với gia đình tôi.

Trước chỉ con đầu học nhưng thấy trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt nên hai vợ chồng cố gắng chi tiêu “thắt lưng buộc bụng” để năm học tới hai con được theo học”. 

Thông tin tăng học phí khiến không ít phụ huynh cảm thấy khá lo lắng, anh Quân (Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 6 cho hay:

Theo đúng tuyến thì con tôi được nộp vào Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm mà trường này đang áp dụng mô hình chất lượng cao. 

"Mức học phí là một lo lắng để tôi phải tính toán, nói thật, không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện và sẵn sàng để cho con theo học trường chất lượng cao với mức học phí như vậy! 

Nhưng chẳng lẽ, nhà ở gần trường chỉ vì lý do không “kham” nổi học phí mà phải đưa con sang trường khác, phường khác để học”- anh Quân trăn trở.

Học phí trường chất lượng cao gấp 40 lần trường bình thường

Từ năm học 2017-2018, Hà Nội chính thức áp dụng mức học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, mức học phí cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định ở từng khu vực:

Thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh).

Học phí trường chất lượng cao gấp 40 lần trường bình thường (Ảnh minh họa trên báo Hà Nội mới)
Học phí trường chất lượng cao gấp 40 lần trường bình thường (Ảnh minh họa trên báo Hà Nội mới)

Trong khi đó mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua, cụ thể như sau: Năm học 2017-2018, đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng. Còn bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông năm học 2017 - 2018 là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. 

So sánh hai mức học phí này cho thấy, năm học 2017-2018, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao sẽ cao gấp 40 lần so với các trường công lập bình thường ở khu vực thành thị, gấp 78 lần so với khu vực nông thôn và gấp hơn 300 lần khu vực miền núi.  

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có 5 tiêu chí các trường chất lượng cao bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao. 

Việc tăng học phí trường chất lượng cao nhằm tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính, tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên, học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh... 

Thùy Linh